Đánh giá cao sự phát triển lớn mạnh và những đóng góp quan trọng của các cấp Hội Luật gia vào bức tranh chung của tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình kỳ vọng, Hội Luật gia tỉnh sẽ tiếp tục "góp sức, kề vai", đóng vai trò tích cực cùng cả hệ thống chính trị để thão gỡ điểm nghẽn về thể chế, tạo đột phá từ thể chế, tạo động lực để tỉnh Hòa Bình bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Sự phát triển lớn mạnh về tổ chức và hoạt động
Người Đưa Tin (NĐT): Xin ông đánh giá về sự phát triển và những đóng góp của Hội Luật gia đối với tỉnh Hòa Bình trong suốt những năm qua?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Trong những năm qua, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Hội Luật gia tỉnh Hòa Bình đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, từng bước đổi mới, củng cố các cấp hội cả về tổ chức và hoạt động, số lượng hội viên tăng cả về số lượng và chất lượng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có 841 hội viên Hội Luật gia sinh hoạt ở 10 Chi hội Luật gia thuộc các cơ quan cấp tỉnh, 5 Hội Luật gia cấp huyện; 2 Trung tâm tư vấn pháp luật. Cán bộ, hội viên Hội Luật gia tỉnh phần lớn là đảng viên, có nhận thức chính trị đúng đắn, quan điểm lập trường vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; hội viên vừa thực hiện tốt công tác chuyên môn, vừa quan tâm thực hiện tốt công tác nhiệm vụ Hội.
Các mặt công tác Hội ngày một phát triển và nâng cao về chất lượng, hiệu quả, trong đó được thể hiện nổi bật trong việc xây dựng chính sách pháp luật. Theo thống kê, chỉ tính riêng giai đoạn 2017-2024, Hội Luật gia tỉnh đã tham gia đóng góp ý kiến vào 50 dự thảo Luật mới, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung và trên 200 văn kiện của Tỉnh ủy, văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh…
Đặc biệt, đại diện Hội Luật gia tỉnh là Đại biểu HĐND tỉnh luôn tích cực tham gia đầy đủ các kỳ họp và hoạt động thường xuyên của cơ quan dân cử, chủ động phản ánh những bất cập trong một số Luật khi thực thi và đề xuất sửa đổi, bổ sung những điều luật cụ thể cần thiết hoặc không còn phù hợp, phán ánh tiếng nói và nguyện vọng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hội Luật gia tỉnh còn đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, trên tinh thần hướng về cơ sở, nhất là nhóm đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế trong xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Vai trò của Hội Luật gia còn được thể hiện trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, hòa giải cơ sở, góp phần ổn định tình hình chính trị, bảo đảm quyền và lợi ích chính đang của cá nhân, tổ chức, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc, hàn gắn những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, Hội Luật gia tỉnh chủ động tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tội phạm, giám sát thi hành pháp luật, phát huy vai trò là thành viên tích cực của MTTQ.
NĐT: Xin ông làm rõ hơn quan điểm của Hòa Bình đối với sự phát triển và phát huy vai trò của các cấp Hội Luật gia?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Có thể nói, sự phát triển lớn mạnh và những đóng góp quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam – với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đã được Đảng, Nhà nước nhất quán khẳng định mà gần đây nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Với Hòa Bình, sự hiện diện của Hội Luật gia nói riêng, giới Luật gia nói chung trong bức tranh phát triển chung của tỉnh chính là bằng chứng thuyết phục nhất về quan điểm xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, đó là tạo điều kiện thuận lợi để Hội đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.
Trên tinh thần cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 14, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 150-KH/TW ngày 9/2/2023, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 16/ĐĐ ngày 28/2/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 3/7/2023, trong đó đều nhấn mạnh việc tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Luật gia các cấp phát triển toàn diện về tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia trong tình hình mới.
Trong đó, Hội Luật gia tỉnh được giao thêm nhiều trọng trách, nhiệm vụ và phần công việc, theo hướng phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của luật gia trong việc tạo dựng môi trường pháp lý thông thoáng và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Chúng tôi cũng đã yêu cầu một số sở ngành nghiên cứu chuyển giao những dịch vụ công phù hợp với khả năng của Hội Luật gia, thực hiện cơ chế giao việc, khoán kinh phí theo quy định của pháp luật.
Kỳ vọng cho giai đoạn phát triển mới
NĐT: Bên cạnh những bước phát triển, trong tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia tỉnh Hòa Bình còn một số băn khoăn, vướng mắc. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Bên cạnh những thuận lợi, những kết quả đã đạt được, thời gian qua, trong quá trình thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ các cấp Hội Luật gia trong tỉnh vẫn còn gặp không ít những khó khăn, tồn tại.
Đơn cử như việc phát triển hội viên được tiến hành thường xuyên, song trong suốt 5 năm qua vẫn chưa tiếp tục phát triển thêm tổ chức Hội ở cấp huyện. Hay như công tác tham mưu, đề xuất đối với cấp ủy, chính quyền còn ít, có lúc, có chỗ chưa được triển khai đầy đủ và kịp thời.
Bên cạnh đó, các đòi hỏi về pháp luật ngày càng cao bởi các quan hệ xã hội trong cuộc sống vốn rất đa dạng và phức tạp, sôi động và luôn phát sinh. Các quan hệ kinh tế trong một giai đoạn đầy khát vọng phát triển còn hơn thế. Điều này đòi hỏi hoạt động Hội phải thực sự đa dạng, phong phú, phải đổi mới sáng tạo cả trong nhận thức, tư duy và hành động pháp luật thực tiễn.
Để khắc phục những khó khăn này, các cấp Hội luôn phải tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan hữu quan, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền về công tác Hội nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, phải luôn đặt mình trong tâm thế đổi mới, đổi mới để phát triển, phát triển trên cơ sở đổi mới, trong cả công tác Hội và hoạt động chuyên môn pháp luật.
Hội viên Hội Luật gia có những lợi thế riêng biệt, do đó bản thân Hội phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về lợi thế của mình, chủ động đề xuất và mạnh dạn nhận những phần việc có thể đảm nhiệm để chứng minh năng lực, khả năng cũng khẳng định vị thế, uy tín.
NĐT: Ông kỳ vọng như thế nào về sự đóng góp của Hội Luật gia đối với quá trình hiện thực hóa khát vọng phát triển của Hòa Bình trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Hòa Bình đang đứng những vận hội phát triển mới và cần thiết phải khơi thông nguồn lực để tạo sự bứt phá vươn lên trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Trong đó, một trong những băn khoăn, trăn trở chính là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo và kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh.
Kiến tạo là đồng hành, đi trước và mở lối cho cuộc sống. Sự phát triển của Hòa Bình chắc chắn phải được "cất cánh" trên "đại lộ" của thể chế mà trọng tâm là quản lý phát triển - quản trị phát triển – chính quyền phục vụ.
Với nền tảng và ưu thế là tổ chức tập hợp, quy tụ những người có trình độ về pháp luật, đã và đang công tác trong các cơ quan, đơn vị liên quan đến pháp luật, tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng Hội Luật gia sẽ "góp sức, kề vai", đóng vai trò tích cực cùng cả hệ thống chính trị để thão gỡ điểm nghẽn về thể chế, tạo đột phá từ thể chế, đưa tỉnh Hòa Bình phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của cả nước.
Trong đó, chú trọng phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các cơ quan hữu quan trong công tác xây dựng chính sách pháp luật; nâng cao chất lượng hiệu quả góp ý vào các dự án Luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, tham gia tích cực công tác kiểm tra, giám sát, tham gia thẩm tra xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.
Đặc biệt, Hội Luật gia cần chủ động nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất với các cấp Đảng, chính quyền về định hướng, giải pháp để kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để có thể huy động tối đa các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới. Tôi kỳ vọng tiếng nói của giới Luật gia sẽ thổi làn gió mới về đổi mới trong cả tư duy và thực tiễn chính sách pháp luật.
Để làm được như vậy, mỗi hội viên luật gia cần luôn đề cao tinh thần nhiệt tình, nhiệt huyết, chủ động, đổi mới trong công tác Hội, trong cả tư duy và thực tiễn công tác; các cấp Hội cần kịp thời động viên, quan tâm, tạo điều kiện để hội viên tham gia công tác Hội một cách chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thực hiện: Mạnh Quốc - Hình ảnh: Hội Luật gia tỉnh Hòa Bình
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tieng-noi-gioi-luat-gia-thoi-lan-gio-moi-trong-tu-duy-thuc-tien-chinh-sach-phap-luat-a181470.html