Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Hà Nội, ngày làm việc đầu tiên của năm mới Ất Tỵ năm 2025 (ngày 3/2), toàn Thành phố đã có khoảng 92% doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại, khoảng 96% công nhân lao động quay trở lại làm việc theo đúng kế hoạch.
Số doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp & Chế xuất Hà Nội mở xưởng sản xuất là 356/365 doanh nghiệp (đạt 97,53%) với 147.872/154.033 công nhân lao động trở lại làm việc (đạt 96%)
Công đoàn các Khu Công nghiệp & Chế xuất Hà Nội tổ chức 7 chuyến xe đón công nhân lao động từ các tỉnh quay trở lại Hà Nội vào rạng sáng ngày 2/2/2025 (Tức mùng 5 Tết) với hơn 400 công nhân lao động. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, trước, trong, sau Tết, công nhân lao động đều vui tươi, phấn khởi, không có đình công, lãn công, ngừng việc tập thể.
Trong ngày 3/2, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh đã đến thăm, nắm bắt tình hình quan hệ lao động tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Năm vừa qua, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định; đời sống việc làm của người lao động được đảm bảo. Công ty tăng lương bình quân 7% cho người lao động; tiền thưởng cho người lao động bình quân 2 tháng lương.
Trong dịp Tết Nguyên đán, Công ty tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhằm cho lo cho người lao động. Đáng chú ý là các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi trúng thưởng với hàng trăm giải thưởng hấp dẫn.
Công ty cũng đã kịp thời thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 300 triệu đồng; tổ chức khoảng 50 chuyến xe đến các tỉnh: Phú Thọ, Tuyên Quang, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Tĩnh… để đưa gần 1300 công nhân viên và người thân về quê ăn Tết và đón lên nhà máy để làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Trong khi đó, bên cạnh kinh phí hàng nghìn tỉ đồng chăm lo người lao động trước và trong Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cấp Công đoàn Hải Phòng phối hợp doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo phần quà đón NLĐ trở lại làm việc sau Tết. Các cấp Công đoàn và doanh nghiệp có phương án đón NLĐ trở lại làm việc từ ngày 3/2. Theo bà Hà Thị Hồng Nhung - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Horn Việt Nam (Khu công nghiệp An Dương), người lao động đi làm lại trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Ất Tỵ được công ty thưởng 1 triệu đồng. Trong ngày 3/2, lãnh đạo công ty và CĐCS cũng sẽ thăm hỏi, chúc Tết, lì xì cho NLĐ 100.000 đồng/người.
Công ty có đến 70% lao động ngoại tỉnh vậy nên công ty đưa ra mức thưởng và thông báo từ trước kỳ nghỉ Tết để người lao động sắp xếp thời gian sớm trở lại Hải Phòng, bắt tay vào lao động, sản xuất từ đầu năm. Công đoàn cũng hỗ trợ toàn bộ vé xe đi và về cho NLĐ để khuyến khích NLĐ sớm trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Với sự quan tâm, chăm lo của công ty, công đoàn, tỉ lệ làm việc trong ngày 3/2 đạt hơn 90%.
Còn theo thống kê của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, sau Tết Nguyên đán, khoảng 65% doanh nghiệp có đơn hàng ổn định, 15% doanh nghiệp đơn hàng tăng sau Tết. Phần lớn các doanh nghiệp đón người lao động trở lại làm việc từ 3/2, một số doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất muộn hơn nên chưa đón công nhân trở lại.
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, tại Bình Dương, các doanh nghiệp trở lại làm việc sau Tết bắt đầu từ ngày 3/2. Sở đang chỉ đạo các đơn vị rà soát nắm tình hình các doanh nghiệp mở cửa hoạt động và số lượng lao động trở lại nhà máy làm việc.
Ngày 3/2, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, khoảng 83,5% người lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong ngày 4/2, số lao động xin nghỉ phép sẽ làm việc trở lại. Đơn cử như Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam (phường Hóa An, TP Biên Hòa) có khoảng 14.500 công nhân cũng đã lên ca làm việc trở lại bình thường, đạt tỉ lệ trên 92%, còn lại đều có đơn xin nghỉ phép.
Trong ngày 4/2 và ngày 5/2, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai tiếp tục khai trương, người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Còn theo báo cáo nhanh từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong dịp Tết vừa qua, các doanh nghiệp đã chủ động đối thoại về lương, thưởng từ sớm và phối hợp với công đoàn để tổ chức các chương trình thiết thực, giúp giảm mâu thuẫn và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn vi phạm thỏa thuận lương, thưởng, dẫn đến bất bình trong người lao động, đặc biệt tại các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương... có hàng nghìn lao động đăng ký làm việc xuyên Tết. Tại một số dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc phía Nam, các dự án năng lượng... vẫn duy trì làm việc khẩn trương, xuyên Tết, công nhân, người lao động được quan tâm, tổ chức Tết tại công trường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 06/CĐ-TTg ngày 25/01/2025.
Dự báo sau Tết, thị trường lao động cũng sẽ gặp một số biến động như một số lực lượng lao động có thể không quay lại (chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý I năm 2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Các doanh nghiệp thường chủ động có chính sách “giữ chân” nhân viên, nâng cao chế độ đãi ngộ để giảm thiểu việc biến động lao động sau Tết.
Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động trong khối đơn vị sự nghiệp sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ tham gia vào thị trường lao động, tạo áp lực cho vấn đề kết nối việc làm cho các đối tượng này. Về phía cơ quan nhà nước về việc làm, để đảm bảo lao động sau Tết cần tập trung vào công tác chủ động nắm bắt tình hình lao động - việc làm trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động thông qua các hoạt động như tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/lao-dong-co-ban-tro-lai-lam-viec-sau-tet-a183915.html