Đúng như kỳ vọng, các chỉ số chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến xu hướng phục hồi tích cực trong tuần qua khi những rủi ro gần đây tạm thời lắng dịu. Điểm nhấn là phiên giao dịch giữa tuần (25/12), VN-Index bật tăng 14 điểm với thanh khoản đột biến.
Kết tuần, VN-Index tăng 17,64 điểm so với tuần trước, tương ứng 1,4% lên mức 1.275,14 điểm, HNX-Index tăng 2,06 điểm lên 229,13 điểm.
Đáng chú ý, khối ngoại đã đảo chiều mua ròng 751 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó mua ròng 615 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 36 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 100 tỷ đồng trên UPCoM.
Trong đó, nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh nhất mã STB với giá trị 165 tỷ đồng, hai mã CTG và SSI cũng được gom ròng lần lượt 125 tỷ đồng và 83 tỷ đồng.
Nói về đà phục hồi tuần qua, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCK VNDirect cho rằng được hỗ trợ bởi chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) đã chững lại, giúp tỉ giá USD/VND liên ngân hàng "tạm thời hạ nhiệt" và giảm xuống dưới ngưỡng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Điều này tạo điều kiện để NHNN bơm trở lại lượng lớn thanh khoản (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng) cho hệ thống ngân hàng trong phiên 23-26/12, đảo ngược lại gần như hoàn toàn mức hút ròng gần 71.500 tỷ đồng trong tuần trước đó.
Đây là diễn biến tích cực trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang "nỗ lực về đích tăng trưởng tín dụng trong những ngày cuối năm". Trước diễn biến đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến đà tăng giá ấn tượng và là động lực chính thúc đẩy xu hướng đi lên của các chỉ số chứng khoán.
Đồng thời, nhóm cổ phiếu đầu tư công cũng "dậy sóng" khi nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công trong năm tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, nhìn chung đà tăng giá chỉ diễn ra "cục bộ" ở một số nhóm ngành và mức độ lan tỏa chưa cao khi dòng tiền trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc một cách mạnh mẽ.
Bước sang tuần giao dịch chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới, chuyên gia VNDirect cho rằng thị trường chứng khoán trong nước có thể duy trì xu hướng vận động đi lên và chỉ số VN-Index sẽ kiểm định vùng kháng cự mạnh 1.280 - 1.300 điểm.
Hiện tại, xác suất thị trường chứng khoán sớm vượt qua được vùng kháng cự mạnh này không cao, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỉ giá vẫn "chực chờ" và thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh.
Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng những phiên tăng điểm để giảm đòn bẩy và hạ bớt tỉ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn, hạn chế giải ngân mới để giảm thiểu rủi ro.
Còn ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Nghiên cứu CTCK Agriseco cho biết, theo thống kê sơ bộ, từ khi thành lập vào tháng 8/2000, VN-Index có 14/24 năm tăng điểm vào tháng 1.
Dù không phải là tháng có tỉ lệ tăng cao nhất nhưng tháng 1 là tháng có hiệu suất thị trường bình quân tốt nhất ở mức 4,9%, vượt trội so với tháng xếp thứ hai là 2,5%.
Tuy nhiên, số năm phát triển của thị trường Việt Nam còn hạn chế, lượng mẫu tham khảo nhỏ nên ý nghĩa thống kê là không rõ ràng.
Theo chuyên gia Agriseco, VN-Index vẫn đang dao động trong kênh giá 1.200 – 1.300 điểm kéo dài từ giữa năm 2024 cho tới nay. Thị trường sẽ cần trợ lực từ các thông tin hỗ trợ và thanh khoản gia tăng để có thể bứt phá ra khỏi vùng kênh giá kể trên.
Giai đoạn hiện tại, thanh khoản đã có sự cải thiện và kỳ vọng tiếp tục gia tăng trong đầu năm nhờ hiệu ứng tháng Giêng. Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện tại vẫn đang lo ngại các yếu tố rủi ro về tỉ giá có thể sẽ là lực cản khiến thị trường gặp khó khăn trong việc bứt phá khỏi vùng kháng cự 1.300 điểm.
Theo ông Khoa, thị trường chứng khoán sẽ chưa thể bứt phá ngay khỏi vùng kháng cự kể trên và sẽ tiếp tục có các nhịp điều chỉnh, tái tích lũy từ bây giờ cho tới Tết. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh này để tích lũy dần các cổ phiếu tốt với mặt bằng giá hấp dẫn.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tuan-chuyen-giao-nam-cu-nam-moi-chung-khoan-co-thang-hoa-a179934.html