Tái thiết Syria: Không phải chỉ đơn giản là dùng gạch với vữa

Xây dựng lại Syria sau hơn một thập kỷ xung đột không phải là nhiệm vụ đơn giản.

Sau những sự kiện chấn động khu vực, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad, Syria giờ đang phải đối mặt với thực tế mới: Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, hàng trăm nghìn sinh mạng bị mất và nền kinh tế sụp đổ.

Sự tàn phá của đất nước trải dài trên cơ sở hạ tầng vật chất, hệ thống quản lý và chính cấu trúc xã hội từng gắn kết người dân lại với nhau.

Các chuyên gia cho biết, rất khó để định lượng toàn bộ mức độ tàn phá đối với nền kinh tế Syria, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết của các nỗ lực quốc tế để tái thiết.

Đầu tháng trước, văn phòng nhân đạo của Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh "nhu cầu rõ ràng" là phải đầu tư vào quá trình ổn định lâu dài của Syria, bao gồm việc xây dựng lại các dịch vụ thiết yếu như hệ thống cung cấp điện-nước và giúp người dân đảm bảo thu nhập và sinh kế.

Thực trạng ảm đạm

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) vào giữa năm 2024, khoảng 69% người Syria sống trong cảnh nghèo đói, trong đó tỉ lệ nghèo đói cùng cực lên tới 27%, tăng từ mức không đáng kể vào năm 2009.

Cuộc nội chiến kéo dài đã đẩy hơn 1/4 dân số vào cảnh nghèo đói cùng cực, được định nghĩa là sống với mức dưới 2 USD một ngày. Để so sánh, tỉ lệ trung bình toàn cầu của những người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực là 8,5%.

GDP của Syria đã giảm hơn 85% từ năm 2011 đến năm 2023, xuống còn 9 tỷ USD, với mức giảm tiếp theo dự kiến là 1,5% vào năm 2025.

Tái thiết Syria: Không phải chỉ đơn giản là dùng gạch với vữa- Ảnh 1.

Abdulrahman, 12 tuổi, đang thu thập nhôm từ một chiếc ô tô bị phá hủy ở Ghouta, Syria, vào ngày 19/12/2024. Ảnh: Foreign Policy

Sản lượng dầu giảm mạnh từ 383.000 thùng/ngày trước khi xảy ra xung đột, xuống chỉ còn 90.000 thùng/ngày vào năm 2023. Từng là nước xuất khẩu dầu lớn nhất ở Đông Địa Trung Hải, Syria hiện là nước nhập khẩu dầu, chủ yếu dựa vào các chuyến hàng từ Iran.

Từ năm 2020 đến năm 2023, lượng dầu nhập khẩu tăng gần gấp đôi, hiện chiếm gần một nửa lượng dầu tiêu thụ trong nước.

Theo WB, ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với tình trạng di dời hàng loạt nông dân và thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng và hệ thống thủy lợi dẫn đến năng suất cây trồng giảm.

Thương mại nước ngoài đang trong tình trạng khủng hoảng, với sản lượng công nghiệp và nông nghiệp trong nước sụp đổ khiến Syria ngày càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Đồng Bảng Syria (SYP) đã phải chịu tổn thất thảm khốc, với giá trị giảm hàng nghìn phần trăm, bao gồm mức giảm 141% chỉ riêng trong năm 2023. Sự sụp đổ của đồng tiền này đã thúc đẩy tỉ lệ lạm phát dao động từ 60% đến 200% trong 5 năm qua.

Ngoài ra, thiệt hại liên quan đến chiến tranh đối với các sân bay, việc đình chỉ các chuyến bay quốc tế, du lịch đóng băng, đầu tư nước ngoài bị dừng lại, chi phí vay tăng, dự trữ cạn kiệt và sự phá hủy của xếp hạng tín nhiệm nền kinh tế đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Các bước hướng tới phục hồi

Kể từ khi các nhóm phiến quân do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lật đổ chính quyền cũ ở Damascus vào năm ngoái và thành lập một chính phủ lâm thời, một số chỉ số kinh tế của Syria đã được cải thiện.

Nhờ những nỗ lực viện trợ mạnh mẽ của các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, các nhu cầu cơ bản của người dân Syria, chẳng hạn như thực phẩm, đang được đáp ứng.

Qatar cũng nổi lên như một nhà tài trợ lớn, cung cấp hàng tấn viện trợ nhân đạo và dự kiến sẽ giúp tài trợ cho tiền lương của công chức tại Syria.

Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà công nghiệp và các tổ chức phi chính phủ của Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về việc giúp Syria tái thiết và phục hồi kinh tế.

Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc hợp tác trong việc tái thiết Syria để thiết lập các cấu trúc nhà nước bền vững, hòa bình và an ninh.

Tái thiết Syria: Không phải chỉ đơn giản là dùng gạch với vữa- Ảnh 2.

Một gia đình đang dùng bữa ở Tadamon, một khu phố ở phía nam Damascus, vào ngày 21/12/2024. Ảnh: Foreign Policy

Mỹ dưới thời chính quyền Biden cũng công bố biện pháp nới lỏng lệnh trừng phạt trong 6 tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria, báo hiệu sự thay đổi trong chính sách của Washington.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng việc dỡ bỏ trừng phạt, đưa Syria tái hòa nhập vào hệ thống ngân hàng toàn cầu và tiếp cận các quỹ quốc tế là rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của quốc gia Trung Đông này.

Nếu không có các biện pháp như vậy, sản xuất, thương mại và phục hồi thị trường vẫn là điều không thể.

Thống đốc Damascus Maher Marwan nói với Anadolu vào cuối năm ngoái rằng đoàn kết dân tộc và thu hút đầu tư là những ưu tiên hàng đầu đối với ban lãnh đạo mới.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả của chính phủ, giám sát các thể chế và xây dựng lòng tin.

Chính phủ mới đã cam kết tập trung vào các nỗ lực tái thiết bằng cách sử dụng các nguồn lực địa phương, chẳng hạn như các mỏ dầu và đất nông nghiệp, đồng thời kêu gọi viện trợ nhân đạo, đầu tư nước ngoài và hỗ trợ chính trị để dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Chính phủ lâm thời đã nhấn mạnh sự sẵn sàng khôi phục tình hình bình thường ở Syria và kêu gọi viện trợ quốc tế để hỗ trợ quá trình phục hồi toàn diện.

Như ông Tamer Qarmout, Phó giáo sư về Chính sách công tại Viện nghiên cứu sau đại học Doha (Qatar), viết trên Al Jazeera:

"Việc tái thiết Syria sẽ mất thời gian và đòi hỏi sự tận tụy từ tất cả các bên liên quan. Không chỉ là xây dựng – mà là xây dựng lại lòng tin, bao gồm tất cả mọi người trong quá trình này, và đảm bảo mọi người phải chịu trách nhiệm.

Hành trình phía trước còn dài, nhưng với nền tảng đúng đắn, chúng ta có hy vọng rằng Syria có thể một lần nữa trở thành một quốc gia thịnh vượng và kiên cường. Đây là một thách thức quan trọng đối với người Syria và tất cả chúng ta".

Minh Đức (Theo Anadolu, Al Jazeera)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Arrow-3: “Lá chắn bầu trời” chuyên đánh chặn các mối đe dọa tầm xaArrow-3: “Lá chắn bầu trời” chuyên đánh chặn các mối đe dọa tầm xa
Tham khảo thêm
Hệ thống phòng không HAWK lấp đầy “những khoảng trống quan trọng” trên bầu trờiHệ thống phòng không HAWK lấp đầy “những khoảng trống quan trọng” trên bầu trời

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tai-thiet-syria-khong-phai-chi-don-gian-la-dung-gach-voi-vua-a183679.html