Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với phóng viên TTXVN xung quanh các định hướng chính phát triển kinh tế trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030.

Chú thích ảnh Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Báo cáo Kinh tế - Xã hội, một văn kiện quan trọng của Đại hội XIV đang được xây dựng, hoàn thiện để xác định các phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong báo cáo này, các định hướng về phát triển kinh tế có vai trò hết sức quan trọng, xoay quanh mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhằm tạo tiền đề đạt được mục tiêu tổng quát là đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. 

Để hiểu rõ hơn các định hướng chính phát triển kinh tế trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với phóng viên TTXVN xung quanh nội dung này.

Xin Bộ trưởng cho biết một số định hướng lớn về phát triển kinh tế trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030 gắn với lộ trình tiến tới hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?

Báo cáo Kinh tế - Xã hội là một văn kiện quan trọng của Đại hội XIV đang được xây dựng, hoàn thiện để xác định các phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Nội dung của Báo cáo Kinh tế - Xã hội có tính bao trùm trên đầy đủ các lĩnh vực từ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, công tác đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó, các định hướng về phát triển kinh tế có vai trò hết sức quan trọng, xoay quanh mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhằm tạo tiền đề đạt được mục tiêu tổng quát là đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Các định hướng chính phát triển kinh tế cho giai đoạn tới như sau: Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó hoàn thiện thể chế chính trị bảo đảm tính vượt trước, dẫn đường, đáp ứng nhu cầu phát triển khách quan và hội nhập của đất nước; hoàn thiện thể chế kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với đó, làm rõ chức năng, mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, giảm bớt sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào thị trường. Có cơ chế, chính sách đột phá để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó lấy nguồn lực nhà nước khơi dậy, dẫn dắt nguồn lực xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương tập trung hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo phát triển, tăng cường kiểm tra, giám sát.

Thứ hai, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, đáp ứng tính đặc thù của lao động nghiên cứu khoa học và yêu cầu của thực tiễn; chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, an toàn, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả giáo dục, đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập; đồng thời, đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, xây dựng, vận hành đường sắt cao tốc...

Thứ tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển bằng phối hợp đồng bộ, hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao.

Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới, lấy đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh; trong đó hình thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn…

Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết vùng; trong đó, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế vùng; phát huy tối đa lợi thế quốc gia, lợi thế của từng vùng và từng địa phương; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, sớm hình thành và phát huy hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, vùng động lực, cực tăng trưởng để mở rộng không gian phát triển mới.

Phát triển kinh tế biển; trong đó, có sự đột phá các ngành ưu tiên được nêu tại Nghị quyết 36-NQ/TW (2018); phát triển hành lang giao thông đường bộ ven biển, chuỗi đô thị ven biển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng làm cơ sở phát triển các hoạt động kinh tế biển; tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng cho một số đảo trọng điểm, có dân cư sinh sống.

Theo Bộ trưởng, trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới đến từ đâu, từ những ngành công nghiệp nào?

Để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng từ bối cảnh đất nước và quốc tế, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, chúng ta cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất trong các ngành, lĩnh vực đạt trình độ cao, nhất là một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp mới nổi, công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự lực, tự cường về khoa học công nghệ để chủ động tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo tôi, về công nghiệp, chúng ta cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cơ cấu lại công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế.

Cụ thể, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh một số ngành công nghiệp nền tảng như năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, vật liệu mới, công nghiệp công nghệ số, hóa chất

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển, từng bước làm chủ công nghệ sản xuất trong một số ngành công nghiệp mới nổi như công nghiệp chíp bán dẫn; công nghiệp rô-bôt; trí tuệ nhân tạo; vật liệu mới, vật liệu phục vụ công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp sinh học; công nghiệp môi trường; năng lượng tái tạo. Từng bước xây dựng, phát triển công nghiệp ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp điện tử; công nghiệp công nghệ số; sản xuất thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp ô tô; công nghiệp đường sắt; công nghiệp đóng tàu; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa…

Đồng thời, phải phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt cần tranh thủ tận dụng được công nghệ từ nước ngoài bằng cách đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước.

Để thực hiện được điều đó, chính sách quản lý và thu hút FDI cần có sự đổi mới; trong đó chúng ta có những cơ chế “khuyến khích” và cả cơ chế “buộc” các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển giao công nghệ; đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích phát triển khu công nghiệp hỗ trợ.

Chú thích ảnh Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: TTXVN

Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024 cho thấy Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế tăng 2 bậc so với năm 2023; trong đó có 3 chỉ số đứng đầu thế giới. Bộ trưởng đánh giá thế nào về thực trạng đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện nay?

Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia trong Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2024, tăng 2 bậc so với năm 2023, là một kết quả đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực không ngừng của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, với việc 3 chỉ số của Việt Nam đứng đầu thế giới là chỉ số về nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo, đây là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và sự ưu tiên ngày càng lớn của Việt Nam đối với lĩnh vực này.

Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay đang đạt được những thành tựu quan trọng, với môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam đã tận dụng tốt các yếu tố về nhân lực, tiềm năng công nghệ và sự hội nhập quốc tế sâu rộng để tạo động lực tăng trưởng bền vững.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận những thách thức còn tồn tại, bao gồm việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và đời sống. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy các chính sách đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Mục tiêu của chúng ta là tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, phát huy tối đa tiềm năng đổi mới sáng tạo, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại và là trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực.

Rất nhiều quốc gia đã sử dụng các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy áp dụng những chiến lược kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Với Việt Nam, theo Bộ trưởng, đổi mới sáng tạo sẽ đưa kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá thế nào trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để Việt Nam chuyển mình và bứt phá trong bối cảnh kỷ nguyên mới đầy biến động và cơ hội. Trên thế giới, các trung tâm đổi mới sáng tạo đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và năng lực sáng tạo. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này và chúng ta đang đặt đổi mới sáng tạo vào trung tâm chiến lược phát triển quốc gia.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa ra quan điểm: “Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; trong đó cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực”.

Đổi mới sáng tạo giờ còn mang tính cạnh tranh quốc gia thay vì chỉ ở cấp độ doanh nghiệp. Cuộc "chạy đua" thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 giữa các nước trong khu vực, chẳng hạn như: Trung Quốc nâng cấp khu Zhongguancun ở Bắc Kinh, thành lập một loạt trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo để thực hiện chiến lược Made in China 2025; Thái Lan mới đưa vào hoạt động True Digital Park vào năm 2018; Indonesia đưa vào hoạt động một trung tâm tại Yogyakarta từ năm 2016; hay Malaysia với công viên công nghệ Kuala Lumpur…

Tôi cho rằng, Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo. Thứ nhất, lực lượng lao động trẻ, năng động và giàu trí tuệ đang trở thành nền tảng cho các sáng kiến mới. Thứ hai, Chính phủ đã và đang tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tiêu biểu là việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

Đây không chỉ là nơi kết nối các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và startups, thu hút các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu, cả người Việt Nam và nước ngoài đến đây làm việc mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm... đến Việt Nam.

Đổi mới sáng tạo sẽ giúp Việt Nam chuyển từ nền kinh tế thâm dụng lao động sang nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Điều này không chỉ giúp chúng ta nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, mà còn mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng và thúc đẩy doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. Quan trọng hơn, đổi mới sáng tạo không chỉ là một chiến lược kinh tế mà còn là sứ mệnh quốc gia, giúp nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-doi-moi-sang-tao-la-chia-khoa-de-viet-nam-but-pha-trong-ky-nguyen-moi-a181744.html