Phát huy năng lực của các tổ chức Hội ở cơ sở
Sáng 14/1, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029 đã long trọng diễn ra.
Tại Đại hội, TS.Trần Công Phàn – Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV đã trình bày Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024.
Theo báo cáo, qua 5 năm hoạt động, Ban Chấp hành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình công tác theo Nghị quyết Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII đề ra.
Về cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Luật gia Việt Nam khóa XIII, ông Phàn cho biết ngay sau Đại hội XIII, Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và Thường trực Trung ương Hội đã kịp thời chỉ đạo triển khai công tác thông tin tuyên truyền về kết quả Đại hội, tổ chức quán triệt sâu rộng đến các cấp Hội và hội viên nội dung Nghị quyết của Đại hội và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Đại hội.
Về xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 770 ngày 5/6/2020, Ban Thường trực, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tích cực xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương Hội kịp thời ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Ban Thường trực Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; Hướng dẫn Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Hướng dẫn thi hành một số điều của Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam ban hành kèm theo Nghị quyết số 376 ngày 28/12/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã thường xuyên có các nghị quyết, xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động và thực hiện các giải pháp để mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng các mặt hoạt động của các cấp Hội Luật gia, chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp Hội, gắn công tác của Hội với việc góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chương trình, kế hoạch của bộ, ngành và địa phương, tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các hoạt động phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Hội Luật gia.
Trong nhiệm kỳ, các mặt hoạt động đều được mở rộng hơn so với trước, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng cao.
"Thông qua các hoạt động cụ thể, vị trí, vai trò và uy tín của Hội Luật gia tiếp tục được củng cố, phát triển, được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân tin tưởng", ông Phàn nhấn mạnh.
Với phương châm hướng về cơ sở, trong nhiệm kỳ qua Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động để phát huy năng lực của các tổ chức Hội ở cơ sở, tăng cường các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm công tác Hội, thu hút đông đảo các cấp Hội và hội viên tham gia vào các hoạt động lớn của Hội Luật gia Việt Nam, qua đó đã tạo sự gắn kết giữa Trung ương Hội với các cấp Hội.
Đã tiến hành tổng kết và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện Chỉ thị số 56- của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam và Kết luận số 19 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 56 của Bộ Chính trị. Từ kết quả Tổng kết đó, ngày 1/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Kịp thời chỉ đạo việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện sâu rộng các quan điểm chỉ đạo tại Chỉ thị số 14 và nội dung của các văn bản quan trọng khác, tạo bước chuyển biến mới về nhận thức và hành động của các cấp Hội và toàn thể hội viên.
Tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật được đẩy mạnh
Về kết quả chủ yếu trên các lĩnh vực, ông Phàn cho biết thêm, công tác xây dựng và củng cố Hội Luật gia đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để tổ chức Hội phát triển đúng hướng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật, có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị xã hội.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, hệ thống tổ chức Hội đã có bước phát triển mới, phát triển thêm 28 Hội Luật gia cấp huyện, 1.153 Chi hội Luật gia trực thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố, quận, huyện và Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn; phát triển thêm 3 Chi hội và tiếp tục củng cố 42 Chi hội trực thuộc Trung ương; phát triển thêm 38.092 hội viên.
Công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của các cấp Hội được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế.
Hội đã tham gia 22 Ban soạn thảo, Tổ biên tập, tham gia thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức Hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị góp ý, phản biện xã hội cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tham gia khảo sát, tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật.
Tham gia rà soát, tổng hợp những vướng mắc, kiến nghị xây dựng mới, sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
"Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ngày càng hiệu quả, thực chất", ông Phàn nói và chỉ ra trong những năm qua, các cấp Hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hướng về cơ sở, đặc biệt chú ý đến các đối tượng chính sách, người nghèo và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các đối tượng này tiếp cận nhiều hơn với các văn bản pháp luật và nâng cao hiểu biết pháp luật, chấp hành pháp luật ngày một tốt hơn.
Bằng các hoạt động sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả, công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý của các cấp Hội Luật gia Việt Nam trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác trợ giúp pháp lý nói riêng ngày càng được khẳng định và đạt được nhiều kết quả.
Công tác tuyên truyền phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật đạt được hiệu quả rõ rệt, bài bản hơn, cách làm linh hoạt, hiệu quả ngày càng khẳng định vị trí vai trò của Hội trong đời sống xã hội.
Công tác hòa giải ở cơ sở được chú trọng củng cố, hội viên tích cực tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở và hỗ trợ nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở.
Công tác cải cách tư pháp được các cấp Hội tham gia với trách nhiệm cao và đạt được nhiều kết quả.
Cùng với đó, công tác tham gia cải cách hành chính; tư vấn, giám sát giải quyết khiếu nại; phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Đồng thời, công tác đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu và đạt được nhiều kết quả.
Theo đó, ông Phàn cho biết được sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy vị thế của mình là một tổ chức luật gia có uy tín trong cộng đồng luật gia quốc tế để triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/vi-tri-vai-tro-uy-tin-cua-hoi-luat-gia-viet-nam-tiep-tuc-duoc-cung-co-phat-trien-a181761.html