Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) được ban hành từ năm 2009 đã triển khai được 15 năm (từ 2009 đến nay). Theo báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá về Chương trình và thực hiện Chương trình GDMN (các năm 2016, 2020 và 2021) cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình GDMN hiện hành cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như:
Chưa đáp ứng được đầy đủ các quy định về quyền trẻ em tại Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 và những cam kết thực hiện các công ước quốc tế của Chính phủ.
Chưa thể hiện được sự đồng bộ giữa Chương trình và điều kiện thực hiện Chương trình: sự tham gia, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong thực hiện Chương trình GDMN có những đặc thù nhưng chưa được quy định rõ; các điều kiện về đảm bảo chất lượng thực hiện Chương trình phát triển chưa đồng bộ, đặc biệt chưa quan tâm thỏa đáng đến đời sống và chế độ ưu đãi đối với GVMN (thời gian làm việc dài, thang bậc lương thấp, áp lực công việc, tình trạng thiếu GV kéo dài…).
Chưa thể hiện rõ về quan điểm tiếp cận hội nhập quốc tế và quan điểm tiếp cận văn hoá, đa văn hoá để phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, cộng đồng nơi trẻ em sinh sống và thích ứng, hòa hợp đa văn hóa, bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp, đa dạng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương và những giá trị truyền thống của Việt Nam; chưa quan tâm thỏa đáng đến các vấn đề thời sự của cuộc sống hiện nay và tương lai trong xu thế phát triển của thời đại và hội nhập quốc tế như: giáo dục kĩ năng sống cho trẻ, quyền trẻ em, bình đẳng giới, giáo dục bảo vệ môi trường…
Do vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình GDMN là cần thiết nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo hành lang pháp lý huy động các nguồn lực và sự tham gia, trách nhiệm của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện đổi mới Chương trình GDMN nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDMN; phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một, đặt nền móng cho việc hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.
Phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, ngôn ngữ và thẩm mỹ
Theo dự thảo Nghị quyết, đổi mới Chương trình GDMN theo tiếp cận năng lực, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDMN đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, ngôn ngữ và thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một, đặt nền móng cho việc hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.
Yêu cầu đặt ra là đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo tiếp cận năng lực phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý trẻ em mầm non và điều kiện thực tiễn của cơ sở GDMN, của địa phương.
Đồng thời bảo đảm các quy định về điều kiện thực hiện Chương trình GDMN mới, bao gồm: đội ngũ, cơ sở vật chất, tổ chức và quản lý cơ sở giáo dục mầm non, sự tham gia của gia đình, cộng đồng và xã hội.
Đối tượng áp dụng của Nghị quyết gồm: Cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan; trẻ em trong độ tuổi giáo dục mầm non từ 3 tháng đến 6 tuổi.
Bổ sung 4 nội dung mới
Bộ GDĐT đề xuất các nội dung đổi mới, trong đó có 4 nội dung bổ sung mới và 3 nội dung kế thừa, phát triển từ Chương trình GDMN hiện hành như sau:
4 nội dung bổ sung mới gồm:
a) Tiếp cận năng lực dựa trên tình cảm - xã hội, đặt nền móng cho việc hình thành, phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam: thể hiện qua mục tiêu, kết quả mong đợi, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ.
b) Tiếp cận dựa trên quyền, đảm bảo chất lượng, công bằng, hoà nhập, bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt của trẻ; giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt, phát triển ngôn ngữ (quan tâm ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của trẻ) trong xây dựng và phát triển chương trình giáo dục mầm non.
c) Trao quyền cho cơ sở giáo dục và giáo viên trong phát triển chương trình giáo dục trên cơ sở đảm bảo linh hoạt, phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường sống, bản sắc văn hóa của địa phương, tăng cường quyền và năng lực tự chủ trong phát triển chương trình giáo dục của cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục nhà trường.
d) Quy định về tổ chức chế độ sinh hoạt cho trẻ trong Chương trình bảo đảm phù hợp với sự phát triển của trẻ em mầm non và chế độ làm việc của đội ngũ theo quy định Bộ luật Lao động.
Những nội dung kế thừa, phát triển từ Chương trình GDMN hiện hành:
e) Trẻ em là trung tâm của quá trình giáo dục, chủ thể trong hoạt động và giao tiếp. Trẻ em học qua chơi và trải nghiệm phù hợp với hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi. Nhà giáo dục là người hỗ trợ trẻ em phát triển trong môi trường an toàn, thân thiện, giàu cảm xúc và có ý nghĩa.
g) Bổ sung nội dung và phương pháp giáo dục tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cá nhân hóa quá trình giáo dục, quan tâm phát triển sức khỏe, thể chất, kỹ năng cảm xúc - xã hội ở trẻ, hòa hợp với tự nhiên.
h) Mở rộng cơ hội tham gia và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý Tham khảo thêm
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/de-xuat-doi-moi-chuong-trinh-giao-duc-mam-non-a181718.html