Việt Nam – Phần Lan thiết lập quan hệ đối tác về di cư lao động

(Chinhphu.vn) – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan ký Bản Ghi nhớ về thúc đẩy đưa chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan.

Việt Nam – Phần Lan thiết lập quan hệ đối tác về di cư lao động- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen đã ký Bản Ghi nhớ (MOU), thiết lập quan hệ đối tác về di cư lao động giữa hai bên - Ảnh: VGP/TC

Ngày 13/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen đã ký Bản Ghi nhớ (MOU) giữa hai bộ, qua đó thiết lập quan hệ đối tác về di cư lao động giữa hai bên tham gia trong giới hạn thẩm quyền tương ứng của mỗi bên và theo luật pháp, thủ tục, nguồn lực hiện hành, tôn trọng các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế.

Bản ghi nhớ là căn cứ hợp tác bền vững, cùng có lợi là nền tảng để thúc đẩy đưa chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan được minh bạch, bền vững, có đạo đức và chống lại tình trạng bóc lột, lạm dụng, phù hợp với pháp luật hai nước. Bản Ghi nhớ hợp tác này có giá trị trong vòng 5 năm từ năm 2025 đến 2030.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng, quan hệ hai nước đang chuyển dần từ đối tác phát triển sang hợp tác cùng có lợi và mối quan hệ hữu nghị này ngày càng phát triển tốt đẹp với những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai bên.

Thông tin về nguồn nhân lực của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (năm 2023 đưa 159.986 lao động, năm 2024 đưa gần 159.000 lao động) và hiện nay có khoảng 700 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.

Từ cuối năm 2023 đến nay, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã chấp thuận đăng ký của 3 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ Việt Nam có hợp đồng cung ứng 134 lao động (trong đó có 65 nữ) đi làm việc tại Phần Lan. Đến nay đã có 55 lao động đi làm việc tại Phần Lan, với thu nhập ổn định từ 1.500 đến 2.000 EUR/tháng, điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội khá tốt.

Về phía Phần Lan, Bộ trưởng Việc làm, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen bày tỏ: "Phần Lan mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia nhằm giúp các các doanh nghiệp và chuyên gia quốc tế kết nối với nhau. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các nhà tuyển dụng và chuyên gia để đảm bảo họ có điều kiện thuận lợi cho quá trình tuyển dụng thành công. Duy trì các tiêu chuẩn đạo đức và quy trình tuyển dụng suôn sẻ vẫn luôn là những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Phần Lan khẳng định tiếp tục là đối tác đáng tin cậy trong tuyển dụng quốc tế, đồng thời mang lại chất lượng cuộc sống cao và nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng."

Bộ trưởng Việc làm, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen dẫn đầu phái đoàn tới thăm Việt Nam từ ngày 13 đến 15/1/2025 và tham dự nhiều sự kiện tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thúc đẩy mối quan hệ Phần Lan - Việt Nam. Chuyến thăm mở ra các hướng hợp tác sâu rộng và các cơ hội nghề nghiệp tại Phần Lan cho lao động Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Tháp tùng Bộ trưởng Satonen có Thị trưởng Thành phố Helsinki và lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp và các tổ chức dịch vụ trong thị trường lao động. 

Thu Cúc

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
IOM đánh giá cao cam kết của Việt Nam nhằm bảo vệ quyền của người lao động di cưIOM đánh giá cao cam kết của Việt Nam nhằm bảo vệ quyền của người lao động di cư
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
ILO khuyến cáo 6 giải pháp hỗ trợ lao động di cưILO khuyến cáo 6 giải pháp hỗ trợ lao động di cư

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/viet-nam-phan-lan-thiet-lap-quan-he-doi-tac-ve-di-cu-lao-dong-a181721.html