Vi phạm trong trình tự, thủ tục khi tổ chức họp Hội đồng thẩm định
Trong quá trình điều tra bổ sung vụ án liên quan đến ông Hoàng Quốc Vượng - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương và 11 bị can sai phạm tại các dự án nhà máy điện mặt trời, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã làm rõ trách nhiệm của các cá nhân tại Bộ Tư pháp khi thẩm định, tham gia ý kiến đối với dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Theo kết luận, các cá nhân có liên quan điển hình như: Ông Phan Chí Hiếu - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế hay ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng.
Khi thẩm định, Bộ Tư pháp và Hội đồng thẩm định không biết Bộ Công Thương điều chỉnh diện đối tượng mở rộng hơn so với Nghị quyết số 115/NQ-CP.
Nguyên nhân theo báo cáo của Bộ Công Thương là tại thời điểm thẩm định, tỉnh Ninh Thuận chỉ có 1.927MW điện mặt trời được phê duyệt trong quy hoạch, nằm trong phạm vi 2.000MW mà Chính phủ chấp thuận triển khai.
Tuy nhiên, Kết luận điều tra cho biết, Bộ Tư pháp có vi phạm trong trình tự, thủ tục khi tổ chức họp Hội đồng thẩm định mà chưa đủ số thành viên tối thiểu 2/3 (theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).
Do đó, hành vi của các cá nhân liên quan tại Bộ Tư pháp, Hội đồng thẩm định nêu trên là vi phạm trong thực hiện quy trình, thủ tục.
Tuy nhiên, kết quả điều tra không có tài liệu, chứng cứ thể hiện các cá nhân này nhận tiền, lợi ích vật chất khác để tạo lợi ích không chính đáng cho các doanh nghiệp. Do đó kết luận điều tra khẳng định, đây là vi phạm hành chính, không xử lý hình sự.
Phớt lờ các ý kiến, gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng
Theo Kết luận điều tra cho thấy, ông Hoàng Quốc Vượng đã nhiều lần cố ý "phớt lờ" ý kiến tham mưu của cấp dưới khi họ báo cáo về những điều bất hợp lý của Dự thảo Quyết định số 13 khi mở rộng đối tượng hưởng giá bán điện ưu đãi.
Cụ thể, năm 2017, Thủ tướng có Quyết định số 11 về việc khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trong đó có quy định giá mua điện từ các dự án mặt trời nối lưới là 9,35 UScents/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh) áp dụng đến hết 30/ 6/2019.
Trong đó, tại Điều 13 Quyết định trên đã nêu trách nhiệm Bộ Công Thương là: "Nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp dụng cho giai đoạn sau ngày 30/6/2019".
Ông Hoàng Quốc Vượng được giao phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng Dự thảo Quyết định số 13, quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 3 dự án điện mặt trời. Bên cạnh đó, Thủ tướng phê duyệt bổ sung 5 dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung 24 dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất khoảng 2.000 MW.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023.
Văn bản này có nội dung, cho các dự án năng lượng mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận được hưởng giá bán ưu đãi 9,35 UScents/kWh đến hết năm 2020, thay vì chỉ đến 30/ 6/2019 như Quyết định 11.
Thực hiện theo Điều 13 (Nghị quyết số 11) nêu trên, tháng 8/2018, Bộ Công Thương lập Tổ soạn thảo Dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (thay thế cho Nghị quyết số 11).
Tổ soạn thảo đã đưa nội dung vào Dự thảo: "Đối với tỉnh Ninh Thuận, giá bán điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, với tổng cộng suất không quá 2.000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai là 9,35 UScent/kWh...". Điều này là đúng theo Nghị quyết số 115.
Tuy nhiên, ngày 2/4/2019, ông Vượng chủ trì cuộc họp và chỉ đạo thay đổi nội dung trên theo hướng quy định áp dụng cho "các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp".
Bốn ngày sau, ông Đỗ Đức Quân – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) ký Báo cáo số 45 gửi ông Vượng, phân tích rõ quy định tại Nghị quyết số 115.
Báo cáo nếu, nếu thực hiện theo đúng Nghị quyết số 115 thì chỉ các dự án đã được phê duyệt trước ngày 31/8/2018 và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 mới được hưởng giá ưu đãi.
Ông Quân cũng báo cáo miệng về việc bỏ cụm từ "đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp" thì diện đối tượng đang được mở rộng còn tiếp tục được mở rộng hơn nữa, các dự án không có trong quy hoạch phát triển điện lực cũng thuộc diện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi.
Tuy nhiên, Hoàng Quốc Vượng vẫn nhất quyết thực hiện hành vi thay đổi theo hướng mở rộng đối tượng được áp giá bán điện ưu đãi.
Sau khi Quyết định số 13 được ban hành, tỉnh Ninh Thuận có 30 dự án đang được hưởng chính giá điện 9,35 UScent/kWh. Trong đó, 2 dự án không đủ điều kiện là Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải và Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (đúng theo quy định chỉ được hưởng giá 7,09 UScent/kWh).
Tại Kết luận điều tra bổ sung cho biết, thiệt hại mà EVN đã trả cho các nhà máy trên là hơn 1.043 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, ông Hoàng Quốc Vượng thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi sai phạm và cho biết đã nhận của Công ty Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam) 1,5 tỷ đồng. Hiện, gia đình ông đã nộp đủ số tiền đó để khắc phục hậu quả.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/trach-nhiem-co-quan-tham-dinh-trong-sai-pham-tai-bo-cong-thuong-a180454.html