Nguồn lực, động lực, tư duy mới trong công tác quản lý
Theo Phó Thủ tướng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, trí tuệ, bản lĩnh của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm,… đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức làm việc để đáp ứng được tình hình đang thay đổi rất mạnh mẽ. Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ với sự quyết liệt, sáng tạo và tinh thần "trên dưới đồng lòng" của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân để đưa Việt Nam vượt qua những cơn gió ngược, chuyển hoá những thách thức thành cơ hội.
Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng ước đạt 7% (thuộc nhóm các nước cao thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm. Thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI cao nhất thế gới.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước cả năm vượt trên 10% dự toán; bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia thấp hơn giới hạn cho phép. Chúng ta đã hoàn thành hơn 2.000 km đường cao tốc. Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các địa phương, với nhiều lực lượng (phụ nữ, thanh niên, công an, quân đội,…) hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công thay vì 2 năm như kế hoạch.
An sinh xã hội được bảo đảm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, xếp thứ 44/132; chỉ số phát triển bền vững (SDGs) xếp thứ 54/166, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Riêng ngành TN&MT, lần đầu tiên mọi lĩnh vực quản lý đều có luật điều chỉnh, nhất là những luật quan trọng như đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước… Công tác xây dựng luật, văn bản dưới luật đã phát huy sự tham gia dân chủ, khách quan, khoa học của các bên, điển hình là Luật Đất đai và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, qua đó góp phần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, mở ra hướng giải quyết nhiều vướng mắc, tồn đọng.
"Thay vì không quản được thì cấm hay chỉ thuận lợi cho cơ quan quản lý thì cần kiến tạo, mở ra không gian đổi mới, sáng tạo cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân; tạo nguồn lực, động lực, tư duy mới trong công tác quản lý", Phó Thủ tướng nói.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành TN&MT đã đạt được trong năm 2024 và thời gian qua; một số bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Phó Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng pháp luật để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó Thủ tướng nhìn nhận quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước, trong đó có việc xác định vị thế của các ngành, lĩnh vực chưa đạt yêu cầu.
Tổ chức bộ máy chưa khoa học, còn chồng chéo hoặc còn khoảng trống pháp lý chưa được khắc phục triệt để.
Chất lượng môi trường cuộc sống chưa cải thiện triệt để, trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, đa dạng sinh học, nguồn nước đang suy giảm…
Năng lực giải quyết hài hoà bài toán quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường… chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Thế giới đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không thể đảo ngược, Việt Nam sẽ tiếp cận như thế nào để không lỡ nhịp", Phó Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng đây là cơ hội rất lớn đối với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT khi "môi trường cùng với phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm, trụ cột của phát triển".
Môi trường, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất và không gian sống của con người, phải trở thành nền tảng cho phát triển bền vững, là lời giải cho bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Thay vì phát triển trước, khắc phục hậu quả môi trường sau, thì vấn đề môi trường phải được đưa vào ngay từ khâu thiết kế, hoạch định các chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế, xã hội với các mô hình kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp…
"Trung ương tinh, tỉnh mạnh, cơ sở chuyên nghiệp"
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đánh giá, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT có có mối quan hệ gắn bó mật thiết hữu cơ, nếu Bộ này làm tốt thì Bộ kia sẽ hưởng lợi và ngược lại. Từ góc độ này có thể thấy hai bộ hợp nhất "sẽ thành một mô hình phát triển, mô hình đáng tự hào". Tổ chức mới sẽ thực hiện tốt sứ mệnh đưa môi trường là nền tảng của phát triển; đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là trung tâm, 3 trụ cột của phát triển bền vững.
Trong năm 2025, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT khẩn trương thực hiện hợp nhất, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả theo nguyên tắc "1 việc không giao cho 2 người", "chức năng, nhiệm vụ quyết định tổ chức, bộ máy". Cơ cấu tổ chức bộ máy phải theo hướng "Trung ương tinh, tỉnh mạnh, cơ sở chuyên nghiệp", nguồn nhân lực đủ sức đảm đương nhiệm vụ, công việc được giao.
"Tôi đề nghị ngành TN&MT cần tập trung tư duy, đầu tư, tổ chức lại mô hình quản lý bởi dường như càng xuống cấp xã chúng ta càng ít quan tâm, đầu tư nên cần phải thay đổi lại... Bộ máy, trang thiết bị cần phải hiện đại để làm sao cán bộ ngành TN&MT có thể làm việc bằng hai, bằng mười, điều này rất quan trọng trong công tác phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Bộ mới sau hợp nhất cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo động lực mới cho tiến trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Môi trường phải là triết lý, nền tảng trong các lĩnh vực hoạt động của bộ mới sau hợp nhất.
Đồng thời, tập trung suy nghĩ, bàn bạc với tư duy cách mạng nhằm xác định những nhiệm vụ, dự án trọng điểm quốc gia trong nhiệm kỳ tới: Đổi mới công tác xây dựng pháp luật, thể chế; đẩy mạnh công tác phân cấp, tăng cường năng lực cho cơ sở; đi đầu và là trung tâm trong chuyển đổi số quốc gia, cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, khí tượng thuỷ văn… cho các ngành, lĩnh vực kinh tế khác; xây dựng và dẫn dắt thực hiện lộ trình tiến tới không khí thải, không rác thải, không nước thải của cả nước.
Khép lại năm 2024 với nhiều thành tựu hết sức nổi bật cùng chặng đường 22 năm phát triển rất đáng tự hào, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng với truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, mối quan hệ gắn bó hữu cơ, cơ quan hợp nhất giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".
Các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết sáng tạo để làm tốt các nhiệm vụ ở từng vị trí công tác; tận dụng thời cơ để giúp đất nước biến thách thức thành động lực, cơ hội để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào những năm tới, "trở thành cường quốc về phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh", người dân có chất lượng cuộc sống mạnh khoẻ, hạnh phúc, trong lành.
Bộ mới sau hợp nhất giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện tốt sứ mệnh trung tâm trong tiến trình phát triển bền vững cùng nước ta bước vào "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
Minh Khôi
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/moi-truong-phai-la-nen-tang-cua-phat-trien-ben-vung-a179166.html