Chú trọng phát triển văn hóa, nếp sống văn minh để phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Hà Nội luôn chú trọng mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới, phấn đấu xây dựng là thành phố tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa.

Chú trọng phát triển văn hóa, nếp sống văn minh để phát triển bền vững- Ảnh 1.

Hà Nội chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh - Ảnh: VGP/Gia Huy

Xây dựng thành phố tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác lớn toàn khóa, trong đó có chương trình riêng về phát triển văn hóa, con người, trọng tâm là Chương trình số 06 -CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025".

Theo đó, thời gian qua, Hà Nội luôn chú trọng mục tiêu "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới", trong đó nhấn mạnh đến phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Để đạt được mục tiêu này, trong nhiều năm qua, Thành phố đã tập trung, ưu tiên nhiều nguồn lực cho phát triển con người.

Trong nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội xác định nhiệm vụ cốt lõi là tập trung xây dựng Thành phố tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử có văn hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh như: Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Hà Nội cũng là địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… đã góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Bám sát yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành phố đã ban hành 2 Quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan); đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ứng xử văn hóa và đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực trên địa bàn Thủ đô.

Đến nay, việc thực hiện 02 quy tắc ứng xử văn hóa đã góp phần tích cực trong việc xây dựng, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, bồi đắp và hoàn thiện nhân cách con người Thủ đô.

Công tác chỉ đạo, triển khai việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh được thực hiện quyết liệt, toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: Giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, nhà trường, xã hội) bằng nhiều hình thức phong phú ; tích cực thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch thông qua tổ chức xét chọn, biểu dương người tốt việc tốt, danh hiệu công dân ưu tú.

Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025", Thành phố Hà Nội đã xác định việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở thông qua việc phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hoá ngày càng cao của Nhân dân mà còn góp phần không nhỏ trong việc phát triển văn hoá.

Thành phố thường xuyên tăng cường hướng dẫn, phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức thành công nhiều cuộc Liên hoan, Hội thi từ cấp cơ sở đến cấp Thành phố.

Nhiều công trình văn hóa lớn, trọng điểm đã được đầu tư. Các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao luôn được đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình văn hoá quy mô lớn, kiến trúc đẹp được xây dựng. Xu hướng chung của hệ thống thiết chế văn hóa - thể dục thể thao cơ sở là gần gũi, phục vụ sát yêu cầu của nhân dân ở cơ sở.

Thành phố chú trọng đến xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thông qua việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; quy chế và nội dung hoạt động. Mức hỗ trợ đầu tư cho các nhà văn hóa thôn làng là 2,5 tỷ đồng/nhà văn hóa, đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đối với việc hỗ trợ đầu tư cho các di tích: Hỗ trợ tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho các di tích do cấp huyện quản lý.

Chú trọng phát triển văn hóa, nếp sống văn minh để phát triển bền vững- Ảnh 2.

Cùng nhau gói bánh chưng nhân dịp Tết Nguyên đán 2025 tại một chung cư ở quận Bắc Từ Liêm - Ảnh: VGP/GH

Toàn Thành phố hiện có 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 79,3%. Trong đó có 2.283 nhà văn hóa thôn (đạt 97%); 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố (đạt 65,5%). Trong 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, có 1.918 nhà văn hóa đáp ứng cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang thiết bị theo quy định.

Đặc biệt, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 với tổng số trên 1.460 dự án đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế, trong đó 1.310 dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 (227 dự án Thành phố đầu tư, 1.083 dự án Thành phố hỗ trợ đầu tư) và 159 dự án đầu tư giai đoạn sau năm 2025.

Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã trở thành địa chỉ văn hóa phục vụ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng dân cư góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh trong các tầng lớp Nhân dân.

Từ hiệu quả hoạt động của hệ thống Nhà văn hóa các cấp, các quận, huyện, thị xã chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển Nhà văn hóa phường, xã, thị trấn... Hướng đi này đã phát huy tối ưu công năng của hệ thống Nhà văn hóa trong việc thực hiện mục tiêu "đưa văn hóa thông tin về cơ sở", "tạo môi trường để đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật" góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng.

Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều chương trình văn hóa đặc sắc tạo nên nhiều không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài Thủ đô tham gia

Điểm nhấn nổi bật là việc tạo không gian đọc cho Nhân dân Thủ đô nhằm mục đích xây dựng, khuyến khích thói quen đọc sách và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, hướng tới xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...; từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ công nhân viên chức lao động Thủ đô.

Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa

Một trong các nhiệm vụ được xác định trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ đó là Hà Nội sẽ trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước.

Nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của Hà Nội, Thành uỷ đã ban hành Nghị quyết số 09 -NQ/TU ngày 22/02/2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

TIN LIÊN QUANPhát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm với văn hóa, lịch sử xứ ĐoàiTừng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đặc trưng của Thủ đôLễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Nơi hội tụ của 12 ngành công nghiệp văn hóaLễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Nơi hội tụ của 12 ngành công nghiệp văn hóa

Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, năm 2019, Hà Nội đã chính thức là Thành phố đầu tiên của Việt Nam và là một trong 3 Thủ đô đầu tiên của các nước Đông Nam Á được vinh dự nhận danh hiệu là "Thành phố sáng tạo" trong lĩnh vực thiết kế thuộc Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Đây là cơ hội thuận lợi để Hà Nội định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa, thực hiện đúng nhiệm vụ được đề ra. Với tầm nhìn và thương hiệu của một thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội có thể xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị và tập trung các chương trình phát triển dân sự, giáo dục và các sự kiện

văn hóa gắn liền với tầm nhìn tổng thể. Việc tham gia Mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao tầm vóc và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hà Nội.

Cùng với đó, một số dự án trọng điểm của Hà Nội đã có tác dụng thực tiễn, giải quyết những vấn đề để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội như: Dự án xây dựng đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo nhằm hỗ trợ cho các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, giai đoạn đầu Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội sẽ đặt tại Bảo tàng Hà Nội; tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; tham gia diễn đàn mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực Đông Nam Á; hình thành mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ thông qua nhiều hoạt động đa dạng...

Một điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dưng hoàn thiện thị trường văn hóa đó là Thành phố đã tạo ra rộng khắp các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật như: không gian đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Phố sách Hà Nội tại phố 19/12, Hoàng Thành Thăng Long, Công viên Lý Thái Tổ, Công viên Thống Nhất, các sân vận động, nhà bảo tàng, nhà văn hóa…

Nhờ đó đã thu hút sự quan tâm của các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế, đó là sự phát triển tạo ra không khí văn hóa, nghệ thuật sáng tạo bao trùm Thành phố.

Cùng với đó, là sự phát triển các mô hình không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật cộng đồng (khoảng gần 200 không gian sáng tạo) hoạt động khá hiệu quả, thu hút cộng đồng tham gia sáng tạo văn hóa, như: The vuon, Hanoi Creative City, Heritage Space... được xem là nền tảng tiền đề quan trọng để khai thác và phát huy tối đa sức sáng tạo sự đóng góp của cộng đồng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, văn nghệ sỹ, trí thức để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển hình thành hệ thống các không gian sáng tạo trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hoài Đức, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Sơn Tây tạo thành vành đai không gian của Hà Nôi để tạo lập hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, thiết kế sáng tạo kết hợp với phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, nghề thủ công phát phục vụ du lịch, thương mại, phát triển kinh tế địa phương; tập trung phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề.

Gia Huy

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chu-trong-phat-trien-van-hoa-nep-song-van-minh-de-phat-trien-ben-vung-a183599.html