Công tác dân vận của Đảng: Xây dựng 'thế trận lòng dân' vững chắc

Đền bù, giải phóng mặt bằng được xem là công đoạn then chốt trong quá trình triển khai các dự án đầu tư; là thước đo sự sẵn sàng, quyết tâm của địa phương. Công tác này đòi hỏi sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, nhất là của nhân dân.

Trong đó, công tác dân vận của Đảng có ý nghĩa quan trọng trong đồng hành với chính quyền để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, giảm tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Điểm sáng trong giải phóng mặt bằng

Chú thích ảnh Nhiều người dân Thủ Đức đến làm thủ tục nhận tiền bồi thường tại dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh Ảnh tư liệu: TTXVN

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, chương trình đột phá phát triển hạ tầng Thành phố phải phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư. Do đó, việc thực hiện các dự án đầu tư, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư là nhiệm vụ rất quan trọng.

Từ năm 2022 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 538 dự án được ghi vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện, trong đó có các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Mạnh Cường cho biết, xác định trách nhiệm của ngành Dân vận và tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, một dự án trọng điểm quốc gia có ý nghĩa rất lớn để thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Chỉ thị số 25-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Tiêu biểu có thể kể đến Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố, sự quyết tâm của thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, sự chung tay góp sức của các sở, ngành, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của người dân, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đạt 99,8% với 1.689/1.692 hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng.

“Đây là một trong những dự án được đánh giá là kiểu mẫu trong tổ chức triển khai thực hiện, nhất là công tác vận động nhân dân để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhận định.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, từ thực tiễn công tác dân vận trong tham gia thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, quá trình triển khai phải phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Cùng với đó là thực hiện thật tốt dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chủ động nắm tâm tư, nguyện vọng, đời sống, sinh hoạt, việc làm, thu nhập của nhân dân để đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.

“Mục tiêu cao nhất là công tác dân vận trong giai đoạn mới là vì dân - như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo”, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.

Dân vận linh hoạt, sáng tạo trong từng vụ việc

Chú thích ảnh Công trường Đường tỉnh 927 (đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến xã Phương Bình, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN

Nhằm thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, nhu cầu về mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hậu Giang rất lớn, cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả để bàn giao mặt bằng cho nhà nước và nhà đầu tư.

Quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đền bù, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, được các ngành, cấp triển khai thực hiện mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang Sầm Hoàng Minh cho biết, năm 2024, tỉnh đã vận động người dân kiểm đếm trước khi Nhà nước thông báo thu hồi đất là 947 hộ; lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đề nghị cơ quan thẩm quyền phê duyệt 162 hộ với 139 tỷ đồng; chi trả bồi thường cho 3.006 hộ với số tiền là 276 tỷ đồng; tiếp nhận và giao mặt bằng 60,59 ha.

Bên cạnh đó, Hậu Giang đã tổ chức 210 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân với tinh thần “trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả”, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, trong đó có vấn đề đền bù, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo giải 99% ý kiến, kiến nghị kịp thời, đúng quy định, được nhân dân đồng tình và ủng hộ.

Trong thời gian tới, ông Sầm Hoàng Minh cho biết, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở sẽ tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, vận động linh hoạt, sáng tạo trong từng vụ việc, sự việc nhằm đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội địa phương và quyền lợi, lợi ích cho nhân dân. Đồng thời, đổi mới phương pháp, đa dạng hóa tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương về thu hồi đất khi thực hiện các dự án để nhân dân hiểu đúng, đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, quyền lợi của người dân khi dự án được thực hiện.

“Vận động song phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Từ đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo việc thực hành dân chủ trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân”, ông Sầm Hoàng Minh nói.

Ghi nhận các điểm sáng, mô hình dân vận tích cực hiệu quả tại các địa phương, để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận của Đảng năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, Trưởng ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính nhấn mạnh, toàn ngành sẽ đổi mới toàn diện nội dung, phương thức công tác dân vận đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Trọng tâm là đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào triển khai các lĩnh vực công tác dân vận.

Bên cạnh đó, ngành Dân vận tập trung nghiên cứu, nắm chắc tình hình nhân dân; bám sát địa bàn, làm tốt phương châm “gần dân”, “trọng dân”; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong khối dân vận và giữa ban dân vận với chính quyền cùng cấp nhằm triển khai hiệu quả công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm vấn đề bức xúc trong nhân dân ngay từ cơ sở, vụ việc khiếu kiện kéo dài, tham nhũng, tiêu cực.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/cong-tac-dan-van-cua-dang-xay-dung-the-tran-long-dan-vung-chac-a183691.html