Chủ động, quyết liệt "tinh, gọn, mạnh" bộ máy
Sáng 23/12, tại Diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển", Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, ngành Công Thương chiếm tỉ trọng rất lớn của nền kinh tế. Nếu ngành làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong năm 2021, Bộ tiết kiệm 4,5 tỷ đồng công tác phí, 1,2 tỷ đồng chi phí hội thảo, 1 tỷ đồng tiền khánh tiết, 1,7 tỷ đồng văn phòng phẩm, thông tin liên lạc. Các doanh nghiệp do Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu tiết kiệm 10,9 tỷ đồng.
Đến năm 2022, các doanh nghiệp đã tiết kiệm hơn 290 tỷ đồng chi phí quản lý. Trong năm 2023, Văn phòng Bộ tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước hơn 13 tỷ đồng (10,66% kinh phí giao), trong khi các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quản lý lên tới 765 tỷ đồng.
Bộ cũng đặt ra một số chỉ tiêu tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia đúng đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, định mức, nội dung hỗ trợ đầu tư và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương.
Bên cạnh tiết kiệm chi phí, những năm qua, Bộ đã giải quyết nhiều dự án tồn đọng giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời mở ra cơ hội huy động đầu tư, tạo thuận lợi cho sự phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng...
"Năm 2024, Bộ cũng đã chủ động, quyết liệt "tinh, gọn, mạnh" bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ.
18.308 ha đất dự án đầu tư vẫn "đắp chiếu"
Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho hay, từ kết quả công tác phòng ngừa và thực tiễn điều tra các vụ án liên quan đến đầu tư công, quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm thời gian qua, cho thấy còn nhiều hạn chế trong công tác phòng, chống lãng phí, gây thất thoát nghiêm trọng nguồn lực của Nhà nước và nhân dân.
Lãng phí còn hiện diện ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Nổi lên là lãng phí trong công tác quản lý tài chính, ngân sách; Lãng phí trong công tác đầu tư, xây dựng.
"Theo đó, qua rà soát bước đầu, cả nước có khoảng 400 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308 ha", ông Sơn nói.
Lãng phí trong công tác tổ chức, đào tạo, quản lý, sử dụng nguồn lực con người; lãng phí trong phát huy các nguồn lực xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu kiến nghị thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trọng tâm là Điều 31, 32, 40 và 54 trong Quy định số 69, ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị.
Thể chế hóa và quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề ở tất cả các cấp đối với các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí.
Thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát chéo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên nguyên tắc minh bạch về thời gian, tiến độ thực hiện; quy định đầy đủ, gắn trách nhiệm quản lý sai phạm liên đới đối với người đứng đầu tổ chức, đơn vị nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả làm việc của từng cá nhân. Xóa bỏ cơ chế "xin - cho" trong phân bổ và sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Các Ban, Bộ, ngành, địa phương cần tập trung khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội dễ nảy sinh lãng phí như đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng; mua sắm; quản lý tài sản công; các chương trình dự án khoa học và công nghệ; giáo dục… để sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, thiếu sót.
Từ đó góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.
Trường hợp phát hiện vụ việc, đối tượng liên quan đến vi phạm, tội phạm cần thông tin, trao đổi kịp thời với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để có biện pháp phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nam-2023-dn-linh-vuc-cong-thuong-tiet-kiem-hon-760-ty-dong-chi-phi-quan-ly-a179081.html