Việt Nam và Australia vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm ngoái (2024). Bà đánh giá như thế nào về kết quả hợp tác giữa hai nước trong hơn năm thập kỷ qua?
Quan hệ giữa Australia và Việt Nam dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và hiện đang tốt đẹp hơn bao giờ hết. Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 3/2024 phản ánh sự tin cậy chiến lược và chính trị giữa hai quốc gia, cũng như mong muốn mà cả hai bên dành cho tương lai và khu vực - một khu vực ổn định và thịnh vượng.
Việt Nam và Australia có nhiều điểm khác biệt, nhưng 50 năm hợp tác đã tạo nên một mối quan hệ rất vững mạnh và tích cực. Australia là nước cung cấp cho Việt Nam cáp ngầm đầu tiên, đường truyền vệ tinh đầu tiên, đường dây điện 500 KV Bắc - Nam đầu tiên và những cây cầu đầu tiên bắc qua sông Mekong. Khi mức sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao và nền kinh tế ngày càng phát triển, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa.
Việt Nam là một quốc gia quan trọng đối với Australia, chứ không chỉ là đối tác thương mại. Một đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và có chủ quyền là yếu tố thiết yếu cho sự ổn định và thịnh vượng của toàn khu vực. Mặc dù Việt Nam cũng như thế giới nói chung còn nhiều thách thức lớn phải đối mặt nhưng với tư cách là Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai nước chúng ta có khuôn khổ để cùng nhau tiến tới những thành công trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Bà đánh giá triển vọng hợp tác giữa hai nước như thế nào, đặc biệt sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện?
Vào tháng 10/2024, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã gặp nhau tại Adelaide, Australia, và ký Kế hoạch Hành động để hiện thực hóa Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong năm 2025, chúng tôi sẽ hợp tác cùng Việt Nam triển khai kế hoạch này, tập trung vào sáu lĩnh vực chính: Tăng cường hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh và tư pháp; Nâng cao gắn kết kinh tế; Xây dựng tri thức và kết nối con người; Tăng cường hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng như Củng cố hợp tác khu vực và quốc tế.
Cộng đồng doanh nghiệp Australia rất kỳ vọng vào tiềm năng kinh tế Việt Nam và chúng tôi mong đợi Việt Nam tiếp tục cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài và ngành du lịch. Với các quy định sửa đổi gần đây về hợp tác giáo dục tại Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều trường đại học Australia hoạt động tại đây, hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Thương mại hai chiều cũng là một điểm sáng, dự kiến tiếp tục tăng trưởng theo sự cải thiện mức sống tổng thể của Việt Nam.
Bà đánh giá thế nào về những thành tựu của Việt Nam và nỗ lực nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế trong thời gian qua?
Ngay từ khi thiết lập quan hệ, Australia đã ủng hộ mạnh mẽ việc hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế cũng như cộng đồng khu vực trở nên mạnh mẽ hơn nhờ sự tham gia tích cực của Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Việt Nam ngày càng đóng vai trò nổi bật hơn trên trường quốc tế.
Chúng tôi ghi nhận và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời nhận thấy ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định và an ninh khu vực. Australia rất vinh dự được chào đón các nhà lãnh đạo ASEAN đến Melbourne để kỷ niệm 50 năm quan hệ đối thoại vào tháng 3/2024 tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia. Tuyên bố Melbourne được ký kết tại hội nghị này đã cho thấy một tương lai tươi sáng cho quan hệ ASEAN - Australia, trong đó nhấn mạnh tới các lĩnh vực hợp tác trọng yếu, tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên luật pháp quốc tế và những quan điểm chung về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Chúng tôi cũng rất ủng hộ Việt Nam tiếp tục đảm nhận vai trò dẫn dắt trong ASEAN, như việc thành lập và tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN hằng năm tại Hà Nội – một sáng kiến quan trọng mà Australia tự hào đồng hành.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã vạch ra các định hướng chiến lược đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới -kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nm. Bà nghĩ thế nào về những định hướng đó và liệu Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam ra sao trong quá trình này?
Từ góc độ quan sát bên ngoài, tôi thấy dường như đã có sự thống nhất cao rằng Việt Nam cần bước vào một giai đoạn đổi mới tiếp theo để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc “Quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng của năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tập trung các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển”; thực sự ấn tượng với lời kêu gọi hành động ngay để tạo điều kiện cần thiết cho sự thay đổi. Chúng tôi đã chứng kiến những nỗ lực đổi mới từng mang lại cho Việt Nam nhiều kết quả tích cực, chẳng hạn như công cuộc Đổi Mới trước đây.
Trung tâm Việt - Úc (VAC) trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện đang hỗ trợ nghiên cứu và trao đổi về cải cách hành chính công. Một trong những dấu ấn hợp tác song phương chính là chương trình phát triển năng lực lãnh đạo uy tín do Trung tâm Việt - Úc thực hiện. VAC cho thấy cả hai quốc gia đều ưu tiên đối với việc phát triển lãnh đạo trong khu vực công, bao gồm việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo, nghiên cứu và trao đổi tri thức. Chúng ta học hỏi lẫn nhau để giải quyết những thách thức phức tạp mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang phải đối mặt.
Kỷ nguyên mới đang bắt đầu trong bối cảnh điều kiện toàn cầu ngày càng trở nên thách thức hơn. Trước sự cạnh tranh địa chính trị gia tăng, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sự trung lập và tăng cường hợp tác với thế giới phù hợp với lợi ích, nhu cầu và mục tiêu của mình.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/viet-nam-ngay-cang-dong-vai-tro-noi-bat-hon-tren-truong-quoc-te-a180448.html