Xuân về Thài Khao

Tại bản người Dao, người Mông, thôn Thài Khao, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), bà con đang khẩn trương hoàn thành nốt những công việc cuối cùng và tất bật chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Không còn là mảnh đất khó khăn nhất của huyện Hàm Yên, thôn Thài Khao hôm nay đang thay đổi từng ngày, bừng lên sức sống mới khởi sắc và phát triển.

Chú thích ảnh Hơn 8 km đường nội thôn Thài Khao (Tuyên Quang) được bê tông hóa phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân.

Thôn Thài Khao có 90 hộ dân; trong đó 76% là đồng bào dân tộc Dao, còn lại là đồng bào dân tộc Mông. Nằm cách trung tâm xã Yên Lâm 16 km, trước đây, Thài Khao là thôn khó khăn nhất của xã, không có điện và cũng không đường bê tông.

Anh Lý Văn Thông, Trưởng thôn Thài Khao cho biết, tháng 12/2020, lưới điện quốc gia đã về với Thài Khao. Từ khi có điện, nhiều hộ đầu tư mua máy xay sát, ti vi, tủ lạnh để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhờ có điện mà bà con có điều kiện nắm bắt thông tin thời sự, sức khỏe, vệ sinh môi trường, các mô hình phát triển kinh tế để học hỏi thêm cách làm ăn.

Cũng theo Trưởng thôn Lý Văn Thông, Thài Khao là thôn phát triển rừng mạnh nhất ở xã Yên Lâm. Cả thôn hiện có trên 2.800 ha rừng; trong đó 2.200 ha là rừng sản xuất. Trồng rừng là kế sinh nhai, hướng thoát nghèo bền vững giúp đời sống và kinh tế của bà con người Dao, người Mông ở Thài Khao ngày càng khấm khá.

Chú thích ảnh Nhờ kinh tế rừng, đời sống bà con người Dao, người Mông ở thôn Thài Khao đổi thay từng ngày, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Lý Thị Miền, thôn Thài Khao hiện có hơn 17 ha rừng trồng keo. Năm 2023, gia đình khai thác 5 ha và thu về trên 400 triệu đồng. Chị Lý Thị Miền cho hay, trước kia gia đình có gần 3 ha keo, kỳ thu hoạch đầu tiên thu về hơn 200 triệu đồng. Trồng keo không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định. Khai thác đến đâu, gia đình chị Miền lại trồng mới gối vụ đến đấy. Đầu năm 2024, thực hiện Nghị quyết 03 ngày 25/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, gia đình chị Miền được hỗ trợ nguồn giống để trồng mới 5 ha keo. Nhờ nguồn giống tốt và hướng dẫn kỹ thuật của lực lượng kiểm lâm, 100% cây keo phát triển khỏe mạnh, xanh tốt.

Gia đình chị Bàn Thị Giầu, cũng nhờ rừng mà xây dựng được nhà sàn bê tông khang trang rộng rãi, mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh và các đồ đạc phục vụ cuộc sống. Chị Bàn Thị Giầu chia sẻ, chính vì có lợi nhuận từ rừng, gia đình chị mở được một quầy tạp hóa nhỏ. Đồng thời, từ khi thôn Thài Khao có điện lưới, gia đình cũng đầu tư thêm máy xay sát để phục vụ bà con trong và ngoài thôn.

Những năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng tại Thài Khao được Nhà nước quan tâm đầu tư như: xây dựng nhà văn hóa, đường bê tông nội thôn dài hơn 8 km, đầu tư nâng cấp tuyến đường từ thôn Thài Khao đi xóm Gốc Chanh, nâng cấp điểm trường học...

Chú thích ảnh Cô và trò tại điểm trường Thài Khao, Trường mầm non Yên Lâm, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). 

Điểm trường Thài Khao, Trường mầm non Yên Lâm hiện có gần 30 học sinh đang học tập. Tháng 11/2021, Trại tạm giam (Công an tỉnh Tuyên Quang) và một số tổ chức cá nhân hỗ trợ xây mới bếp ăn bán trú và sửa chữa lớp học bán trú nhằm đảm bảo nhu cầu học tập và ăn bán trú cho học sinh.

Cô giáo Hoàng Thị Ngát, Trường mầm non Yên Lâm cho biết, có lớp học khang trang, cô giáo cũng có thêm động lực để làm việc, các em học sinh đều thích đến lớp mỗi ngày. Đặc biệt, giờ đây phụ huynh học sinh ngày càng nâng cao nhận thức về giá trị của việc học hành nên 100% trẻ em người Dao, người Mông ở Thài Khao đều được đến trường đúng độ tuổi, các cô giáo không phải đến nhà vận động đưa trẻ đi học như nhiều năm trước.

Trưởng thôn Thài Khao Lý Văn Thông thông tin, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Thài Khao đạt 48 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2020. Tính đến cuối năm 2024, thôn chỉ còn 10 hộ nghèo, giảm 35 hộ so với năm 2023.

Chú thích ảnh Bà con dân tộc xay sát gạo để chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ 2025.

Cũng theo Trưởng thôn Lý Văn Thông, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cùng với việc duy trì các hoạt động sản xuất, gần một tháng nay, bà con nhân dân đã bảo nhau dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn để chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tổ chức trong dịp Tết. Chị em phụ nữ cũng tự tay chuẩn bị cho mình những bộ quần áo truyền thống đẹp đẽ để mặc trong dịp Tết sắp tới...

Ông Vũ Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết, là xã đặc biệt khó khăn, địa phương luôn nhận được sự quan tâm, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Điển hình như hỗ trợ xây nhà ở, xây dựng đường bê tông, hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao để bà con phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thân của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; trong đó có thôn Thài Khao có sự khởi sắc rõ rệt.

Chú thích ảnh Bà con dân tộc thôn Thài Khao (Tuyên Quang) dọn dẹp Nhà văn hóa để chuẩn bị các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức trong dịp Tết Ất Tỵ 2025. 

Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, tăng cường thông tin nâng cao nhận thức cho người dân về công tác giảm nghèo, có ý thức tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Yên Lâm.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/xuan-ve-thai-khao-a182709.html