Theo nguồn tin của Bloomberg, ByteDance - công ty mẹ của TikTok - vẫn ưu tiên đấu tranh pháp lý để ngăn chặn lệnh cấm. Tuy nhiên, các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ có dấu hiệu ủng hộ luật yêu cầu TikTok bán hoặc ngừng hoạt động vì lý do an ninh quốc gia.
Một trong những kịch bản được Bắc Kinh thảo luận là để Elon Musk, thông qua công ty X (trước đây là Twitter), mua lại TikTok Mỹ. Với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, TikTok có thể hỗ trợ X thu hút quảng cáo và cung cấp dữ liệu lớn cho xAI – công ty AI của Musk.
Chính phủ Trung Quốc hiện nắm “cổ phần vàng” (golden share) trong ByteDance, qua đó có quyền quyết định hay phủ quyết các vấn đề quan trọng trong công ty, ngay cả khi họ không sở hữu nhiều cổ phần. Điều đó cũng có nghĩa, chính phủ có quyền can thiệp vào các quyết định lớn của ByteDance khi cần thiết.
Một phương án được đề xuất là nền tảng mạng xã hội X của Elon Musk sẽ tiếp quản hoạt động của TikTok tại Mỹ. Hai bên có thể điều hành kinh doanh cùng nhau. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc vẫn chưa đạt được đồng thuận về cách tiếp tục, theo Bloomberg.
Đại diện TikTok cho biết, “Chúng tôi không thể bình luận về những thông tin hoàn toàn mang tính giả định”. Hiện chưa rõ ByteDance có biết gì về các cuộc thảo luận này hay không. Cũng không có thông tin nào xác nhận rằng ByteDance, TikTok và Elon Musk đã đàm phán về một thỏa thuận.
Theo Bloomberg, lệnh cấm TikTok dự kiến có hiệu lực vào ngày 19/1, chỉ một ngày trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Trong trường hợp thất bại, ByteDance có thể cân nhắc di dời người dùng Mỹ sang một ứng dụng mới với thương hiệu khác để tránh lệnh cấm.
Ngoài Musk, các nhà đầu tư như Frank McCourt, Kevin O’Leary, và các công ty như Microsoft hay Oracle đều từng quan tâm đến việc mua lại TikTok Mỹ. Tuy nhiên, triển vọng về một thương vụ vẫn còn nhiều bất định, đặc biệt khi có sự can thiệp từ chính quyền Mỹ và Trung Quốc.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tiktok-dung-truoc-nga-re-lich-su-elon-musk-lieu-co-phai-la-nguoi-giai-cuu-a181805.html