Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu

(Chinhphu.vn) - Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là lĩnh vực được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chia sẻ thông tin về kết quả công tác tư pháp năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm quý I/2025. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Sáng 16/1, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo và gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, thông tin về kết quả công tác tư pháp năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong quý I/2025.

Kết quả thi hành án dân sự đạt mức cao nhất từ trước đến nay

Chia sẻ với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho hay, kết quả công tác năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân được tăng cường, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên thông về khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân; thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến;...

Việc thực hiện cải cách hành chính và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO trong công tác chuyên môn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được chú trọng, tăng cường;

Song song với đó, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là lĩnh vực được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, trong năm 2024, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; thông qua 28 luật tại các Kỳ họp bất thường. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8.

Về công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, năm 2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định đối với 362 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Các mặt công tác khác như: Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; quản lý nhà nước về con nuôi; đăng ký biện pháp bảo đảm; bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý; hợp tác quốc tế… đều đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh mong muốn báo chí luôn đồng hành, tuyên truyền các nội dung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Tăng cường tuyên truyền để chính sách pháp luật đi vào cuộc sống

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2025, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Bộ Tư pháp sớm xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới". Đồng thời, tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, văn bản, đề án do Bộ Tư pháp chủ trì, như: Nghị quyết của Quốc hội giải quyết vướng mắc, phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi);…

Bộ Tư pháp tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Tư pháp bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được cả xã hội quan tâm, trong đó có báo chí. Do đó, mong muốn các cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng Bộ Tư pháp để đưa tin kịp thời về việc thực hiện các giải pháp trong xây dựng thể chế, về tác động, kết quả của thể chế đó. Trong tâm là việc nghiên cứu, xây dựng Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật với những quy định mới, thể hiện các tư tưởng mới, bảo đảm ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa đúng quy trình vừa chặt chẽ nhưng phải linh hoạt.

Trong thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, pháp luật cũng phải đi trước. Đây cũng là vấn đề hết sức lớn, thách thức đối với hệ thống hành chính của chúng ta. Phân cấp, phân quyền để bảo đảm quyền lực nhà nước được vận hành một cách hiệu quả, trôi chảy, hạn chế tối đa cấp trung gian…

10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2024Bộ Tư pháp lấy ý kiến cán bộ chủ chốt về sắp xếp tổ chức bộ máyBộ Tư pháp đề xuất nhiều nội dung mới trong Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp mong muốn các cơ quan báo chí quan tâm tuyên truyền về các nội dung quản lý nhà nước của ngành Tư pháp như hành chính tư pháp, đặc biệt công tác chuyển đổi số, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và các thủ tục liên thông, công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… đây cũng chính là những nội dung Bộ Tư pháp sẽ tập trung triển khai trong năm 2025.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan thuộc Bộ Tư pháp tiếp tục chủ động phối hợp, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các cơ quan báo chí để những chính sách, văn bản, quy định đi vào cuộc sống ngay sau khi được ban hành…

Trong dịp Tết Nguyên đán, các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Ty năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung rà soát, đảm bảo an ninh, trật tự và thực hiện phòng chống cháy, nổ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác ngay sau đợt nghỉ Tết nguyên đán…

Diệu Anh


Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/cong-tac-xay-dung-hoan-thien-phap-luat-la-nhiem-vu-trong-tam-hang-dau-a182058.html