Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa thế giới tuần trước lễ Giáng sinh

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ bao trùm lên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần qua (16-22/12), kéo chỉ số MXV-Index rơi gần 1,4% xuống 2.193 điểm.

Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa thế giới tuần trước lễ Giáng sinh- Ảnh 1.

Đáng chú ý, trên thị trường kim loại, đã có 9/10 mặt hàng đồng loạt giảm giá, trong đó bạc đánh mất 3,5%; kẽm LME “bốc hơi” hơn 4% xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, trên thị trường nông sản, giá dầu đậu tương cũng lao dốc rất mạnh 7,4%, đậu tương giảm 1,4% trong bối cảnh triển vọng nguồn cung gia tăng.

Lần đầu tiên kể từ giữa tháng 9, giá bạc rơi khỏi mốc 30 USD/ounce

Khép lại tuần giao dịch vừa qua, áp lực từ yếu tố vĩ mô gia tăng đã khiến sắc đỏ gần như phủ kín bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc giảm 3,45% xuống mức 29,96 USD/ounce, đánh dấu lần đầu tiên giá mặt hàng này giảm xuống dưới mốc 30 USD/ounce kể từ giữa tháng 9. Ngược lại, giá bạch kim tăng hơn 1,3% lên mức 936,4 USD/ounce.

Tuần trước, tâm điểm thị trường hướng về kết quả cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố vào rạng sáng 19/12. Quyết định cuối cùng, Fed đã điều chỉnh giảm dự báo quy mô hạ lãi suất trong năm tới, xuống còn 50 điểm cơ bản, tương đương hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất mục tiêu về 3,75-4%. Quy mô cắt giảm này thấp hơn một nửa so với mức 100 điểm cơ bản được đưa ra trong cuộc họp tháng 9. Điều này cho thấy Fed đang tỏ ra thận trọng hơn trong quyết định hạ lãi suất.

Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa thế giới tuần trước lễ Giáng sinh- Ảnh 2.

Hơn nữa, dự báo lạm phát năm 2025 đã tăng lên 2,5%, cao hơn so với ước tính trước đó là 2,1% và cao hơn nhiều so với mục tiêu ở mức 2% của Fed. Ngoài ra, Mỹ cũng đã điều chỉnh tăng số liệu GDP trong tuần trước. Theo số liệu chính thức do Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ công bố, GDP quý III của nước này tăng 3,1% so với quý trước, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với số liệu sơ bộ.

Dữ liệu GDP tích cực này theo sau loạt dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định, trong khi lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại. Theo đó, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt và Fed phát đi tín hiệu sẽ hạ lãi suất chậm lại, đồng USD đã bật tăng mạnh trong tuần trước, chỉ số Dollar Index đã leo lên vùng cao nhất hai năm. Điều này đã gây sức ép lên giá kim loại quý, kéo giá bạc giảm mạnh. Tuy nhiên, giá bạch kim vẫn tăng chủ yếu là do một số lo ngại về nguồn cung tại Nam Phi và bởi lực mua kỹ thuật tăng mạnh tại vùng hỗ trợ quan trọng.

Đối với kim loại cơ bản, đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực lên các mặt hàng trong nhóm, kéo giá tất cả mặt hàng đều suy yếu. Trong đó, dẫn dắt đà giảm của cả nhóm là mức giảm hơn 4% của giá kẽm LME, đưa giá mặt hàng này về 2.971 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng một tháng gần đây. Bên cạnh sự mạnh lên của đồng USD, giá mặt hàng này cũng chịu áp lực trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu giảm từ lĩnh vực sản xuất và xây dựng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa thế giới tuần trước lễ Giáng sinh- Ảnh 3.

Theo MXV, kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá nhóm nông sản chịu sức ép trước các thông tin cơ bản tích cực về nguồn cung. Trong đó, giá đậu tương đã giảm gần 1,4%, ghi nhận tuần thứ hai liên tiếp suy yếu. Thị trường xác nhận xu hướng giảm sẽ tiếp tục trong ngắn hạn.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nông sản, giá hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương là khô đậu và dầu đậu biến động tương đối trái chiều. Giá khô đậu tăng vọt gần 3% sau hai tuần suy giảm trước đó nhờ lực bắt đáy kỹ thuật. Trong khi đó, giá dầu đậu tương lao dốc gần 7,4% trước triển vọng nguồn cung dầu thực vật gia tăng.


Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/luc-ban-ap-dao-tren-thi-truong-hang-hoa-the-gioi-tuan-truoc-le-giang-sinh-a179556.html