99,5% số hộ dân đã được dùng điện lưới quốc gia
Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện dự án cấp điện cho các thôn, bản vùng cao chưa có điện, đến nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia tới 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, với trên 99,5% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Nhiều thôn bản xa xôi trước đây vốn được coi là "thôn bản trắng về điện", còn nhiều khó khăn nhưng kể từ ngày có điện lưới quốc gia bức tranh kinh tế - xã hội địa phương đã xuất hiện nhiều gam màu sáng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Theo đại diện lãnh đạo EVNNPC, nếu chỉ vì mục tiêu kinh doanh thuần túy thì việc đầu tư lưới điện cho các thôn bản vùng cao sẽ không khả thi, bởi xuất đầu tư và chi phí quản lý vận hành rất lớn, trong khi doanh thu nhận lại rất nhỏ. Tuy nhiên, EVNNPC xác định nhiệm vụ đưa điện về các thôn bản chưa có điện là hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, giúp đồng bào phát triển sản xuất, ổn định đời sống, giữ vững an ninh trật tự và đảm bảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Do đó, trong những năm qua, EVNNPC đã tập trung tối đa mọi nguồn lực, để triển khai chương trình đưa dòng điện điện sáng đến với người dân vùng sâu, vùng xa.
Trong những ngày cuối tháng 12 vừa qua, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ có dịp đến với một số thôn bản còn nhiều khó khăn của tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ, đã chứng kiến được sự đổi thay đến ngỡ ngàng của những người dân nơi này kể từ khi có điện lưới quốc gia.
Đến đâu, chúng tôi cũng được nghe bà con bày tỏ sự vui mừng trước những đóng góp to lớn của những người thợ điện miền Bắc đã không quản ngại khó khăn, vất vả đưa dòng điện lưới quốc gia đến với từng thôn bản cheo leo trên đỉnh núi.
Có ánh sáng điện lưới quốc gia, cuộc sống sinh hoạt của bà con các thôn bản này đã được tiếp thêm luồng sinh khí mới, đời sống vật chất và tinh thần từng bước được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt, cũng chính nhờ có điện mà bức tranh kinh tế - xã hội của những thôn bản này ngày càng thay da đổi thịt.
Sự khởi sắc ở các thôn bản từ khi có dòng điện lưới quốc gia
Thôn Bản Pình (xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn cách thành phố Tuyên Quang gần 90km. Cách đây gần nửa thập niên, người miền xuôi còn gọi nơi này là chốn "thâm sơn cùng cốc". Khi chưa có điện, đồng bào gặp phải muôn vàn khó khăn trong đời sống vật chất và văn hóa tinh thần.
Trước đây ở Bản Pình, cái gì cũng gắn với từ "không": Không điện sáng, không tivi, không sóng di động… nhà nào cũng chỉ dùng đèn dầu để làm nguồn sáng ban đêm. Cả bản lúc nào cũng tĩnh lặng và tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Nhưng kể từ khi có điện, cuộc sống của người dân bản Pình đã đổi thay hoàn toàn. Ánh điện đã được chiếu sáng khắp thôn bản và đồng bào đã dùng điện để thắp sáng, cũng như mua sắm thêm những thiết bị để phục vụ cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Ngày điện lưới quốc gia người dân thôn Bản Pình và chính quyền địa phương cùng nhau quây quần chia sẻ niềm vui, hạnh phúc mừng dòng điện sáng.
"Nhờ có điện, tôi cùng các bà con trong thôn được xem tivi để biết thêm những kiến thức về phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhà tôi còn cố gắng mua mới một chiếc máy bóc vỏ cây keo để phục vụ sản xuất. Nhờ vậy kinh tế trong nhà đang ngày một khấm khá hơn so với trước đây", bà Nguyễn Thị Thủy, người dân sinh sống tại thôn Bản Pình vui mừng chia sẻ.
Bà Lý Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Trung Minh, huyện Yên Sơn khẳng định: Trước đây khi không có điện, đồng bào nơi đây muốn mua tivi, nồi cơm điện về dùng cũng chịu. Thông tin chính trị, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, bà con cũng khó tiếp cận và đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trong xã lên tới 90%.
Nhưng kể từ ngày điện lưới quốc gia về với xã Trung Minh đã giúp xua tan đi cảnh đói nghèo, tăm tối; người dân trong xã đã hăng hái lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiến lên xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Không những thế, điện còn giúp giải phóng một phần sức lao động cho người dân. Nhiều hộ gia đình đã áp dụng mô hình kinh doanh dịch vụ xay xát, mở xưởng xẻ gỗ, máy tẽ hạt ngô… đời sống đã khấm khá lên nhờ có điện.
"Cũng kể từ ngày có điện, đã có hộ dân mua tủ bảo ôn để bảo quản thức ăn, cũng như làm đá lạnh để bán cho bà con trong bản. Công việc mua bán gặp nhiều thuận lợi, người dân không còn phải đi xa để mua thực phẩm nữa", Chủ tịch UBND xã Trung Minh nhấn mạnh.
Bản Mỹ Á (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) – nơi cách TP. Việt Trì gần 100km cũng vừa được các cấp chính quyền và ngành điện Phú Thọ đầu tư, xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ nhân dân cách đây không lâu.
Sau nhiều năm chờ đợi, thầy Sùng A Sinh, giáo viên phụ trách điểm trường Mầm non và Tiểu học Thu Cúc 2 không giấu được niềm vui và hồ hởi cho biết: Trước đây, mỗi lần có dịp đi qua các xã khác trong huyện và nhìn thấy nhà nhà sáng điện sáng, các cháu nhỏ ngoan ngoãn ngồi ôn bài thì tôi lại suy tư, trăn trở với câu hỏi không biết bao giờ bản mình mới có điện?
Tuy nhiên, thời điểm trước thềm Tết Nguyên đán năm 2021, người dân trong bản nhận được thông báo của Sở Công Thương và Công ty Điện lực Phú Thọ sẽ đầu tư đưa lưới điện quốc gia về cho địa phương thì tất cả mọi người đều vui mừng, phấn khởi.
Kể từ ngày có điện, cuộc sống của người dân cũng theo đó mà khấm khá phát triển đi lên. Mặt khác, công tác soạn giáo án, giảng bài của tôi đã thuận tiện hơn rất nhiều vì được dùng máy tính, máy in. Việc học tập của các em nhỏ được giúp sức bởi ánh đèn điện sáng.
Hồ hởi khoe với chúng tôi chiếc tivi màu LG gia đình đang sử dụng, anh Sùng A Chu tâm sự: Thời điểm thấy công nhân Điện lực dựng cột, kéo dây điện về bản, tôi vui lắm và liền bàn với vợ bán bớt ngô, lúa được 800 nghìn đồng để mua chiếc tivi này.
"Đặc biệt, thông qua các chương trình truyền hình, tôi đã nắm bắt thêm được nhiều thông tin hữu ích, trong đó có việc trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức mới. Từ đó, giúp sản phẩm nông sản làm ra tăng lên đáng kể, kinh tế gia đình cũng từ đó mà khấm khá hơn trước đây rất nhiều. Thay mặt bà con trong bản, chúng tôi cảm ơn các cấp chính quyền và ngành Điện Phú Thọ nhiều lắm", anh Sùng A Chu cho biết
Điện về đã giúp bản Mỹ Á "thay da đổi thịt". Bà Trần Thị Mai Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thu Cúc khẳng định: Từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân nơi đây đã từng bước được nâng cao. Bởi bà con được tiếp cận các thông tin truyền thông tốt hơn, cũng như có điện phục vụ sản xuất.
"Có thể khẳng định, điện lưới quốc gia đang giúp địa phương vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, xay xát được hưởng lợi từ điện, đem lại hiệu quả kinh tế tốt cho các hộ dân", Phó Chủ tịch UBND xã Thu Cúc nhấn mạnh
Một mùa Xuân mới đang đến rất gần, dòng điện lưới quốc gia cũng theo đó mà tiếp tục lan tỏa rộng khắp tới mọi miền của Tổ quốc. Đặc biệt, thông qua những nỗ lực đưa điện về vùng sâu, vùng xa của ngành Điện miền Bắc đã như một luồng sinh khí mới, tạo thêm động lực giúp người dân vùng khó khăn vơn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Tin rằng, với sự giúp đỡ của chính quyền các địa phương, kết hợp cùng sự đầu tư mạnh mẽ của EVNNPC thì việc đưa điện lưới quốc gia tới 100% số hộ dân tại các thôn bản vùng cao sẽ sớm hoàn thành, qua đó tiếp tục góp phần củng cố niềm tin vững chắc của ngưới dân đối với Đảng.
Toàn Thắng
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/suc-song-moi-tai-nhung-thon-ban-vung-cao-tu-khi-co-dien-luoi-quoc-gia-a179256.html