Quảng cáo hơn 1 tỷ đồng/phút, Táo Quân trở thành 'mỏ vàng' của VTV trong mỗi dịp Tết

Sức hút khổng lồ của chương trình Táo Quân khiến nó trở thành cơ hội vàng cho các thương hiệu muốn tiếp cận hàng triệu khán giả.

Con số "khủng" cho 1 phút quảng cáo

Ngay khi thông tin Táo Quân 2025 được ghi hình tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô từ 15-17/1, nhiều người hâm mộ của chương trình đã nhanh chóng tìm kiếm tấm vé mời. Tuy nhiên, vé ghi hình chỉ được phát hành dưới dạng vé mời, không phải vé bán chính thức. Do đó, thị trường chợ đen trao đổi vé Táo Quân đang "nở rộ" trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Trong vai người mua vé, phóng viên Người Đưa Tin đã liên hệ với một số tài khoản rao bán trên Facebook. Họ cam kết vé thật do "người thân trong ekip sản xuất chương trình" cung cấp. Để tăng độ uy tín, họ đề xuất giao dịch tại cổng Cung Văn hóa, người mua nhận vé trước khi chuyển khoản.

K.A - một người rao bán cho biết: “Nhà sản xuất chỉ phát vé cứng nên mình sẽ giao vé ở cổng. Bạn có thể đến trước khoảng 30 phút để lấy vé vào, mình bao kiểm tra đàng hoàng”.

Theo ghi nhận, giá vé ghi hình trong hai ngày 16/1 và 17/1 dao động 4-5 triệu đồng ở tầng trên. Tầng dưới, đặc biệt các vị trí đẹp như ghế ngồi hàng D, H, G, được rao bán từ 12-15 triệu đồng. Mức giá này gần tương đương với vé các show ca nhạc hàng đầu như “Anh trai vượt ngàn chông gai” hay “Anh trai say hi”. 

Quảng cáo hơn 1 tỷ đồng/phút, Táo Quân trở thành 'mỏ vàng' của VTV trong mỗi dịp Tết- Ảnh 1.

Các nhóm mua, bán vé "Táo Quân 2025" bùng nổ, tạo thành cơn sốt trên các nền tảng mạng xã hội.

Hiện nay, nhà sản xuất chương trình chỉ phát hành vé cứng, không sử dụng mã QR để quét xác nhận, khiến việc phân biệt vé thật hay giả trở nên khó khăn. Trang Cổng thông tin Quốc hội đã cảnh báo người mua cần tỉnh táo tránh "tiền mất tật mang".

Không chỉ là chương trình giải trí đặc sắc, Táo quân còn là "mảnh đất vàng" cho các nhãn hàng quảng bá thương hiệu, với mức giá quảng cáo ngày càng cao, phản ánh sự ổn định và sức hút mạnh mẽ của chương trình này trong ngành truyền thông và quảng cáo tại Việt Nam.

Vừa qua, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình TVAd (thuộc VTV) đã công bố bảng báo giá quảng cáo trong chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2025, gây sự chú ý lớn với mức giá không hề thấp. 

Theo đó, doanh nghiệp muốn quảng bá trong chương trình này sẽ phải chi ra một khoản không nhỏ. 

Cụ thể, với 10 giây quảng cáo, mức giá lên tới 322,75 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp muốn tăng thời lượng, mức giá cũng tăng theo: 387,3 triệu đồng cho 15 giây, 484,125 triệu đồng cho 20 giây và 645,5 triệu đồng cho 30 giây. 

Tuy nhiên, mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Điều này có nghĩa là, nếu thương hiệu nào muốn quảng cáo khoảng 1 phút trong chương trình Táo Quân 2025, họ sẽ phải chi gần 1,3 tỷ đồng, chưa tính thuế. Trong khi đó, ở số phát lại Táo Quân 2025 vào sáng 29/1 (mùng 1 Tết) trên sóng VTV3 ở mức rất thấp.

Cụ thể, giá quảng cáo 10 giây chỉ còn 38,65 triệu đồng, 15 giây là 46,38 triệu đồng, 30 giây là 57,975 triệu đồng và 30 giây phát lại vào sáng mùng 1 Tết có giá 77,3 triệu đồng.

Mặc dù mức giá quảng cáo năm nay không có sự thay đổi lớn so với năm trước, nhưng nếu so với 5 năm trở lại đây, con số 645,5 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo không còn là điều bất ngờ. Cụ thể, vào năm 2021 và 2022, các nhãn hàng muốn xuất hiện trong chương trình Táo Quân đêm Giao thừa phải trả 650 triệu đồng cho block quảng cáo 30 giây.

Điều đáng chú ý là vào năm 2020, khi chương trình Gặp nhau cuối năm thay thế Táo Quân, VTV đã chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt về doanh thu quảng cáo, khi mức giá quảng cáo chỉ dao động từ 200 triệu đồng (10 giây) đến 400 triệu đồng (30 giây).

Quảng cáo hơn 1 tỷ đồng/phút, Táo Quân trở thành 'mỏ vàng' của VTV trong mỗi dịp Tết- Ảnh 2.

Bảng giá chi phí quảng cáo trong Táo Quân 2025 (Nguồn: TVAd).

Tuy nhiên, mức giá này không hề làm giảm sức hút của Táo quân đối với các nhãn hàng. Ngược lại, chương trình vẫn thu hút một lượng lớn doanh nghiệp "chịu chi" để quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình. 

Trong hai năm qua, một ngân hàng lớn đã chiếm sóng quảng cáo trong chương trình với thời lượng lên tới 140 giây (2,3 phút). Với bảng giá năm 2023, ngân hàng này phải bỏ ra ít nhất khoảng 3 tỷ đồng để xuất hiện trên sóng Táo quân.

Doanh thu quảng cáo trong chương trình Táo quân luôn đạt mức ấn tượng, thường xuyên đạt gần 30 tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, năm 2021 đạt gần 27 tỷ đồng, năm 2023 đạt khoảng 28 tỷ đồng. Năm 2024 ước thu về 25 tỷ đồng tiền quảng cáo với 21 doanh nghiệp tham gia. 

Sự ổn định này không chỉ thể hiện sức hấp dẫn của chương trình mà còn phản ánh tầm quan trọng của Táo quân trong việc kết nối các thương hiệu với người tiêu dùng.

Doanh nghiệp sẵn sàng "chịu chi"

Trao đổi với Người Đưa Tin, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định, dù có những biến động nhỏ về doanh thu qua các năm, nhưng tổng thể, Táo quân vẫn duy trì được sức hút lớn đối với các nhà quảng cáo. 

Ông cho rằng chương trình không chỉ là một phần không thể thiếu trong văn hóa Tết của người Việt mà còn là cơ hội vàng để các thương hiệu tiếp cận lượng lớn khán giả, đặc biệt vào dịp giao thừa.

“Đối với các nhà quảng cáo, đây là thời điểm vàng để tiếp cận một lượng lớn khán giả, điều này giải thích cho mức giá cao và doanh thu ổn định từ quảng cáo của chương trình. Nhìn chung, dù thị trường quảng cáo có nhiều biến động, Táo quân vẫn là một lựa chọn hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu và sản phẩm của họ.

Điều này không những chứng tỏ giá trị thương mại của chương trình mà còn phản ánh sự kết nối mạnh mẽ giữa chương trình và người dân Việt Nam”, ông Long chia sẻ.

Vị chuyên gia này cũng phân tích một cách sâu sắc về chi phí tiếp cận mỗi người xem. Giả sử 30% dân số Việt Nam, tương đương khoảng 30 triệu người xem Táo quân, thì doanh thu quảng cáo 30 tỷ đồng chia cho 30 triệu người sẽ cho ra chi phí tiếp cận mỗi người là 1.000 đồng. Đây là một con số khá hợp lý khi xét đến giá trị thương hiệu của Táo quân – một chương trình được mong đợi và yêu thích hằng năm.

NSND Tự Long lên tiếng cảnh báo khán giả trước tình trạng lừa đảo bán vé Táo Quân 2025Táo Quân 2025: Đổi mới và những câu hỏi chưa có lời đáp

“Sự kết hợp giữa độ phổ biến cao và vị thế đặc biệt của chương trình trong văn hóa Tết ở Việt Nam làm tăng giá trị của quảng cáo trên nền tảng này. 

1.000 đồng cho mỗi lần tiếp cận người xem không phải là con số cao, đặc biệt khi so sánh với tầm ảnh hưởng và sự kết nối mà Táo quân có với khán giả. 

Nếu có đủ nguồn lực, đầu tư vào quảng cáo trong chương trình này có thể là một quyết định tốt, đặc biệt khi muốn tạo ấn tượng mạnh mẽ và đạt được độ phủ sóng rộng rãi”, ông Long khẳng định.

Với sự ổn định trong doanh thu quảng cáo và mức độ phủ sóng rộng rãi, Táo quân tiếp tục là một sự lựa chọn hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm trong dịp Tết. Không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, chương trình còn tạo ra cơ hội kết nối thương hiệu với người tiêu dùng qua một nền tảng văn hóa sâu sắc.

Dù chi phí quảng cáo trong Táo quân có phần cao, nhưng với tầm ảnh hưởng lớn và sự gắn kết mạnh mẽ với khán giả Việt Nam, đầu tư vào quảng cáo trong chương trình này vẫn là một quyết định xứng đáng.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/quang-cao-hon-1-ty-dongphut-tao-quan-tro-thanh-mo-vang-cua-vtv-trong-moi-dip-tet-a182000.html