Nhận định về diễn biến thị trường trước thềm nghỉ Tết sắp tới tại chương trình Khớp lệnh, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, CTCP Chứng khoán VPBank cho rằng chứng khoán thường có xác suất tăng trước lễ Noel và 3-5 ngày làm việc đầu tiên sau năm mới. Chu kỳ này hoàn toàn có thể dự đoán được với xác suất thành công 70%.
Lý giải về điều này, ông Đức cho rằng trước lễ Noel, có rất nhiều đợt tái cơ cấu của các ETF và khi đã tái cơ cấu xong các quỹ thường phải mua lại cổ phiếu. Tâm lý nghỉ lễ bao giờ cũng là tâm lý tích cực. Nếu ở nước ngoài có lễ Noel thì Việt Nam có "hiệu ứng" Tết Âm lịch và 80% chứng khoán Việt Nam tăng điểm trước Tết Nguyên đán.
Theo chuyên gia, thị trường đã có một nhịp điều chỉnh khá dài khi nhà đầu tư trở nên cẩn trọng trước kỳ tái cơ cấu của ETF và việc Fed đưa ra thông điệp cắt lãi suất ít hơn kỳ vọng. Dù chỉ mới hồi phục được đôi chút sau khi đã giảm điểm khá mạnh trong tuần trước, song tâm lý nhà đầu tư có thể tích cực hơn kể từ thời điểm này.
"Nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu ít nhất là cho đến khoảng 3 ngày sau phiên giao dịch đầu tiên của năm mới để không bỏ lỡ xu hướng hồi phục của thị trường", chuyên gia VPBankS đưa ra khuyến nghị.
Chứng khoán có nhiều cơ hội tăng mạnh trong năm 2025
Nhìn rộng hơn sang năm 2025, vị chuyên gia đưa ra quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán. Trong kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ tăng vượt 1.400 điểm, thậm chí có thể lên đến 1.420 điểm. Thị trường chứng khoán đã có hai năm tăng trưởng khá là chậm, mỗi năm tăng khoảng 10 – 12%.
"Theo thống kê, Chứng khoán Việt Nam và thế giới thường tăng rất mạnh hoặc giảm rất mạnh và rất hiếm khi VN-Index lại tăng chậm như vậy. Nhìn vào 2025, khả năng tăng mạnh sẽ nhiều hơn khả năng giảm mạnh bởi có rất nhiều yếu tố tích lũy trong hai năm vừa rồi", ông Đức cho biết.
Nhìn lại năm 2024, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi tốt với mức tăng trưởng 18%, định giá thị trường rẻ chỉ vào khoảng 11 – 12 lần, nhưng khối ngoại bán ra mạnh. Tuy nhiên đến gần cuối năm, xu hướng này đã được đảo chiều khi khối ngoại giảm bán ròng.
Năm 2025, sau khi được nâng hạng, dòng tiền nước ngoài trở lại cộng với kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng vào khoảng 6,5 – 7%, cung tiền khoảng 15%, thị trường chứng khoán vượt được 1.400 thì có thể vượt 1.500 điểm trong năm tới.
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư cần phải tuân thủ quy tắc là nhận diện được rủi ro có thể xảy ra với kịch bản tích cực. Nếu như những yếu tố rủi ro đó trở thành hiện thực cần điều chỉnh lại kịch bản, kỳ vọng cũng như có phương pháp "thoát hàng" thích hợp.
Dù vậy, nhà đầu tư nên nhìn rủi ro theo hai hướng. Nếu chứng khoán tăng tốt, chúng ta không giải ngân đủ thì đó cũng là rủi ro. Nếu chu kỳ từ giờ đến đầu năm sau là chu kỳ tích cực mà chúng ta cứ sợ hãi quá, bán ra cổ phiếu thì là không nên.
Mặc dù xu thế là đi lên và tích cực, nhưng trong một số thời gian nhất định nhà đầu tư có thể bán bớt, dành khoảng 30% danh mục. Mặt khác, rất khó để đoán biết thị trường lên xuống như thế nào nên thay vì tập trung vào lướt sóng cần tập trung vào phân bổ.
Trong năm tới, nếu thị trường định giá thấp, tăng trưởng nhanh, nhà đầu tư có thể phân bổ thêm vào công nghệ, công nghiệp hay hàng xa xỉ. Ngược lại, nhà đầu tư thận trọng có thể tập trung vào bán lẻ, chăm sóc sức khỏe hay thực phẩm, đồ uống.
Vừa qua, VinaCapital cũng đưa ra nhận định cập nhật mới, kỳ vọng vào nhóm bán lẻ, thực phẩm và tiêu dùng nội địa nhưng khá thận trọng với công nghiệp và xuất khẩu. Năm sau, xuất khẩu dự báo có sự thay đổi rõ rệt và chúng ta cần tập trung vào những doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế nội địa.
Link bài gốc
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chuyen-gia-80-kha-nang-chung-khoan-viet-nam-tang-diem-truoc-tet-nguyen-dan-a180583.html