Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, có 300 đại biểu tham dự dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tham dự Hội nghị, còn có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban...
Tại điểm cầu ở trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; đại diện các nông dân tiêu biểu với dự kiến khoảng 4.000 đại biểu.
Các đồng chí lãnh đạo điều hành phiên đối thoại:
- Đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.
- Đồng chí Mai Văn Chính - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
- Đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
- Đồng chí Lê Minh Hoan- Ủy viên BCH Trung Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đồng chí Nguyễn Hồng Diên- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương.
- Đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Đồng chí Nguyễn Văn Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên. Đây là Diễn đàn để Thủ tướng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về các vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc và những bất cập trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Qua 5 lần tổ chức Hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực; được đông đảo bà con nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia. Đặc biệt, từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân cũng đã được tổ chức thường xuyên, nghiêm túc, bài bản; trở thành hoạt động đầy ý nghĩa, tạo cầu nối quan trọng giữa chính quyền với cán bộ, hội viên nông dân.
Đảng, Nhà nước luôn khẳng định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể khẳng định rằng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Hội nghị đối thoại được tổ chức hôm nay càng ý nghĩa hơn trong khi năm qua đầy khó khăn, biến động của tình hình thế giới, thiên tai nặng nề trong nước nhưng dưới sự lãnh đạo Bộ Chính trị sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp vượt xa so với mục tiêu.
Gần 3.000 ý kiến, kiến nghị, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 được tổ chức với nhiều nét mới. Để tổng hợp các ý kiến của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì ngoài các kênh truyền thống như: chuyên mục "Lắng nghe nông dân", qua báo cáo của các tỉnh, thành Hội… thì trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua để lắng nghe ý kiến trực tiếp của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước. Thông qua các kênh khác nhau, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận được gần 3.000 ý kiến, kiến nghị; trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Thực tế cho thấy tổ chức liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp ở nước ta hiện nay mà như Trung ương đã đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước phải hình thành được gần 200.000 hợp tác xã, tổ hợp tác với 10 triệu thành viên tham gia.
Thứ hai, Chính phủ cần sớm ban hành giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, trong đó đặc biệt là các giải pháp về tập trung, tích tụ đất đai nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thứ ba, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu ban hành các giải pháp, chính sách nhằm sớm phát huy hiệu quả chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung, tiến tới tiếp tục mở rộng các vùng nguyên liệu khác, từ đó hình thành các khu sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Thứ tư, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp do tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu; triển khai, mở rộng có hiệu quả chính sách về bảo hiểm nông nghiệp.
Thứ năm, Nhà nước cần ban hành các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng của lao động nông thôn, thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Cuối cùng là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai nhanh, hiệu quả các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Hội nghị của chúng ta diễn ra trong bối cảnh cả nước bước vào năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra để đưa đất nước ta bắt đầu bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục, khoảng 62,5 tỷ USD
Phát biểu định hướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cuộc đối thoại chủ yếu nhằm tri ân nông dân, các hợp tác xã, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đóng góp rất quan trọng trong năm 2024 để cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD mà Thủ tướng giao; khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.
Nhân dịp cuối năm 2024 và chào đón năm mới 2025, Thủ tướng gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu và bà con nông dân cả nước.
Đánh gia cao chủ đề đối thoại cho thấy tinh thần, khí thế của Hội Nông dân trong năm nay, Thủ tướng đề nghị các đại biểu bám sát chủ đề để phát biểu, chia sẻ, cùng cầu thị lắng nghe, chung tay, chung sức đồng lòng để phát triển đất nước.
Theo Thủ tướng, điều này cũng góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phục vụ kiến tạo phát triển, tăng cường lắng nghe để hoạch định và thực thi chính sách, thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn và thuận lợi, phát huy truyền thống tốt đẹp, hiệu quả tích cực trong những năm qua.
Hiện chúng ta đang rà soát việc thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, những mục tiêu đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa và nâng cao chất lượng, hiệu quả; những mục tiêu chưa làm tốt, khó hoàn thành thì cần nỗ lực hơn, có giải pháp phù hợp.
Chúng ta cũng đang sắp xếp bộ máy theo tinh, gọn, mạnh hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, với khí thế mới để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, văn minh, hùng cường, thịnh vượng.
Trong bối cảnh đất nước đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực năm 2024, năm 2025 cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, mạnh mẽ, tự tin hơn để bước vào kỷ nguyên mới; phải nắm chắc, bám sát tình hình tình hình thế giới và khu vực, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tình hình tốt không quá lạc quan, tình hình xấu cũng không quá bi quan.
2025 cũng là năm phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, nỗ lực của người nông dân cũng phải tăng tốc bứt phá, nhất là khi chúng ta phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội đã đề ra để tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới.
Với khoảng 4.500 đại biểu, trong đó khoảng 2.000 bà con nông dân, hợp tác xã dự đối thoại, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần tri ân, tương tác, chia sẻ, tìm ra giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025. Trong đó, chia sẻ về những ấn tượng, cảm xúc về những thành quả của năm 2024; những trăn trở, băn khoăn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; hiến kế, góp ý với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý; với tình cảm ấm áp, chân thành, cùng nhau xây dựng đất nước, phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát biểu, các đại biểu Hội Nông dân nêu các ý kiến, kiến nghị; chia sẻ các vấn đề mà nông dân quan tâm.
Bà Vũ Thị Thương Huyền - Giám đốc HTX chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên: Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, tôi xin được hỏi hai vấn đề liên quan như sau:
Thứ nhất, trên thực tế việc tích tụ đất đai quy mô đủ lớn cho hợp tác xã còn một số khó khăn, vướng mắc do hiện chưa có cơ chế, pháp lý rõ ràng để "tổ chức kinh tế tập thể", cụ thể ở đây là hợp tác xã, tổ hợp tác xã đứng ra tích tụ đất đai.
Thứ hai, về chủ trương quy hoạch đất, hiện Nhà nước đã có các quy hoạch theo 3 cấp, đó là: cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh. Tuy nhiên, lại thiếu quy hoạch liên vùng, liên tỉnh, dẫn đến việc có những vùng sản xuất nông nghiệp tương đồng ở hai tỉnh giáp ranh nhưng mỗi tỉnh lại có một quy hoạch khác nhau, làm ảnh hưởng đến việc hình thành chuỗi sản xuất lớn của các hợp tác xã, doanh nghiệp.
Xin được hỏi, trong thời gian tới Chính phủ sẽ có chính sách gì để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên?
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023: Thực hiện kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn về cây ăn quả, gỗ rừng trồng, cà phê, lúa gạo… ở 13 tỉnh, đây là chủ trương đúng và bước đầu các vùng nguyên liệu này đã cho kết quả tốt.
Xin được hỏi, trong thời gian tới Chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi gì để khuyến khích xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm khác như tôm, cá tra, dược liệu, dâu tằm tơ... Đồng thời, có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung?
Bà Hoàng Thị Gái – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021: Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nhiều nông dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Tại Hội nghị này, tôi xin phép được hỏi một số vấn đề sau:
Thứ nhất, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế, cụ thể là Nghị định 02 của Chính phủ về hỗ trợ rủi ro thiên tai, có quy định mức hỗ trợ tối đã cho 1ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% chỉ được 2 triệu đồng, nếu chia bình quân ra chỉ được có 75.000 đồng/sào.
Thứ hai, Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất.
Thứ ba, sau thiên tai, nông dân chúng tôi mới thấy, bảo hiểm nông nghiệp là hết sức cần thiết, nhất là đối với những hộ sản xuất lớn. Tuy nhiên, hiện việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn.
Ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cuộc đối thoại cần mang tính tương tác nhiều hơn và bày tỏ mong muốn, các đại biểu Hội Nông dân không chỉ đặt câu hỏi mà từ thực tiễn sản xuất của mình, phản ánh chính sách phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp, băn khoăn, trăn trở gì. Ví dụ, chính sách bảo hiểm chưa phù hợp thì ở điểm nào, giải quyết thế nào và ai giải quyết. Không chỉ hỏi, đặt vấn đề mà cần hiến kế cho Chính phủ, đề xuất những giải pháp xuất phát từ thực tiễn sản xuất.
Từ các câu hỏi của người nông dân, Thủ tướng chỉ định lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trực tiếp trả lời vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Khuôn khổ pháp lý về tập trung, tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp đã đầy đủ, rõ ràng
Trả lời câu hỏi của nông dân Vũ Thị Thương Huyền, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy: Theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, khi xây dựng Luật Đất đai để trình Quốc hội thông qua, Chính phủ đã rất chú trọng đến việc bổ sung chính sách về tập trung và tích tụ đất đai trong sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó đã quy định cụ thể các phương thức để tập trung và tích tụ đất đai.
Về tập trung đất đai, có 3 hình thức, thứ nhất là chuyển đổi quyền sử dụng đất thông qua hình thức dồn điền đổi thửa. Hình thức này được nhiều địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ áp dụng trong nhiều năm qua. Hình thức thứ 2 là thuê quyền sử dụng đất và hình thức thứ 3 là hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
Về tích tụ đất đai, quy định tại Điều 193 Luật Đất đai cũng có 2 hình thức, một là tổ chức cá nhân sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thứ hai là nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Đó là 5 hình thức để thực hiện hình thức tập trung và tích tụ đất đai.
Trình tự thủ tục để thực hiện tập trung hay tích tụ đất đai thì được quy định chi tiết tại Nghị định Nghị định 102 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 đồng thời với hiệu lực của Luật Đất đai.
Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định theo hướng mở rộng đối tượng và nâng hạn mức tiếp cận đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, theo đó tại Điều 177 của Luật Đất đai quy định đối với cá nhân có thể nhận chuyển nhượng tối đa lên đến 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của các địa phương.
Luật cũng cho phép tại Điều 45 là người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức, còn trường hợp vượt hạn mức thì cần thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng hình thức trồng lúa được UBND cấp huyện phê duyệt. Đối với tổ chức kinh tế, Luật không giới hạn việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng với điều kiện phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp huyện phê duyệt.
Như vậy, khuôn khổ pháp lý về tập trung hay tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp quy định tại Luật Đất đai 2024 đã đầy đủ, rõ ràng, và khắc phục được vướng mắc của Luật Đất đai 2013 để chúng ta có quỹ đất đủ lớn theo nhu cầu của tổ chức kinh tế hay các hộ gia đình cá nhân trong sản xuất nông nghiệp, vì khi có quỹ đất đủ lớn thì mới áp dụng được cơ giới hoá hay ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Một mặt vừa để giúp nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên đây là những quy định mới, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tế và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, đối với bà con, có thể chưa có đủ thời gian nghiên cứu, tiếp cận, tôi đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới của Luật Đất đai 2024, nhất là chính sách đất đai trong sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản, để bà con nông dân, các doanh nghiệp hợp tác xã nắm được và có điều kiện để đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho áp dụng các phương thức đó cho việc tích tụ và tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn.
Về vấn đề quy hoạch sử dụng đất theo ba cấp, cấp cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh, tuy nhiên có vùng giáp ranh mà có điều kiện về khí hậu và thổ phát triển cùng một sản phẩm (ví dụ như Thái Nguyên trồng chè, các vùng lân cận có thể phát triển trồng chè), trong pháp luật về quy hoạch hay đất đai cũng đã có quy định đầy đủ.
Như Thủ tướng nói là quy định sử dụng đất theo vùng, theo sản phẩm đã có nhưng cũng đề nghị các địa phương khi xây dụng quy hoạch tỉnh cũng như quy hoạch sử dụng đất cũng có tính đến yếu tố như đại biểu có nêu, ví dụ như ở khu vực đó trồng chè hay tập trung về trồng dâu thì các địa phương lân cận trong quá trình trao đổi, tham vấn ý kiến để trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch cũng nên định hướng làm sao các khu vực đó phải tạo ra các vùng sản xuất quy mô lớn đối với các sản phẩm nông lâm nghiệp đặc trưng để gia tăng giá trị cho bà con nông dân. Đề nghị các địa phương lưu tâm vấn đề này trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, một mặt vừa phát triển kinh tế của mình nhưng đồng thời bám quy hoạch của ngành để tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn.
Nếu gặp vấn đề gì thì người nông dân có thể gặp Bộ trưởng
Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Quốc Huy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết:
Theo tinh thần của Thủ tướng, đối thoại mang tính chất chia sẻ nhiều hơn. Trước khi trả lời anh Huy, tôi xin nêu suy nghĩ, đính chính lại chút về câu hỏi của chị Huyền ở Thái Nguyên trước đó. Chị Huyền nói về quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương, tôi xin khẳng định các quy hoạch này mang tính tổng hợp bởi chúng ta còn có quy hoạch ngành, sản phẩm nữa.
Chúng ta cần hiểu rằng trên thực tế không chỉ mỗi xã chỉ có 1 HTX mà 1 xã có thể có nhiều HTX, một hợp tác xã có thể ở nhiều xã, ví dụ ở vùng cam Cao Phong, thì bên cạnh đó có cam Tân Lạc, đây là quy hoạch vùng nguyên liệu.
Chính vì quy mô HTX lớn thế, quy mô liên xã thế nên điều kiện phát triển các HTX, phát triển các cây trồng vật nuôi là rất lớn; xã nhưng không phải một xã, huyện mà không phải chỉ một huyện, mà là liên huyện, liên xã, do vậy các quy hoạch chính là để chuyên môn hóa các chuỗi liên kết này, và đề nghị các địa phương khi quy hoạch sản xuất phát triển HTX cần phải đặc biệt lưu ý cái này, thay vì trước nay cứ xã tính cho xã, tỉnh tính cho tỉnh làm giới hạn không gian phát triển của HTX, của ngành.
Khi chúng ta có vùng nguyên liệu đủ lớn, liên xã thì sẽ không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, đương nhiên chúng ta phải làm việc với 2 xã trong huyện, 2 huyện trong tỉnh, đây là vai trò điều phối, liên kết, liên kết vùng, liên kết tỉnh, liên kết xã là vậy. Ngoài ra, cần phải nâng cao năng lực, quy mô cho hợp tác xã, phải tạo gia giá trị gia tăng từ phát triển thị trường, sản xuất.
Về ý kiến của anh Huy, Bộ cũng đã có quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung bởi ngành nông nghiệp đang còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, nếu không tập trung thì không thể nào có quy mô lớn, không có phân công lao động.
Theo đó, cần lưu ý: Một là, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung thì chúng ta phải ghép những mảnh đất nhỏ lại. Bản thân đất đai không phải quyết định tất cả mà con người phải tập trung vào đó, tạo thành chuỗi nguyên liệu ngành hàng.
Vùng nguyên liệu phải là các nguyên liệu trong chuỗi ngành hàng gồm sản xuất, bảo quản, có chế biến và phát triển thị trường, có liên kết các doanh nghiệp. Bộ cũng đang xây dựng tiêu chí đánh giá thế nào là vùng nguyên liệu tập trung, ở đó có lực lượng khuyến nông, lực lượng cơ sở tham gia để khi ghép lại lớn mạnh, đồng thời nâng cao năng lực cấp uỷ chính quyền địa phương, ngành khuyến nông, nông nghiệp, công thương..để hỗ trợ cho vùng nguyên liệu tập trung.
Ví dự như đối với ngành hàng dâu tằm, tôi thiết nghĩ bước đầu phải lập kế hoạch, trong đó có bao nhiêu người tham gia, thị trường ở đâu, giống trong nước hay ngoài nước, chúng ta mong muốn là gì, sau đó tập hợp bà con nông dân mong muốn gì, phần nào làm được, phần nào cần Nhà nước hỗ trợ.
Về ý kiến của chị Gái, tôi được biết câu lạc bộ Đại Điền của Hải Phòng bây giờ đã tập hợp 3.000 ha gom từ 20.000 con người, thì trong đó phải phân loại được bao nhiêu người cho thuê 1 năm, trên 1 năm, trên 5 năm, rồi trên 10 năm, ta phải lập danh sách để đối thoại với từng người một, giá cả như thế nào.
Chúng ta phải dự đoán được lợi nhuận tăng lên bao nhiêu, từ đó có hỗ trợ cho bà con, người đã nhường phần thuê cho mình sản xuất, từ đó bà con sẽ yên tâm hơn trong việc cho thuê. So với trước đây làm lúa, giờ tôi cho thuê thì nhận được còn cao hơn 1 hay 2 lần, hay 5 lần gì đó.
Đây không chỉ đơn thuần là tích tụ, tập trung đất đai, tính cân đo trên số tiền giữa người thuê với người đi thuê, mà nó là niềm tin, bà con cho thuê đất có lợi hơn bỏ đất hoang.
Tôi cũng mong muốn nếu gặp vấn đề gì người nông dân có thể gặp Bộ trưởng, các cấp chính quyền để tư vấn cho bà con, miễn sao nhất phải lập được kế hoạch, từ kế hoạch đó chúng ta mới tính toán ra được nguồn lực, tính toán được nhà kho, nhà xưởng, quy mô đất đai, tính toán thị trường ở đâu, liên kết doanh nghiệp nào…
Bà con cũng cần nâng cao năng lực cùng với Hội nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan để thực hiện.
Sớm có chính sách tín dụng mới, thông thoáng, ưu đãi cho bà con nông dân
Trả lời câu hỏi của bà Hoàng Thị Gái, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết:
Xung quanh chính sách hỗ trợ nhất là việc tiếp cận vốn sau cơn bão số 3, đây là vấn đề rất nóng, rất thời sự trong thời gian qua. Cơn bão số 3 đổ bộ gây thiệt hại rất lớn cho 26 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi, dư nợ của cơn bão số 3 rất lớn, trong đó có 124 nghìn khách hàng của 26 tỉnh thành phố, kể cả tác động gây ra lũ, lụt… ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Có 192 nghìn tỷ đồng dư nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Ngành Ngân hàng đã triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… Chỉ sau 2 ngày chúng tôi đã yêu cầu các tổ chức tín dụng có những biện pháp trực tiếp để thực hiện việc giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn phải trả để hỗ trợ cho bà con. Sau đó, tổ chức hội nghị với 26 tỉnh, thành phố để bàn câu chuyện làm thế nào có vốn khắc phục sản xuất. Rất nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy, hải sản ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng… nơi đầu sóng, ngọn gió.
Nhiều hộ gia đình gần như mất trắng, khả năng trả nợ trước mắt rất khó, làm thế nào để có công ăn việc làm, duy trì sản xuất tối thiểu. Chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp thực hiện. Bởi vì chúng ta có được chính sách hiện hữu lúc này để cần thiết có thể khoanh nợ cho những đối tượng không có trả nợ trước mắt.
Chính sách thuộc thẩm quyền của Thủ tướng nhưng việc thực hiện là ở các bộ, ngành và UBND các tỉnh phối hợp để thực hiện. Đây là chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ cho bà con.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá thực tế với những thiệt hại như vậy cần những chính sách cụ thể hơn, ngoài những chính sách chung hiện nay đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trích lập dự phòng rủi ro, phân loại lại nợ.
Trên cơ sở đó, chúng tôi ban hành Thông tư 53 đầu tháng 12 để làm căn cứ để tất cả các tổ chức tín dụng xem xét giãn, hoãn các khoản nợ, lãi đến hạn và thực hiện cho các khoản nợ trước khi bão số 3 đổ bộ thời gian thực hiện đến hết 2025. Những khoản nợ, khoản lãi được giãn, hoãn từ 2 đến 3 năm tùy theo điều kiện thực tế. Chúng tôi cho rằng ngoài chính sách chung có những chính sách rất cụ thể trong vấn đề hỗ trợ vốn cho bà con, cho doanh nghiệp, cho HTX…
Với những chính sách này, đề nghị chị Hoàng Thị Gái và bà con nông dân, doanh nghiệp, HTX, đặc biệt các đơn vị nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại lớn sẽ cùng các ngân hàng thương mại để thực hiện chính sách này. Chúng tôi cũng hy vọng không chỉ trong hội nghị này mà sau hội nghị, những doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nào gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn không được thụ hưởng chính sách công khai này, chúng tôi sẵn sàng đón nhận các ý kiến, đề xuất để chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai một cách tốt nhất, để đưa chính sách này cho các đơn vị thụ hưởng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, số chính sách về tiền tệ, tín dụng này nhiều hơn các lĩnh vực kinh tế khác, hiện có 8 chính sách dành cho nông dân, nông thôn để bà con được ưu đãi. Đặc biệt có Nghị định 55 ban hành năm 2015, đến năm 2018 có sửa một số nội dung, đến nay chúng tôi cũng đang rà soát lại, nhận thấy một số đối tượng cần được bổ sung là nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn cần được hưởng ưu đãi chính sách này.
Tất cả nội dung đó đang có trong dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất, Nghị định 55 sửa đổi sẽ được ban hành. Sẽ có chính sách gợi mở, thông thoáng để tạo điều kiện cho các HTX, hộ nông dân tiếp cận được vay gấp 2-3 lần trước đây không cần tài sản đảm bảo, hoặc tham gia các chuỗi giá trị liên kết, chương trình, dự án như 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL và những chương trình khác hoàn toàn là những đối tượng ưu đãi cả về lãi suất và cho vay, cũng như các điều kiện hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái
Làm rõ thêm về 3 câu hỏi đầu tiên, Thủ tướng cho biết chúng ta đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với phạm vi rất rộng, bao trùm. Điều này đòi hỏi thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền các cấp và người nông dân.
Theo đó, nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái gồm các ngành nghề khác để cùng phát triển. Ví dụ, cần công nghiệp để công nghiệp hóa nông thôn; nông nghiệp cần doanh nghiệp và các ngành khác cũng cần nông nghiệp. Các ngành, các nghề phải hỗ trợ, hợp tác để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Để phát triển hệ sinh thái này thì có rất nhiều việc phải làm, như phải tích tụ đất đai như nào để có diện tích đủ lớn; ứng dụng khoa học công nghệ, giúp nông dân nâng cao năng suất lao động; có cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế… Như để phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải thì phải có hỗ trợ về vốn, thị trường, ưu tiên các giống cây trồng, vật nuôi mới.
Thủ tướng đặt vấn đề: Vừa qua chúng ta đã có các chính sách nhưng đã đủ mạnh chưa, cấp ủy, chính quyền phải bám sát để biết chính sách đã đi vào thực tế chưa, người nông dân phải tham gia kiểm chứng xem chính sách thực hiện thế nào trong thực tiễn.
Thủ tướng lấy ví dụ trong năm 2024, các gói tín dụng cho thủy sản, gỗ đã được triển khai rất tốt; ngay sau bão Yagi, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xuống ngay Hải Phòng, Quảng Ninh khảo sát thực tế và chỉ mấy ngày sau Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách tín dụng, bảo hiểm với nông nghiệp – lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất do bão.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo thị trường, công tác quy hoạch để phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng khu vực, từng ngành và tăng cường liên kết vùng, ví dụ quy hoạch vùng nguyên liệu, khu vực nào tốt nhất cho lúa, cho cây ăn quả, ngô khoai sắn… từ đó tạo ra sự cộng hưởng phát triển.
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La hỏi:
Hiện có một thực tế là, hầu hết hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu tập trung chủ yếu dưới dạng thô, hoặc chỉ qua sơ chế, chưa có các sản phẩm chế biến sâu, có thương hiệu nên giá trị chưa cao. Chẳng hạn như cà phê, người nông dân chỉ mới bán sản phẩm ở dạng nhân, tiền thu về chỉ được một phần, còn hai phần rơi vào các nhà rang say, chế biến và thương mại. Vậy xin hỏi, Chính phủ sẽ có giải pháp, chính sách gì để "nâng tầm nông sản Việt" một cách đồng bộ, nhất là việc tập trung xây dựng các thương hiệu nông sản lớn mang thương hiệu Việt hướng đến mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD trong tương lai không xa?
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Thaibinh Seed chia sẻ, bày tỏ ấn tượng về hình ảnh Thủ tướng xuống đồng, lội ruộng, lái máy cày cùng người nông dân. Hình ảnh đó cho thấy sự đồng hành, quyết liệt của Thủ tướng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, ngành nông nghiệp của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Chúng ta đã trở thành một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn của thế giới. Tại hội nghị này, tôi xin đề nghị 3 vấn đề lớn. Một là, chúng tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cơ chế chính sách. Vậy cơ chế chính sách hiện nay là gì để ngành nông nghiệp phát triển bền vững? Có cơ chế gì để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp? Thực tế hiện nay là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ, mặc dù chúng ta có Nghị định số 210, rồi đến Nghị quyết 57. Vấn đề thứ hai là quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Trong công tác quy hoạch phải gắn liền với phát triển cơ sở hạ tầng như thế nào? Vấn đề thứ ba là làm thế nào để người nông dân trở thành doanh nhân. Ở đây, chúng tôi cho rằng cần nhấn mạnh đến việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, hoạt động của các hợp tác xã phải gắn liền với công nghệ, không thể thiếu công nghệ. Vậy cần có chính sách gì từ Nhà nước để thúc đẩy nguồn lực từ nông dân?
Tại Hội nghị, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy kiến nghị: Hiện nay mức đầu tư cho nông nghiệp của chúng ta còn rất hạn chế, tôi kiến nghị Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2020-2024. Mức đầu tư này nên ưu tiên phát triển công nghệ trong sản xuất hiện đại và đảm bảo môi trường xanh để phát triển bền vững.
Thứ hai, từ bài học thắng lợi nhiều năm qua của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX rất cần hệ sinh thái nông nghiệp bền vững để phù hợp với sự phát triển chung của toàn cầu.
Khi tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, khi nhiệm vụ thay đổi thì chính sách phải thay đổi
Trả lời 3 câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí cho rằng chế biến sâu cho nông nghiệp chưa được đầu tư mạnh; Nhà nước cần khuyến khích đầu tư nhiều hơn. Theo Thủ tướng, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp thì phải làm mấy việc, mà trước hết là phải xây dựng thương hiệu, việc này Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan truyền thông và cả người nông dân phải tham gia.
Thứ hai, song song với đó phải đầu tư chế biến sâu. Muốn vậy, phải nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, xem nhu cầu của người tiêu dùng như thế nào, phải mang cái người ta cần chứ không phải mang cái mình có. Việc này Chính phủ, các bộ ngành, cấp ủy, chính uyền, doanh nghiệp phải làm, định hướng cho người nông dân.
Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan đẩy mạnh tìm hiểu, dự báo thị trường, kết nối thị trường. Ví dụ chúng ta đang có mấy mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, gạo, cá tra, cà phê… thì phải dự báo thị trường để có chính sách điều tiết, xác định các mặt hàng cần tập trung phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, hai khâu yếu là nghiên cứu thị trường và chế biến sâu phải nỗ lực hơn. Phải có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, như chính sách đất đai, thuế, lệ phí, ưu đãi tín dụng, đào tạo nhân lực…
Cùng với đó, đẩy mạnh xâu chuỗi, liên kết phát triển, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, các hợp tác xã; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Như vậy, phải xây dựng thương hiệu, tìm hiểu, dự báo thị trường, quy hoạch vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng mẫu mã, bao bì, có nguồn vốn với chính sách tín dụng rất linh hoạt từ ngân hàng… Khi tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, khi nhiệm vụ thay đổi thì chính sách phải thay đổi, Nhà nước phải xây dựng chính sách nhưng người nông dân phải góp ý, đồng thời Nhà nước xây dựng hạ tầng chiến lược…
Về đầu tư, trong đó có đầu tư cho nông nghiệp, do nguồn lực nhà nước có hạn nên phải có thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; đồng thời lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển, như thông qua hợp tác công tư.
Tăng đầu tư gấp đôi cho nông nghiệp, nông thôn không có nghĩa là chỉ có đầu tư nhà nước mà phải có cả đầu tư tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Đảng, Nhà nước xác định thể chế là đột phá của đột phá, trong đó phải sửa Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương tức đối tác công tư, dứt khoát cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết với tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Chia sẻ thêm về phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, Thủ tướng cho biết đây là xu thế, như các nước châu Âu đã yêu cầu các tiêu chuẩn sản xuất xanh với các sản phẩm nhập khẩu, các doanh nghiệp và người nông dân cũng phải nâng cao ý thức để thực hiện.
Nông dân Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, Long An) kiến nghị:
Tôi rất ấn tượng khi gần đây, Trung ương đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, đặc biệt là đưa Luật Đất đai vào thực tế sớm hơn dự kiến.
Gần nhất, trong ngoại giao, Thủ tướng đã mời gọi các nước đầu tư vào thị trường Halal và các kí kết AFTA mới. Tôi xin có 5 kiến nghị:
Thứ nhất là, về đất đai, từ hơn 20 năm trước lúc đó đất cần người sản xuất, Đảng và nhà nước có chính sách vận động thành lập nông lâm trường, đưa dân đến khai hoang sản xuất, giao khoán trả sản phẩm.
Sau đó, mô hình này hoạt động không hiệu quả, dẫn đến thoái trào giải thể, chuyển về địa phương quản lý, nông dân vẫn canh tác trả tiền thuê đất theo quy định của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo quy định mới, muốn thuê đất thuộc diện này, cũng phải thực hiện đấu giá, nên các địa phương đang rất khó thực hiện vì người nông dân đã đầu xây dựng đồng ruộng chỉnh sửa mặt bằng rất tốn kém, thậm chí bỏ tiền khai hoang từ nhiều năm.
Trong khi, nếu tiến hành đấu giá, thì phải thực hiện việc thu hồi, chuyển đổi vị trí người nông dân đang sản xuất rất khó cho địa phương và người dân. Từ đó, tôi xin được kiến nghị, cần xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất nông nghiệp cho từng loại đất có cải tiến để ổn định sản xuất cho nông dân.
Bộ TNMT cũng đã diễn giải, công đầu tư trên đất còn lại thì đất nông nghiệp này không phải đấu giá mà tiếp tục được thuê, nhưng địa phương chưa chấp nhận điều này vì họ lo lắng tất cả đất này sẽ phải giải phóng khi đưa về địa phương quản lý.
Thứ hai là, về đầu tư vốn cho nông nghiệp xanh, mặc dù có nhiều gói tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhưng hiện nay chưa có gói nào mạnh và cụ thể đi vào sản xuất.
Thứ ba là, về khoa học công nghệ, đây là yếu tố mấu chốt nhằm đưa nông dân đất nước ta tiến vào kỷ nguyên vươn mình, làm sao có thể số hoá nông nghiệp? Tôi cũng kiến nghị Chính phủ có những chương trình đầu tư mang tính chất dẫn dắt. Ví dụ hiện nay trong thu hoạch rừng, cao su cành vụn rất nhiều nhưng chưa có ai đầu tư máy móc để thu gom, băm vụn. Nếu có máy móc thì sẽ cải thiện vấn đề môi trường, thất thoát sau thu hoạch.
Thứ tư là, về vấn đề liên kết, nhiều lần chúng ta đề cập vấn đề này nhưng tính pháp lý mang hơi hướng "bênh" nông dân nên vẫn chưa tạo được động lực gắn kết về phía doanh nghiệp, dẫn đến câu chuyện thừa - thiếu ở vùng nguyên liệu vẫn xảy ra thường xuyên.
Thứ năm là, về thị trường, con đường nông sản của chúng ta dường như đang rất thông thoáng, gần đây nhất là thị trường Halal. Tôi xin kiến nghị Chính phủ có những giải pháp để trong 3 năm nữa, làm sao nông sản của chúng ta sang thị trường này nhanh nhất.
Thứ sáu là, kiến nghị Thủ tướng dành thời gian xuống các nông, lâm trường để tìm hiểu, lắng nghe câu chuyện, tâm tư của người nông dân đang sản xuất tại các vùng đất này, để từ đó có thể đưa ra những chủ trương, quyết sách giúp bà con yên tâm sản xuất.
Nông dân Lê Thanh Long, ở xã Tân Lợi, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang - Nông dân xuất sắc tỉnh An Giang hỏi:
Thời gian qua, để thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều dự án cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, đã có Đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phát triển tín chỉ carbon…
Xin được hỏi, Chính phủ sẽ có giải pháp gì để thúc đẩy thị trường tín chỉ các-bon và triển khai đề án 1 triệu héc-ta lúa trong thời gian tới?
Bà Võ Thị Hạnh Dung, Giám đốc Hợp tác xã Thực phẩm xanh 43Foods ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng- từ điểm cầu TP Đà Nẵng đặt câu hỏi tại Hội nghị:
Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách về phát triển nuôi trồng thủy sản, kinh tế biển giúp hàng triệu ngư dân có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, trong những năm qua, nguồn lợi thủy sản ở nhiều ngư trường đang bị suy giảm. Ngành thủy sản nước ta cũng đang bị ảnh hưởng bởi việc EC rút thẻ vàng IUU.
Xin được hỏi, thời gian tới Chính phủ sẽ có giải pháp gì để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các ngư trường và khắc phục thẻ vàng IUU?
Phải có quyết sách chính trị rất mạnh để khai thác hiệu quả hơn đất đai của các nông lâm trường
Về câu hỏi liên quan thị trường Halal, Thủ tướng cho biết, thị trường này có hơn 2 tỷ người, tiềm năng rất lớn, trong khi Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là thủy sản, rau, củ, quả. Trước đây chúng ta chưa quan tâm nhiều thị trường này nhưng vừa qua đã xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030, trong đó có Đề án về "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) – đây là bước tiến mới trong tiếp cận thị trường thực phẩm Halal, thị trường Trung Đông. Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng đã dự và phát biểu tại Hội nghị phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, các nước Trung Đông đã có những đề xuất hợp tác ngành Halal với Việt Nam. Ví dụ, gạo Việt Nam chủ yếu là gạo tròn và dẻo, trong khi thị trường Trung Đông cần gạo dài và rời, họ đề nghị cung cấp giống để Việt Nam trồng và họ sẽ nhập khẩu. Thủ tướng cho biết đã cử các Bộ trưởng sang các nước Trung Đông để tìm hiểu cụ thể hơn để triển khai hợp tác về vấn đề này.
Về câu hỏi liên quan đất đai nông lâm trường, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề lớn hiện nay, khai thác còn lãng phí, sắp tới phải giải quyết triệt để. Thủ tướng cho biết sẽ yêu cầu các tỉnh, thành phố có báo cáo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, kiểm tra, báo cáo cấp có thẩm quyền. Thủ tướng cho rằng phải có quyết sách chính trị rất mạnh để khai thác hiệu quả hơn đất đai của các nông lâm trường.
Về sản xuất xanh, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tiếp tục hiến kế cơ chế, chính sách để thúc đẩy nông nghiệp xanh, cung cấp các sản phẩm mà khách hàng cần chứ không phải cái mà mình có, như thế hiệu quả sẽ cao hơn.
Về nuôi trồng chế biến thủy sản, Thủ tướng cho biết nguồn lợi thủy sản tự nhiên có hạn, nên phải đánh bắt khai thác bền vững để nguồn lợi này có thể tái tạo. Để tháo gỡ thẻ vàng IUU, vừa qua thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, song cấp ủy, chính quyền địa phương phải làm tốt hơn, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao ý thức tự giác của người dân trong khai thác thủy sản.
"Số hoá" nhà nông
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời:
Cách đây 40 năm, chúng ta có nghị quyết khoán 10 trong nông nghiệp, và mới đây nhất chúng ta có Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Nghị quyết này được kí ban hành đúng ngày 22/12, được ví như nghị quyết khoán 10 trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, để làm sao chúng ta không chỉ sản xuất đủ nhu cầu trong nước mà còn có thể dư thừa phục vụ xuất khẩu.
Trong đó, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là 3 trụ cột chính trong quá trình phát triển đất nước. Lần đầu tiên bộ 3 này đi chung trong 1 nghị quyết.
Trong đó, Nghị quyết 57 yêu cầu xây dựng một chương trình thông minh trong nông nghiệp; nền tảng học tập số, kỹ năng số cho nông dân, hay nói cách khác là "số hoá" nhà nông; tư vấn cho nông dân qua một trợ lý ảo, app hỏi đáp; xây dựng các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc thuận lợi để giúp bà con nông dân xác nhận sản phẩm do mình làm ra.
Với ứng dụng này, bà con có thể chứng minh được quả cà chua tại vườn nhà mình có sự khác biệt, chất lượng, duy nhất như thế nào so với quả cà chua của nhà khác. Đặc biệt, Nghị quyết dành tới 3% ngân sách nhà nước hàng năm cho đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Nghị quyết cũng yêu cầu trợ giúp bà con làm ăn kinh doanh để bà con trở thành doanh nghiệp một cách dễ dàng hơn, ví dụ cần 10 việc thì phần mềm số có thể giải quyết được 7-8 việc.
Xây dựng cơ chế chính sách cho thị trường tín chỉ carbon
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời:
Thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao thì An Giang đạt kết quả rất tích cực. An Giang đã báo cáo giảm được 20-30% chi phí, giảm chi phí thì lợi nhuận sẽ tăng lên. Tôi cho rằng đây là kết quả rất tốt.
Về câu chuyện tín chỉ carbon, thì Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách cho thị trường này, một thị trường rất mới cả với thế giới và Việt Nam. Hiện nay, các Bộ, ngành đang thống nhất để kiến nghị các Chính phủ ban hành. Chúng ta không nói bán tín chỉ này được bao nhiêu mà là lợi ích của đề án này mang lại, nó lớn hơn, hữu ích hơn cho sản xuất nông nghiệp của ta.
Tôi chỉ ví dụ rơm rạ có thể làm viên nén, làm chế phẩm cho ruộng vụ sau, đề án tín chỉ các bon hướng đến mục tiêu tổng quát rộng lớn hơn là không chỉ bán được bao nhiêu tiền, tôi nói để bà con hiểu được mục tiêu, ý nghĩa của đề án tín chỉ carbon là như thế.
Về câu hỏi nguồn lực thủy sản suy giảm, chúng tôi cũng thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng, Chính phủ đã ban hành chiến lược giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Bởi với số lượng tàu của ta lớn như thế thì nguồn lợi thủy sản bị giảm nhiều là khó tránh khỏi, ta giải quyết bằng tăng nuôi trồng, hai nữa là không còn cách nào khác là người dân phải ý thức tự bảo vệ nguồn lợi thủy sản thôi, bắt cá nhỏ thì phải thả lại về biển, có cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản mới có thể khắc phục chứ chúng ta không có đủ lực lượng kiểm ngư nào mà kiểm soát được nguồn lợi thủy sản này cả.
Cái này đã được ghi trong luật thủy sản mà thế giới cũng khuyến nghị ngư dân, cộng đồng thờ ơ chuyện đó thì không thể nào mà bảo vệ được nguồn lợi thủy sản. Tôi thấy nhiều nơi hiện nay cộng đồng dân biển đã bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Họ không cần khai thác mà làm du lịch, bà con đã ý thực được việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nông dân Lê Mạnh Cường, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 ở khu 6, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ chia sẻ: Phát triển nông nghiệp là xu thế bền vững và mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, đặc biệt là nông dân vùng khó khăn cũng như thanh niên nông thôn, khi phát phát triển du lịch nông nghiệp thì bà con tận dụng những thế mạnh, lợi thế sẵn có của văn hoá vùng miền, sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Từ đó, du khách được chia sẻ văn hoá của các địa phương, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, nhưng hiện nay chủ yếu đất để phát triển du lịch nông nghiệp là đất nông nghiệp và đất trồng cây, đất trồng rừng sản xuất. Về vấn đề này, các cấp chính quyền địa phương cũng đã thông tin, với Luật Đất đai mới, Chính phủ, các ban, bộ, ngành cũng đã tạo điều kiện nhiều, nhưng để phát triển tốt hơn, thu hút du khách thì các địa phương có đất phải có thương mại dịch vụ. Với đất thương mại dịch vụ hiện nay đã chuyển đổi mục đích sử dụng, bà con nông dân đã được giao đất, quyền sử dụng đất nhưng giờ muốn chuyển đổi phải chuyển sang thuê đất, thủ tục rất nhiều, rất mong Thủ tướng đồng hành cùng bà con nông dân.
Nông dân Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hữu cơ Bình Minh – Bắc Giang, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024:
HTX của tôi có quy mô sản xuất hơn 2.000 lợn nái và hơn 2.000 lợn thịt, doanh thu 56 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với mức lương 10 triệu đồng/người. Tuy nhiên, trong trăn trở mà chúng tôi vấp phải đó là quy hoạch đất cho sản xuất kinh doanh, chế biến.
Hiện tại về đất sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt thì tỉnh đã quy hoạch hết rồi và trong quy hoạch của Bắc Giang và một số tỉnh thì tôi thấy đất cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cụm công nghiệp làng nghề và sản phẩm OCOP đang chưa có.
Tôi thấy quy hoạch này rất cần thiết, mỗi xã, phường nên có quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, chế biến, kinh doanh dịch vụ… Khi có quy hoạch này thì Nhà nước cũng dễ quản lý, doanh nghiệp, HTX cũng sẽ quản lý được về môi trường, hạ tầng, an toàn thực phẩm, tiết kiệm chi phí.
Bản thân người nông dân, HTX thì không thể bằng các doanh nghiệp, để làm được điều này, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và có quy hoạch rõ ràng, từ đó hấp thụ được chính sách rất tốt, có tài sản để thế chấp ngân hàng, từ đó tháo gỡ khó khăn, kinh doanh tốt hơn.
Nông dân Nguyễn Thị Bảy - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình hỏi:
Nhu cầu về đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn hiện nay là rất lớn, đối tượng không chỉ là những người nông dân đơn thuần, mà còn có cả những lao động trung niên có đất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng không đủ tiêu chuẩn vào các nhà máy, cần được đào tạo để chuyển đổi nghề hay những công nhân không còn đủ điều kiện làm việc trong khu vực công nghiệp trở về nông thôn…
Được biết, Nhà nước đang có chính sách về đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xin được hỏi, thời gian tới, chính sách này sẽ có những thay đổi như thế nào?
Người nông dân phải là đại sứ du lịch
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời:
Với chủ đề khát vọng làm giàu trong kỷ nguyên mới mà Hội Nông dân Việt Nam đưa ra là chủ đề lớn của cuộc đối thoại. Đến nay đã có nhiều đại biểu phát biểu, ở góc độ của ngành, tôi cũng thu hoạch được nhiều bài học quý từ những người trực tiếp lao động, sản xuất.
Đúng như Thủ tướng gợi ý, yếu tố văn hoá chưa được đẩy mạnh, phải chăng điều này đòi hỏi phải có khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương thì sẽ khai thác yếu tố văn hoá vùng miền.
Tiếp cận theo hướng này, chúng ta đều biết tầm quan trọng của văn hoá đã được khẳng định rất nhiều lần, xin phép không được đề cập mà chỉ dẫn nguồn như sau: Với các quốc gia phát triển, bao giờ phát triển bền vững thì văn hoá cũng được đề cao, văn hoá trong kinh tế và kinh tế trong văn hoá, không được tách bạch hai yếu tố này. Càng ngày giá trị của văn hoá càng điều tiết sự phát triển của quốc gia.
Lịch sử nước ta trải qua nhiều cuộc cách mạng về kinh tế khác nhau, chúng ta đi qua nhiều nền văn minh, nền văn minh lúa nước Việt Nam trong lịch sử dân tộc đã để lại cho chúng ta nhiều vấn đề cần suy ngẫm trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Nền văn minh đó đã để lại nhiều di sản, với những lễ hội độc đáo, những sản phẩm đặc sắc (áo lụa Hà Đông, cà phê Tây Nguyên, vựa trái cây (dừa Bến Tre)…), lễ hội bánh chưng, bánh dầy, các làng nghề … để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Kinh tế nông nghiệp phải dựa trên văn hoá và phải lồng ghép các yếu tố thì để phát triển, người nông dân cũng cũng đã vận dụng sáng tạo điều này, đã có nhiều làng bản và xã điển hình tiên tiến, trên nhiều đường làng, xã đã xuất hiện nhiều đường trồng hoa, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mà điểm đến là từ các làng quê của chúng ta, thu hút nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu văn hoá.
Người nông dân cũng khai thác được yếu tố ẩm thực phong phú như lễ hội bánh chưng, bánh tét, lễ hội bánh của vùng Đông Nam Bộ trong phát triển du lịch. Các lễ hội do chính quyền địa phương, người dân tổ chức cũng đã mang lại hiệu quả kép, không chỉ là ngày hội mà là sự thụ hưởng, sinh hoạt về văn hoá.
Về du lịch, chúng ta có đầy đủ các căn cứ pháp lý, cơ chế để phát triển, điểm mấu chốt nhất vẫn được xác định là "Muốn tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp thì sản phẩm phải đặc sắc, dịch vụ phải chuyên nghiệp, thủ tục phải nhanh gọn, giá cả phải cạnh tranh, môi trường phải sanh, xạch, đẹp, điểm đến phải thân thiện". Người nông dân phải là đại sứ du lịch.
Chúng tôi cũng mong rằng, các đại biểu với vai trò là cơ quan của Trung ương hội, hội nông dân dân các cấp tiếp tục quán triệt, truyền đạt cho được các văn bản quy phạm pháp luật Đảng, Nhà nước đã ban hành để người nông dân nắm được.
Bộ cũng lần đầu tiên tổ chức Hội nghị du lịch nông thôn quốc tế của Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc cũng đưa ra gói đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, cho những người làm trực tiếp, hy vọng sau khi đàm phán cái này chúng ta làm. Nhưng khi chưa có, chúng ta cũng đã có chính sách của Nhà nước, thông qua tập huấn, đào tạo, chuyển giao cách làm du lịch cộng đồng, dựa trên yếu tố đặc trưng khai thác nổi trội vùng miền, yếu tố riêng biệt của vùng quê thì du lịch sẽ phát triển và bền vững.
Chúng ta không nhất thiết trồng lúa chỉ học nghề trồng lúa
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan:
Đào tạo ngành nghề nông thôn nằm trong chiến lược quốc gia, bao gồm hợp phần nông nghiệp và phi nông nghiệp, tôi cũng đề nghị chúng ta nhất quán tư duy chuyển sang kinh tế nông nghiệp. Nghĩa là chúng ta đào tạo nghề cho bà con để làm sao sản phẩm của bà con làm ra đến được thị trường với chi phí thấp nhất và tối ưu nhất lợi nhuận cho bà con.
Đào tạo nghề cho bà con ở đây có chuyên gia Nguyễn Lân Hùng – người đã viết bộ sách các ngành nghề nông thôn như nuôi gà, nuôi lợn, nuôi cá, làm bông kiểng, trồng mắc ca… Tôi từng đi mua những bộ sách của anh hùng để tặng cho bà con nông dân, đôi khi chúng ta làm giàu rất đơn giản như trồng thêm bông hoa, nuôi thêm những con lươn… bộ sách của anh Hùng rất đồ sộ và tâm huyết để giúp bà con tạo thêm nghề mới.
Chúng ta không nhất thiết trồng lúa chỉ học nghề trồng lúa, trồng cam chỉ học trồng cam. Một khu vườn của mình chúng ta có thể làm được rất nhiều việc, ví dụ như một cây đu đủ bán chỉ 100 nghìn đồng, 200 nghìn đồng thôi nhưng nếu làm đu đủ bonsai thì tết vừa rồi người ta bán 10 triệu đồng. Cùng là cây đó nhưng thành tác phẩm thì sẽ khác.
Về kinh phí đào tạo nghề của nông thôn, qua ý kiến của chị Bảy, tôi sẽ trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang. Nhiều khi đào tạo nghề ở nông thôn ở các trường đào tạo nghề không phù hợp bằng những chuyên gia, nông dân mà người ta đã quen điều đó, người ta họp dân làng lại và biết cần đào tạo gì. Sản xuất xong phải biết bán ở đâu, bán như thế nào thì đó mới là bền vững.
Tôi cũng đồng suy nghĩ với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về văn hóa ở nông thôn. Tôi đã được tháp tùng Thủ tướng đi thăm gia đình anh Tráng A Chu ở huyện Vân Hồ, Sơn La, hai vợ chồng người Mông với hai đứa con nhỏ xíu, không có đất nhiều, chỉ có chuồng bò. Nhưng giờ đã thành một homestay. Dù không có ruộng nương gì hết, vậy bán gì? Bán sông, bán suối, bán trời… Anh ấy đã tổ chức thành một tour du lịch, sáng dẫn khách du lịch đi xem chợ người Mông…
Chúng ta hãy làm từ những chuyện đơn giản, từ tài nguyên xung quanh không gian tạo nên trải nghiệm cho du khách. Thủ tướng cũng vừa rồi ghé thăm, Tráng A Chu có vợ và 2 đứa con ra biểu diễn điệu múa xòe, khèn người Mông, những buổi biểu diễn có khu khách nước ngoài đứng xung quanh, diễn viên là mấy cô thôn nữ chiều vừa nấu ăn cho du khách, tối hóa thân thành diễn viên với các trang phục múa xòe tuy vụng về nhưng rất cảm xúc.
Chuyện dạy nghề ở nông thôn cũng vậy, chúng ta hãy làm từ những chuyện đơn giản như vậy rồi hãy tính những chuyện to tát sau này.
Cần có bàn tay của chính quyền địa phương
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Năm 2024 dự kiến chúng ta xuất khẩu được 62,5 tỷ USD trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Giá trị này chiếm khoảng 15% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tuy chỉ có 15% nhưng lại vào túi của người dân, vào nền kinh tế của chúng ta, 85% kia là lĩnh vực công nghiệp thì nguyên liệu đầu vào cũng là một câu chuyện mà chúng ta phải tính tiếp.
Hiện nay chúng ta có tới 20 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với các nước, đã có 17 hiệp định đi vào thực thi, 3 hiệp định đang đàm phán. Nếu thực hiện cả 20 hiệp định này chúng ta sẽ sở hữu thị trường hàng hóa lên tới 6 tỷ người tiêu dùng. Như thế có nghĩa là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta không thấm tháp gì so với thị trường này, nhất là chúng ta lại có ưu thế là các sản phẩm vùng nhiệt đới. Tôi tin rằng tiềm năng và dư địa còn rất lớn, làm sao khai thác được tiềm năng này?
Tôi đồng tình với ý kiến của anh Trần Mạnh Báo, hay anh Hoàng Trọng Thủy và các đại biểu đã phát biểu. Đầu tiên phải quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất, hay nói cách khác là áp dụng công nghệ trong các khâu sản xuất để sản phẩm có khối lượng lớn và chất lượng ổn định và phù hợp với nhu cầu của thị trường, đây là vấn đề quan trọng nhất. Việc này không ai khác là cấp ủy, chính quyền địa phương. Tổ đội sản xuất sẽ chỉ đạo sản xuất, HTX chỉ làm dịch vụ. Nếu không có vai trò chỉ đạo, bàn tay của chính quyền địa phương thì quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất áp dụng công nghệ sẽ vô cùng khó khăn.
Chuyện thứ hai cần làm là phải tổ chức được các chuỗi liên kết trong sản xuất, từ sản xuất cho đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ phải là doanh nghiệp. Chỉ doanh nghiệp mới có thể chuyển sản xuất của chúng ta từ nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp hàng hóa hay sang kinh tế nông nghiệp như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Thứ ba là hỗ trợ để tiếp cận thị trường. Chúng ta xác định thị trường 100 triệu dân cũng là thị trường lớn, làm sao sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta chứng minh được với người tiêu dùng Việt Nam là đảm bảo chất lượng. Chiến lược chiếm lĩnh thị trường trong nước mang tính phổ biến, mang tính vùng miền là quan trọng nhất.
Chúng ta phải có chiến lược tiếp cận thị trường. Mỗi thị trường có 1 đặc tính riêng. Mỗi thị trường có 1 yêu cầu riêng. Bộ Công Thương cũng giống như các Thương vụ ở nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sản xuất; hỗ trợ các địa phương giao ban hàng tháng vào ngày 29, 30 để cung cấp đầy đủ thông tin thị trường, những đặc tính, những nhu cầu cần thiết để đáp ứng thị trường sản phẩm. Như Thủ tướng nói, chúng ta phải cung cấp cho thị trường những thứ họ cần chứ không phải những thứ ta có.
Thứ tư là hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ thương mại và thông qua quảng bá bán hàng trên môi trường điện tử, rồi tổ chức các ngày hội mua hàng. Định kỳ 1 quý/lần đưa người mua hàng khắp nơi trên thế giới về vùng quê của chúng ta như Cần Thơ, An Giang…không chỉ 1 địa phương mà nhiều địa phương có thể giới thiệu sản phẩm đặc trưng của mình.
Thứ năm là hỗ trợ bảo vệ thương mại, các cơ quan thương vụ ở nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp và bà con gỡ khó các vụ kiện thương mại. Chúng tôi sẵn sàng sẽ thực hiện tốt vụ này.
Thứ sáu là hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các hiệp định thương mại tự do. Chúng tôi có những sổ tay, kỷ yếu hướng dẫn khai thác về các hiệp định thương mại này. Trên các chương trình hàng tuần giới thiệu quảng bá thương hiệu quốc gia, dữ liệu quốc gia cũng khuyến khích hỗ trợ các khu vực nông nghiệp. Hiện nay 40% xúc tiến thương mại dành cho vùng sản xuất nông nghiệp. Sắp tới, chúng ta phấn đấu nâng tỷ trọng này lên để làm sao hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp trong vùng nông nghiệp, nông thôn của chúng ta để vươn ra thế giới.
Thứ bảy là khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Nếu không có cơ sở dùng chung thì chúng ta không áp dụng được công nghệ AI….
Cuối cùng tôi kiến nghị các địa phương có hình thức kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái với du lịch; gắn du lịch với thương mại; gắn du lịch thương mại với xuất khẩu. Tôi thấy qua thực tiễn, tất cả các vấn đề nêu trên cần sự vào cuộc không chỉ của Chính phủ, các Bộ ngành, mà rất cần tất cả các địa phương. Vì trong chỉ đạo, điều hành không có vai trò cấp ủy chính quyền địa phương thì không làm được.
Tôi nhấn mạnh lại, hiện nay hợp tác xã chỉ làm dịch vụ chứ không chỉ đạo điều hành sản xuất. Mà chỉ đạo sản xuất phải là cấp ủy chính quyền địa phương. Nếu ta kết hợp tốt Bộ ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo Chính phủ thì sẽ mang lại hiệu quả cao.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản hướng tới mốc 100 tỷ USD
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá buổi đối thoại đã thể hiện sự đồng lòng, nhất trí với tình cảm dành cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Thủ tướng cho biết năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân và doanh nghiệp cả nước, sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, chúng ta dự kiến đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu.
Trong thành tựu chung của cả nước, ngành nông nghiệp, phát triển nôn thôn, người nông dân đóng góp rất quan trọng. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến vượt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023 (đạt kỷ lục); thặng dư thương mại đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; các mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt tại 190 nước trên thế giới.
Trong các cân đối lớn của nền kinh tế, chúng ta không chỉ làm đủ ăn mà còn đạt thặng dư cao, xuất khẩu trên 9 triệu tấn gạo, mang về 5 tỷ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Nông nghiệp vẫn phát huy vị trí là trụ đỡ của nền kinh tế.
Những thành tựu, kết quả này đã góp phần khẳng định tính đúng đắn của chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh – đây là khát vọng rất lớn, là tinh thần tự hào dân tộc mà chúng ta phải thực hiện, khó mấy cũng phải làm.
"Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới", Thủ tướng phát biểu và trân trọng cảm ơn đóng góp của ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, của nông dân với sự phát triển của đất nước và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.
Thủ tướng nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng mà các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn và phải là đột phá của đột phá. Thủ tướng lấy ví dụ, việc tháo gỡ cơ chế, chính sách với khoán 10, khoán 100 trước đây đã biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; tỷ lệ hộ nghèo từ 67% đến nay chỉ còn 1,93%. Điều này cho thấy nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân.
Thủ tướng mong muốn, đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng…; từ đó tháo gỡ nút thắt từ thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực của mình cho sự phát triển, đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thực hiện được nhanh hơn, tăng tốc, bứt phá hơn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn.
Vấn đề thứ hai là công tác quy hoạch. Trước đây, do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, nhu cầu của người dân ngày càng nâng cao theo hướng ăn ngon, ăn sạch, do đó công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Vấn đề thứ ba là đất đai. Phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai, bởi đất đai là hằng số, là nguồn lực có hạn. Cùng với đó, phải khai thác cả không gian vũ trụ như phát triển internet vệ tinh để cung cấp sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; khai thác không gian biển như phát triển năng lượng mặt trời, gió…; khai thác không gian ngầm để mang lại lợi ích cho nông dân, phát huy sức mạnh của nông dân, phát triển nông thôn, nông nghiệp.
Vấn đề thứ tư là vốn và bảo hiểm. Muốn làm giàu thì phải có vốn, muốn thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển các ngành chủ lực theo quy hoạch, phát triển các mặt hàng mà thế giới có nhu cầu thì phải có chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc đóng – hưởng để khuyến khích. Đồng thời, phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.
Vấn đề thứ năm là thị trường. Phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp nữa thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu, gồm cả các thị trường đặc thù như thực phẩm Halal. Nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, người nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng góp thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần.
"Để du khách mua sản phẩm thì bao bì, đóng gói sản phẩm đó phải đi máy bay cũng được, tàu hòa cũng được, tàu biển cũng được, đi bộ cũng được…", Thủ tướng lấy ví dụ.
Vấn đề thứ sáu là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh, trong tất cả các khâu từ trồng cây gì, nuôi con gì, kinh doanh gì đến xây dựng chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh chế biến sâu, nghiên cứu bao bì, mẫu mã… "Cơ sở dữ liệu sẽ cho giải pháp thông minh, như chỗ nào trồng lúa tốt nhất, giải pháp canh tác nào tốt nhất, thông minh nhất", Thủ tướng nói.
Vấn đề thứ bảy là đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị. Thủ tướng lưu ý, chuyển đổi lao động bền vững là chuyển đổi ngay tại chỗ, công nghiệp hóa nông thôn, ly nông mà không ly hương.
Vấn đề thứ tám, xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hoá soi đường cho quốc dân đi. "Vẫn là bài hát Trống Cơm, vẫn là chèo, là tuồng, nhưng nếu đổi mới sáng tạo, có đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để thổi hồn vào từng làn điệu thì sẽ khác, sẽ trở thành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, phải khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mình, phải quốc tế các giá trị bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới.
Thứ chín, hệ thống chính trị cơ sơ phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất thể thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để phục vụ phát triển.
Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang tập trung thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Theo đó, xây dựng thể chế thông thoáng, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm cơ chế xin cho, giảm phiền hà, sách nhiễu, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; xây dựng hạ tầng chiến lược (về giao thông, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục và thể thao…) để giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, giảm thời gian, chi phí, công sức cho người dân và doanh nghiệp; đào tạo nhân lực và chuyển dịch lao động, nâng cao tay nghề, tri thức, trình độ kỹ năng của người nông dân.
Đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương định kỳ đối thoại, lắng nghe với nông dân, Thủ tướng kêu gọi dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo và đoàn kết, thống nhất – đây là điểm tựa tinh thần của dân tộc ta, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, để đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới./.
CỔNG TTĐT CHÍNH PHỦ
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tong-thuat-thu-tuong-chinh-phu-doi-thoai-voi-nong-dan-a180154.html