Văn khấn ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp theo phong tục cổ truyền

Theo quan niệm từ xa xưa của người Việt, ngày 23 tháng Chạp âm lịch được gọi là ngày Tết ông Công ông Táo. Vào ngày này, mỗi gia đình lại chuẩn bị một mâm lễ vật, đọc văn khấn tiễn ông Công, ông Táo lên chầu Trời.

Lễ cúng ông Công ông Táo là một trong những nét văn hóa tâm linh đặc sắc của người Việt, diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Năm 2025, ngày ông Công ông Táo rơi vào thứ Tư, ngày 22/1 dương lịch.

Lễ cúng ông Công ông Táo không chỉ là một dịp để gia đình sum vầy, mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Theo truyền thuyết, Táo quân là người ghi lại mọi việc tốt xấu trong năm của từng gia đình và tâu lên Ngọc Hoàng. Do đó, lễ cúng là dịp để mọi người thành tâm cầu nguyện cho một năm mới an lành, hạnh phúc và may mắn.

Văn khấn ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp theo phong tục cổ truyền- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Lễ cúng ông Công ông Táo thường bao gồm các mâm cỗ và lễ vật dâng lên thần linh. Gia chủ cần chuẩn bị các lễ vật cúng ông Công ông Táo gồm:

-Bộ mũ ông Công ông Táo: Đây là vật phẩm không thể thiếu, bộ mũ của hai ông và một bà mang ý nghĩa đưa tiễn các vị thần lên chầu trời. Bộ mũ thường được làm bằng giấy trang kim màu sắc rực rỡ.

-Cá chép: Cá chép được xem là phương tiện để ông Công ông Táo lên trời. Tùy vào vùng miền mà có thể là cá chép sống để phóng sinh hoặc cá chép giấy.

-Vàng mã

-Trầu cau, trái cây, hoa tươi.

-Rượu trắng, trà, gạo-muối (mỗi thứ một đĩa nhỏ).

Bên cạnh các lễ vật chính, mâm cỗ cũng đóng vai trò quan trọng trong lễ cúng. Tùy từng điều kiện của mỗi gia đình có thể chọn mâm cỗ mặn hoặc mâm cỗ chay.

Mâm cỗ mặn sẽ bao gồm các món truyền thống như gà luộc, giò, nem rán, xôi, và các món ăn dân dã khác. Mâm cỗ mặn thể hiện sự thịnh soạn và lòng thành kính của gia đình đối với các vị thần linh.

Đối với những gia đình theo phong cách sống thanh tịnh, mâm cỗ chay có thể thay thế như một sự lựa chọn khác. Các món chay thường bao gồm nem rán chay, nấm xào, rau củ quả... Mâm cơm chay thể hiện sự giản dị, thanh thoát nhưng không kém phần trang trọng.

Người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch. Khi hành lễ, phải ăn mặc chỉn chu, gọn gàng, kín đáo, không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn… Trong lúc khấn, phải giữ tâm thái hoan hỉ để tạo ra năng lượng tích cực.

Dưới đây là bài văn khấn ông Công ông Táo lên chầu Trời (theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Thanh Hóa) các bạn có thể tham khảo:

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là...

Ngụ tại:...

Hôm nay ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, trẻ già sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần Phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

*Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo

Minh Hoa (t/h theo Lao Động, VTC News)

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/van-khan-ong-cong-ong-tao-ngay-23-thang-chap-theo-phong-tuc-co-truyen-a182441.html