Theo dấu danh trà nức tiếng trên đất Bình Định

Theo dấu ngự trà cam, khổ, tôi tìm về vùng trung du Hoài Ân (Bình Định) để nghe chuyện trà.

Từ trà cam, khổ xưa...

Đỗ Quang Tuấn Hoàng - tác giả cuốn sách Ngang dọc đường trà - đã viết: "Đất đẹp sinh trà ngon". "Đất đẹp" ở đây là vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để nuôi những búp trà xanh, là tri thức bản địa để tạo nên một văn hóa trà riêng biệt nằm trong hệ thống văn hóa chung của trà Việt.

Trong dòng chảy của trà Việt, Bình Định được biết đến là nơi có trà ngon nức tiếng, lưu truyền hậu thế.

Cây trà cổ thụ giữa vùng rừng đặc dụng An Toàn, xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định).

Cây trà cổ thụ giữa vùng rừng đặc dụng An Toàn, xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định).

Trong đó, nổi tiếng nhất là trà cam, trà khổ - loại cây mọc hoang ở vùng núi Chúa (thuộc huyện Hoài Ân, An Lão ngày nay). Theo cuốn Văn minh trà Việt của tác giả Trịnh Quang Dũng, trà cam, khổ là một trong 8 danh trà Việt thất truyền trong suốt 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVIII đến gần cuối thế kỷ XX. Trà cam, khổ là 2 giống trà mọc hoang ở vùng Kim Sơn, núi Chúa thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Cuốn Nước non Bình Định của nhà thơ Quách Tấn giới thiệu, ngày xưa, cam, khổ là loại trà quý, là vật tiến Vua, Chúa.

Trà cam có lá nhỏ, tròn, mỏng, sắc xanh nhạt, thoảng vị đường phèn thanh ngọt nên gọi là cam, có công dụng bổ máu, đẹp da. Trà khổ lá to, xanh, dày và cứng, đọt non nhân nhẩn đắng, sắc hãm nước uống xanh trong, vị rất đắng, có công dụng bổ gan, lợi cho tiêu hóa. Người xưa dùng rễ trà cam để hồi sức cho phụ nữ sau sinh, dùng trà khổ để chống say, tỉnh rượu.

Người dân An Toàn tin rằng, trà cổ thụ ở vùng núi này có thể là trà khổ ngày xưa ở vùng núi Chúa. Ảnh: Dũng Nhân

Người dân An Toàn tin rằng, trà cổ thụ ở vùng núi này có thể là trà khổ ngày xưa ở vùng núi Chúa. Ảnh: Dũng Nhân

Trà cam, khổ chỉ mọc hoang, về sau được một quan nhân họ Trần biết đến thưởng thức, tiếng thơm đồn tới kinh thành Phú Xuân (Huế). Trong vật phẩm tiến kinh của dân phủ Hoài Nhơn (Bình Định) phải có 2 món ngự dụng là trà cam khổ và bình giang sa ngư (cá bống cát).

Đến nay, trà cam, khổ thất truyền, thế nhưng, câu ca dao của vùng Hoài Ân vẫn còn truyền tụng: "Đây chè đặc sản tiến Vua/ Nhấp môi hương dậy, ngậm nghe vị đằm".

… đến danh trà Gò Loi nức tiếng

Theo dấu ngự trà cam, khổ, tôi tìm về vùng trung du Hoài Ân (Bình Định) để nghe chuyện trà.

Ông Thái Thành Việt - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân - dẫn chúng tôi tới vườn trà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Hữu Oanh (thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Đông, Hoài Ân). Lần đầu tiên đi trong hương trà thơm ngát như thế, một nhánh hoa trà trắng mỏng rung rung trong gió cũng làm khách đường xa như tôi rung động.

Thấy khách tới, ông Oanh cười vui, bày bàn và không thể thiếu ấm trà Gò Loi. Bên hương trà, trong sân nhà sát khu vườn, chuyện về trà Gò Loi bắt đầu. Ông Oanh kể, ông gắn bó với trà từ ngày nông trường Gò Loi thành lập. Đến lúc giải thể, ông vẫn bám trụ với trà cho đến nay. Vườn trà 1ha của ông đã được chuyển đổi sang sản xuất đạt chuẩn VietGAP, trở thành mô hình khu vườn kiểu mẫu của vùng đất Gò Loi ngày nay.

Vùng trà Gò Loi ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Vùng trà Gò Loi ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Vùng Gò Loi từng có giống trà cam, khổ? Tôi hỏi ông Oanh. Nhắc tới đây, ông Oanh kể: "Tôi chưa tận mắt thấy trà cam, khổ, nhưng nghe nhiều cụ cao niên trong thôn kể về loại trà này. Các cụ kể rằng, trà cam, khổ chính là giống trà bản địa mà người dân Gò Loi đã đưa từ vùng núi Chúa ở Kim Sơn về trồng. Tuy nhiên, trà cam, trà khổ không không sống được. Trà Gò Loi hiện nay có gốc gác từ nông trường Tam Đảo (Vĩnh Phúc), được nuôi dưỡng với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng gò đồi nơi đây mà thành".

Ông Oanh nhớ lại, năm đó, khi khai hoang vùng đồi Gò Loi, ông cùng với nhiều thanh niên xung phong ở địa phương loay hoay không biết nên chọn cây trồng nào cho vùng gò đồi này. Nghe danh trà cam, khổ từng xuất hiện ở đây, mọi người mới nảy ra ý tưởng là trồng trà ở Gò Loi.

Đến năm 1998, nông trường trà Gò Loi giải thể, ông Oanh cùng với nhiều người khác vì tiếc hương trà Gò Loi nên không nỡ nhìn cây trà bị bỏ. Họ đã cùng nhau mua lại một số diện tích trà để duy trì.

Là thế hệ thứ 2 giữ gìn và phát triển hương trà Gò Loi, anh Lê Hòa (con trai của ông Lê Văn Dũng - một trong những người thuộc thế hệ khai hoang nông trường trà Gò Loi) chia sẻ, trà Gò Loi được đánh giá đậm vị, ngọt hậu và có hương vị đặc trưng. Sau một thời gian bị mai một, Gò Loi nay xanh lại bóng trà nhờ vào Đề án phát triển cây trồng chủ lực của huyện Hoài Ân, giai đoạn 2016-2020 và xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương cho giai đoạn 2021- 2025.

Danh trà Gò Loi là sản phẩm OCOP của vùng đất trung du Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Danh trà Gò Loi là sản phẩm OCOP của vùng đất trung du Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

"Hơn 14ha trà Gò Loi đang được phục hồi. Sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu tập thể. Mục tiêu của huyện tới năm 2030 phát triển khoảng 35ha trà Gò Loi. Tuy nhiên, cây trà chỉ phát triển trong diện tích của vùng gò đồi Gò Loi. Do vậy, thay vì đầu tư mở rộng diện tích, tăng sản lượng, hướng của địa phương là nâng cao chất lượng, phẩm cấp của trà Gò Loi. Đầu tư nơi đây thành một vùng trà để phát triển du lịch gắn với tiêu thụ đặc sản địa phương"- ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, chia sẻ.

Danh trà Gò Loi đang dần trở lại, bằng chứng là giá bán trà Gò Loi phẩm cấp cao từ 500.000 đồng đến hơn 1,5 triệu đồng/kg trà. Người trồng trà ở Gò Loi thành lập HTX để hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ danh trà Gò Loi.

Độc đáo không gian trà Việt trên tàu điện bánh hơiĐộc đáo không gian trà Việt trên tàu điện bánh hơi

Nhiều du khách nước ngoài thích thú được trải nghiệm trà Việt trên toa tàu điện bánh hơi tại Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội).

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/theo-dau-danh-tra-nuc-tieng-tren-dat-binh-dinh-a183636.html