Năm 2024, cùng với việc tiếp tục các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã giao ngành Tài chính phấn đấu thu NSNN năm 2024 vượt ít nhất 5% dự toán. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với nhiều thách thức.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Các cơ quan thu quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp thu ngân sách nhà nước với tinh thần chủ động, tích cực, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và đẩy mạnh chống thất thu ở các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quản lý thuế điện tử; tiếp tục mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, cơ quan Thuế cũng triển khai thành công Cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng; Đề án xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ AI trong phân tích dữ liệu,...
Số thu NSNN năm 2024 tăng hơn 19,1% so với dự toán được giao; tăng 15,5% so thực hiện năm 2023. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 114,4% dự toán. Tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,8% GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2% GDP.
Nhờ đó, Bộ Tài chính đã cán đích nhiệm vụ thu NSNN trước 2 tháng và kết thúc năm 2024 đạt kết quả ấn tượng với số thu NSNN lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Năm 2025, dự toán thu NSNN đã được Quốc hội phê duyệt 1,97 triệu tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa chiếm 84,8%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 11,9%. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể: Tập trung rà soát, kịp thời đề xuất việc hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm tiếp tục tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn phát sinh trong thực tế cho người nộp thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Rà soát các chính sách ưu đãi về thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch, khuyến khích cạnh tranh phát triển, hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật về thuế.
Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ tăng cường sự phối hợp các Bộ, ngành và địa phương trong công tác kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế. Từ đó, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh qua mạng...
Công tác chuyển đổi số, điện tử hóa cũng được đẩy mạnh thông qua xây dựng trung tâm dữ liệu, kết nối đồng bộ cơ sở thông tin dữ liệu ngành Thuế với hệ thống dữ liệu của các cơ quan quản lý Nhà nước khác để tăng cường hiệu quả quản lý nguồn thu, nhất là các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, xuất nhập khẩu.
Một số giải pháp khác được Bộ Tài chính quán triệt các cơ quan thu là: Đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; mở rộng cơ sở thu và chống chuyển giá, trốn thuế; quản lý hiệu quả đối với các nguồn thu phát sinh từ giao dịch xuyên biên giới, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/duy-tri-nhieu-chinh-sach-ho-tro-thu-ngan-sach-van-vuot-moc-2-trieu-ty-dong-a180093.html