Quản lý thống nhất, xử lý nghiêm minh, chủ động phòng ngừa vi phạm IUU

(Chinhphu.vn) - Sáng 14/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) chủ trì phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo dưới hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến với các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển.

Quản lý thống nhất, xử lý nghiêm minh, chủ động phòng ngừa vi phạm IUU- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, thời gian qua, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đạt kết quả tốt trong khắc phục vi phạm IUU. Những địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu được giao thì cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị, cá nhân liên quan - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Căn bản giải quyết tàu cá '3 không'

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay, chúng ta đã cơ bản khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản; xử lý tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); xử lý hình sự đối với các hành vi liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Các địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu được số hóa để theo dõi, quản lý, cập nhật. Cụ thể, số lượng tàu cá đã đăng ký được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VN-Fishbase) đạt 98,9%; toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho đội tàu từ 15 m trở lên đã đạt 90,3%, nhưng tính toàn bộ đội tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên thì mới chỉ đạt 76,5%.

Số lượng tàu cá không đủ điều kiện đi khai thác (chưa cấp phép, chưa lắp đặt VMS...), tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU đã được lập danh sách, cập nhật trên hệ thống giám sát tàu cá và giao cho lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở (xã/phường/thị trấn) theo dõi quản lý, cập nhật thường xuyên vị trí neo đậu.

Hiện cả nước còn 888 tàu cá "3 không", theo báo cáo của địa phương là tàu đã hư hỏng, không còn khả năng hoạt động, một số chủ tàu không có nhu cầu đăng ký để đi hoạt động và một số tàu không còn tồn tại tại địa phương.

Đối với việc giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước, đã có 86 cảng cá, điểm lên cá tổ chức thực hiện Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT). Bộ NN&PTNT đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống eCDT để tổ chức triển khai thực hiện hệ thống thống nhất, đồng bộ tại tất cả các cảng cá trong cả nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu thực tế, nhiều tàu cá có chiều dài 24 m trở lên thực hiện khai thác và neo đậu trên biển dài ngày, không xuất, cập cảng cá được chỉ định.

Công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện đầy đủ theo quy định quốc tế và khuyến nghị của EC.

Các địa phương khởi tố 39 vụ hình sự và đưa ra xét xử công khai 10 vụ về các tội: Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hợp thức hóa hồ sơ; liên quan hành vi tháo, gửi thiết bị VMS; chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ…

Tổng số tiền xử phạt hành vi vi phạm chống IUU trong năm 2024 là gần 100 tỷ đồng đối với 4.31 trường hợp (năm 2023 là trên 89 tỷ đồng và 4.022 trường hợp).

Đối với hoạt động ngăn chặn, xử lý tài các khai thác tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, từ tháng 8/2024 đến nay, các lực lượng chức năng ghi nhận 10 vụ việc ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý đăng ký tại Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang.

Quản lý thống nhất, xử lý nghiêm minh, chủ động phòng ngừa vi phạm IUU- Ảnh 2.
Quản lý thống nhất, xử lý nghiêm minh, chủ động phòng ngừa vi phạm IUU- Ảnh 3.
Quản lý thống nhất, xử lý nghiêm minh, chủ động phòng ngừa vi phạm IUU- Ảnh 4.
Quản lý thống nhất, xử lý nghiêm minh, chủ động phòng ngừa vi phạm IUU- Ảnh 5.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tập trung xử lý nghiêm hành vi ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình

Kết quả xác minh, xử lý các hành vi vi phạm ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn rất thấp so với các vụ việc được phát hiện. Cụ thể trong năm 2024, chúng ta mới xử phạt 2/847 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; 838/32.511 lượt tàu ngắt kết nối VMS (từ 6 giờ đến dưới 10 ngày và từ 10 ngày trở lên).

Tại phiên họp, lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Quảng Ngãi, Phú Yên đã báo cáo về công tác quản lý tàu cá, xử lý tình trạng giấy phép khai thác hết hạn, vi phạm mất kết nối VMS, các tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Trung tướng Đỗ Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, với việc xử lý quyết liệt của các lực lượng trong thời gian qua, một số chủ tàu đã thay đổi phương thức khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, như không xâm nhập sâu, thời gian khai thác ngắn. Trung tướng Đỗ Trọng Bình đề nghị tập trung tăng cường xử phạt tình trạng mất kết nối VMS, rõ quy trình xác minh, xử lý, chứ không thể để tỷ lệ 2-3% như hiện nay. Đồng tình với ý kiến này, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay mức tiền phạt hành vi vi phạm IUU và xử lý bổ sung đối với thuyền trưởng đã đủ sức răn đe, tuy nhiên, vấn đề là quy trình thiết lập hồ sơ xử phạt.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, trong năm 2024, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã hỗ trợ đưa về khoảng 600 ngư dân sau khi hoàn thành các vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; chuyển phán quyết, thông báo bắt giữ ngư dân, hồ sơ nhiều vụ việc về trong nước.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nếu không thay đổi cách làm thì không chuyển biến, từ cách thức báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu quản trị nghề cá quốc gia liền mạch giữa các vùng khai thác (bờ, lộng, khơi); hỗ trợ cho các cảng cá tư nhân đầu tư để đủ điều kiện cho tàu cá xuất, nhập bến thuận lợi theo quy định…

Quản lý thống nhất, xử lý nghiêm minh, chủ động phòng ngừa vi phạm IUU- Ảnh 6.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2025, Bộ NN&PTNT phải hoàn thành kết nối đồng bộ, thống nhất, liên thông từ Trung ương đến địa phương Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), Hệ thống giám sát tàu cá (VMS), Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) - Ảnh: VGP/Minh Khôi

'Tàu cá vi phạm ở đâu, xử lý ở đó'

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, thời gian qua, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đạt kết quả tốt trong khắc phục vi phạm IUU. Những địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu được giao thì cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị, cá nhân liên quan.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2025, Bộ NN&PTNT phải hoàn thành kết nối đồng bộ, thống nhất, liên thông từ Trung ương đến địa phương Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), Hệ thống giám sát tàu cá (VMS), Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT).

Gỡ ‘thẻ vàng’ IUU: Quản lý, giám sát chặt trên biển - Xử lý nghiêm, quyết liệt trên bờThống nhất nhận thức, hành động quyết liệt trong gỡ 'thẻ vàng' IUUGỡ 'thẻ vàng' IUU và tạo sinh kế bền vững cho ngư dân

Đồng thời, ban hành quy trình, quy chế quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu về quản lý nghề cá và trách nhiệm của các bên như cơ quan quản lý, lực lượng chấp pháp, các cảng cá, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản, ngư dân… nhằm phân định quản lý tàu cá theo lãnh thổ, "tàu cá vi phạm ở đâu, xử lý ở đó".

Quá trình xây dựng, cập nhật, kết nối các cơ sở dữ liệu về quản lý nghề cá cần tích hợp định danh tàu cá, thuyền trưởng, công dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gắn với bổ sung nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong quý 1/2025 đối với việc thực hiện quản lý, cập nhật dữ liệu về tàu cá tại địa phương; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm IUU; việc tuân thủ IUU của các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản.

Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để nhận diện, thống kê đầy đủ, chính xác, sát thực tế về các hành vi vi phạm IUU; xử lý nghiêm khắc những hành vi liên quan đến an ninh, quốc phòng, xâm phạm lãnh thổ quốc gia, mang tính chất cố ý; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không xử lý kịp thời hoặc bỏ sót hành vi vi phạm; cũng như các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản không rõ nguồn gốc xuất xứ... Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần rà soát và bổ sung điều kiện để các cảng cá tư nhân thực hiện cung cấp một số dịch vụ hành chính như cập nhật dữ liệu hành trình, xác nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác cho tàu cá xuất, nhập bến…

"Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường các công cụ quản lý nghề cá trên biển bằng quy hoạch, mùa đánh bắt, phương pháp đánh bắt ở từng vùng ngư trường…", Phó Thủ tướng nói.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các lượng chấp pháp trên biển tích cực hợp tác với các lực lượng, cơ quan quốc tế giải quyết các vụ việc theo đúng pháp luật.

Minh Khôi


Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/quan-ly-thong-nhat-xu-ly-nghiem-minh-chu-dong-phong-ngua-vi-pham-iuu-a181733.html