Dòng tiền kinh doanh âm nặng
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024 với doanh thu thuần đạt 1.446 tỷ đồng, nhích nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp giảm 6% so với quý 4/2023, xuống còn 204 tỷ đồng.
Trong kỳ, các chi phí phát sinh đều được tiết giảm. Nhờ đó, Đạt Phương lãi sau thuế 130 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2024, Đạt Phương ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.577 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2023. Trong đó, doanh thu mảng bán điện thương phẩm giảm 8%, còn 486 tỷ đồng. Ngược lại, mảng cung cấp dịch vụ tăng mạnh 9 lần đạt 56 tỷ đồng và mảng hợp đồng xây dựng tăng nhẹ 5% lên mức 3.035 tỷ đồng. Doanh nghiệp không có doanh thu từ kinh doanh bất động sản.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Đạt Phương đạt 303 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp đã không hoàn thành kế hoạch đề ra khi mới thực hiện 78% mục tiêu doanh thu và 90% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024.
Đáng chú ý, dù vẫn có lãi nhưng Đạt Phương lại gặp vấn đề lớn với dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2024 âm tới 322 tỷ đồng, trong khi năm trước dương 608 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này bị âm dòng tiền kinh doanh kể từ khi bắt đầu công bố thông tin năm 2017.
Nợ phải trả gấp rưỡi vốn chủ sở hữu
Đạt Phương là doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xây lắp. Năm 2024, công ty trúng nhiều gói thầu lớn với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng (tính theo liên doanh), như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 (1.231 tỷ đồng), cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (2.974 tỷ đồng)…
Ngoài ra, Đạt Phương còn có 2 nguồn thu lớn từ lĩnh vực bất động sản và năng lượng với 4 nhà máy thủy điện nhỏ bao gồm: Thủy điện Sông Bung 6 (29MW), Sơn Trà 1A (30MW) Sơn Trà 1B (30MW), Sơn Trà 1C (9MW).
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Đạt Phương đạt 6.408 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Tài sản cố định chiếm phần lớn với giá trị gần 2.200 tỷ đồng, tương đương hơn 1/3 tổng tài sản. Số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn cuối kỳ chiếm gần 1.100 tỷ đồng, tương đương 17% tổng tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn và tồn kho đều có số dư cuối kỳ khoảng 1.100 tỷ.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Đạt Phương ở mức gần 3.800 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ so với đầu năm và gấp rưỡi vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, nợ vay tài chính vẫn duy trì ở mức gần 2.500 tỷ đồng, tương đương thời điểm cuối năm 2023. Đây là các khoản vay tại ngân hàng BIDV (1.339 tỷ đồng), Vietinbank (741 tỷ đồng), Vietcombank (243 tỷ đồng)…
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/vo-ke-hoach-2024-tap-doan-dat-phuong-dpg-am-nang-dong-tien-kinh-doanh-no-vay-gan-2500-ty-a183788.html