Từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đến cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy Nhà nước hiện nay

(Chinhphu.vn) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn luôn có tính thời sự và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, khi chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đến cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy Nhà nước hiện nay- Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ III, năm 1960 - Ảnh tư liệu

Là nhà cách mạng luôn gắn liền với hoạt động thực tiễn, với mục tiêu lớn nhất là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặt câu hỏi "cách mạng trước hết phải có cái gì?". Và Người xác định rằng trước hết phải có một đảng cách mạng gồm những con người tiêu biểu làm đầu tầu để dẫn dắt cách mạng đi đến thành công, rồi sau này sẽ là những người làm việc trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị. Những con người đó chính là đội ngũ cán bộ. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh - Chỉ dẫn quan trọng đối với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Vấn đề cán bộ đã hình thành rất sớm trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trở thành một trong những vấn đề cốt lõi trong tư tưởng của Người, không chỉ phát huy vai trò trong cách mạng giải phóng dân tộc mà còn để lại nhiều chỉ dẫn quan trọng đối với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước hiện nay.

Với quan điểm "Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy", "Cán bộ là gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém", "Bất cứ công việc gì thiếu cán bộ, khó thực hiện được"..., ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, củng cố bộ máy Nhà nước để có đủ sức mạnh hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao quý mà Đảng và nhân dân giao phó.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, vừa phải xây dựng vừa phải đấu tranh giữ vững chính quyền Nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng đặc biệt quan tâm  đến vấn đề cán bộ, đặc biệt là cách thức, lề lối làm việc của bộ máy tổ chức. 

Hơn 1 tháng sau khi chính quyền nhân dân được thành lập, Người đã chỉ ra một khuyết điểm lớn, phổ biến trong các ủy ban nhân dân đó là "bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức" khiến cho đội ngũ cán bộ "nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính"

Hơn lúc nào hết, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần có sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm và hy sinh từ từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm và hy sinh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn luôn có tính thời sự và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Để quá trình này thành công, cần chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung"[7]. Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để "nâng mình lên" để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm". 

Hơn lúc nào hết, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần có sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm và hy sinh từ từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu. Bởi đây là công việc rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, sẽ động chạm đến lợi ích của mỗi người và rất nhiều người. Người đứng đầu của mỗi cơ quan, đơn vị trước tiên phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên; phải dũng cảm nhìn thẳng vào thực tiễn tổ chức mình, rà soát những tồn tại, chấp nhận thay đổi, sẵn sàng điều chỉnh cơ cấu tổ chức, bộ máy, giảm số lượng cán bộ hoặc tự điều chỉnh cơ chế làm việc để phù hợp với tinh thần cải cách.

Song song với việc đẩy mạnh sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị cần hết sức lưu tâm tới việc giữ người tài, người có khả năng, trình độ, năng lực và có khát vọng cống hiến. Hay nói cách khác, phải làm sao hạn chế tình trạng "giảm" nhưng không "tinh" trong tinh giản biên chế, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện chủ trương này. Khi đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu phải có cách nhìn công tâm, khách quan để đánh giá những người làm được việc và người không làm được việc và phải chịu trách nhiệm về đánh giá của mình. Trên cơ sở đó mới có thể đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu công việc; thực hiện chính sách đối với những người không tiếp tục ở lại làm việc sau khi tinh giản biên chế, đồng thời bố trí được những người xứng đáng vào các vị trí của bộ máy mới.

Tấm gương hành động của người đứng đầu sẽ tạo động lực, truyền cảm hứng tới cả bộ máy. Mỗi cán bộ ở từng vị trí công việc phải tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò cá nhân mình, góp phần cho tập thể, phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung, hy sinh lợi ích cá nhân (nếu có) để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Chắc chắn rằng, sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy, số lượng công chức, viên chức sẽ giảm đáng kể. Những người tiếp tục công tác có thể phải gánh vác khối lượng công việc gấp đôi, gấp ba trước đó. Áp lực công việc lớn hơn nên cần phải nỗ lực hơn trước, "tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người". Sẽ không còn tình trạng làm việc "cầm chừng", đối phó để vừa đủ "lên lương". Sẽ phải có tinh thần cầu tiến và sự tận tâm, mạnh dạn cải tiến phương pháp làm việc, tận dụng lợi thế công nghệ để tăng hiệu quả công việc… Tất cả những thay đổi nhỏ này của mỗi cá nhân, khi cộng hưởng, sẽ tạo ra chuyển biến lớn cho tập thể, cho toàn hệ thống. Bởi mỗi vị trí không còn cần thiết, được tinh giản sẽ giải phóng nguồn lực cho các lĩnh vực trọng yếu của đơn vị, tổ chức, và rộng ra là của đất nước. Hơn thế, sự hy sinh vì tập thể cũng góp phần xây dựng niềm tin trong nhân dân về một hệ thống chính trị thực sự vì lợi ích chung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: "Cách mạng phải vì lợi ích của dân tộc chứ không phải của một cá nhân".

Từ tháng 12/1958, trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi". Đất nước ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai, tạo dựng được bộ máy nhà nước thực sự hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vũ Thị Kim Yến 

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch


[1] Báo Cứu quốc, số 58, ngày 4/10/1945

[2] Bài nói trong cuộc họp giám đốc và chủ tịch các ủy ban công sở ở Hà Nội, ngày 17/1/1946

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.294

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.317

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.88

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.318

[7] Nói ngày 5/1/1946, Báo Cứu quốc, số 135, ngày 7/1/1946

Tham khảo thêm
Tinh gọn bộ máy để tạo đột phá về chất lượng hoạt độngTinh gọn bộ máy để tạo đột phá về chất lượng hoạt động

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tu-chi-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-cong-tac-can-bo-den-cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-nha-nuoc-hien-nay-a183782.html