Xiết chặt quy định về dạy thêm, học thêm
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Quy định mới nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng dạy thêm, bảo vệ quyền lợi học sinh và đảm bảo công bằng trong giáo dục.
Theo đó, học sinh tiểu học không được tổ chức dạy thêm, trừ trường hợp tham gia các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao hoặc rèn luyện kỹ năng sống. Đồng thời, giáo viên đang giảng dạy tại trường không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường để thu tiền từ chính học sinh mình đang phụ trách trên lớp.
Dạy thêm trong nhà trường cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Chỉ ba nhóm học sinh được phép tham gia mà không phải đóng học phí: Học sinh có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu ở học kỳ trước; học sinh được nhà trường chọn để bồi dưỡng nâng cao; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh hoặc tốt nghiệp theo kế hoạch của trường.
Quy định mới nêu, với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, tổ chức hoặc cá nhân muốn thu phí từ học sinh bắt buộc phải đăng ký kinh doanh và chịu sự quản lý của Luật Doanh nghiệp.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm.
Danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lý an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.
Chỉ xét tuyển khi vào lớp 6
Theo Thông tư số 30 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 8/1/2025 quy định, từ năm 2025, tuyển sinh vào lớp 6 sẽ chỉ áp dụng hình thức xét tuyển, không tổ chức thi. Việc xét tuyển sẽ dựa trên hướng dẫn của Sở GD&ĐT từng địa phương.
Với tuyển sinh lớp 10, quy định mới xác định ba phương thức: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Đối với địa phương tổ chức thi tuyển, kỳ thi sẽ bao gồm ba môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn và một môn thứ ba do Sở GD&ĐT lựa chọn.
Danh sách môn thi thứ ba sẽ được công bố sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hàng năm. Một môn không được chọn liên tục quá ba năm để đảm bảo sự cân bằng trong đánh giá năng lực học sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 chỉ còn bốn môn, theo đó Thông tư 24/2024 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 8/2/2025, quy định rõ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ thay đổi theo hướng giảm số môn thi từ sáu xuống còn bốn.
Thí sinh phải thi hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, mỗi thí sinh được chọn hai môn trong danh sách: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Một điểm đáng chú ý là cách tính điểm xét tốt nghiệp sẽ thay đổi, với tỷ lệ 50% điểm thi và 50% điểm đánh giá quá trình học tập (học bạ). Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được dùng để miễn thi nhưng không còn được quy đổi thành điểm 10 khi xét công nhận tốt nghiệp như trước đây.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/hoat-dong-day-them-muon-thu-phi-phai-dang-ky-kinh-doanh-a183700.html