Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bão số 3 (bão Yagi) cùng hoàn lưu mưa sau bão đã gây ra đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt tại khu vực Bắc Bộ. Thiên tai này đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi, phá hủy nhiều thiết chế hạ tầng.
Tổng thiệt hại kinh tế được ước tính lên tới hơn 83.746 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp chiếm 38.086 tỷ đồng, tương đương 45% tổng giá trị thiệt hại.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn "Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai" đã được tổ chức nhằm rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai và đề xuất các giải pháp, hướng đến xây dựng cộng đồng xã hội an toàn hơn trước các thảm họa tự nhiên.
Kinh nghiệm ứng phó với thiên tai
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, chia sẻ: "Bão Yagi đã gây ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở nghiêm trọng tại Yên Bái, với tổng thiệt hại ước tính gần 6.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là việc khôi phục sản xuất nông nghiệp".
Ông Phước nhấn mạnh rằng, dù có sự chuẩn bị từ trước, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Việc sẵn sàng các lực lượng cứu hộ, phương tiện, vật tư và kinh phí là yếu tố then chốt giúp địa phương ứng phó và khắc phục hậu quả nhanh chóng.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Yên Bái, Yên Bái là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu sau bão số 3 vào tháng 9/2024. Những thiệt hại này đã gây ra tổn thất nặng nề đối với cộng đồng và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
"Đến nay, những kết quả khắc phục, tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp sau bão số 3 là rất khả quan trên toàn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, đê kè, công trình nước sạch nông thôn tập trung. Dự kiến đến hết 31/12, toàn bộ các công trình còn lại để đảm bảo sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho dân sinh sẽ hoàn thành", ông Sang nói.
Từ thực tế ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh Yên Bái đã rút ra được một số bài học, kinh nghiệm quý báu. Đầu tiên là dự báo chính xác về diễn biến các cơn bão trong mùa mưa, lũ, tăng cường thông tin tới các khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nơi nguy cơ thiên tai cao, là rất cần thiết. Bên cạnh đó là tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của thiên tai và chủ động phòng tránh.
Ngoài ra, công tác di dời và tái định cư cần được chuẩn bị trước. "Hiện trạng vẫn còn những trường hợp bị mắc kẹt do địa hình chia cắt, hoặc người dân chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm. Do đó, việc xây dựng các phương án di dời, tái định cư cần được chuẩn bị từ trước, với các phương án cụ thể cho từng địa phương và từng khu vực nguy hiểm", ông Sang nhấn mạnh.
Cuối cùng, công tác khôi phục hạ tầng thiết yếu sau thiên tai, đặc biệt là các công trình thủy lợi, đường giao thông và nhà ở, phải được triển khai ngay khi tình hình ổn định, hỗ trợ nông dân bằng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp kịp thời, tạo điều kiện nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp
Theo báo cáo tổng hợp của các tỉnh phía Bắc, diện tích lúa bị ngập úng, ảnh hưởng khoảng 285.000 ha, diện tích hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng khoảng 61.000 ha và diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 115.000 ha.
Ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết: "Để nhanh chóng khôi phục sản xuất cho bà con, chúng tôi đã chủ động theo dõi sát sao khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế, từ đó điều chỉnh cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp".
Cụ thể, tập trung vào phát triển các loại cây vụ đông ưa lạnh, có khả năng bảo quản lâu dài và có thị trường tiêu thụ ổn định. "Ngoài linh hoạt trong các phương thức làm đất, gieo trồng, chúng tôi đặc biệt chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, tiết kiệm thời gian và lao động. Công tác phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng vụ đông và kiểm soát nguồn vật tư nông nghiệp cũng được triển khai mạnh mẽ", ông Vương nói.
Bên cạnh các biện pháp khắc phục hậu quả, ông Trần Trọng Tùng - Cục Chăn nuôi kiến nghị nên cấp các gói hỗ trợ tài chính hoặc khoản vay ưu đãi cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nhằm khắc phục thiệt hại nhanh chóng. Hỗ trợ bằng hiện vật như thức ăn, con giống, thiết bị sửa chữa cơ sở hạ tầng chăn nuôi bị hư hỏng. Đồng thời, miễn giảm lãi suất hoặc gia hạn nợ cho các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, tạo điều kiện để phục hồi sản xuất...
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho rằng: "Sau quá trình triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với các sự cố thiên tai vừa qua, trong thời gian tới các địa phương cần chủ động rà soát lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chọn lựa những loài phù hợp với đặc thù địa phương để tạo thuận lợi phát triển bền vững".
Bên cạnh đó, khẩn trương di dời người dân ở những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao sạt lở đất đến nơi ở an toàn, xây dựng chính sách phát triển sinh kế bền vững cho số hộ phải di chuyển này. Đồng thời, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ sở hạ tầng… đảm bảo luôn chủ động, an toàn trước thiên tai.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/phuc-hoi-sau-thien-tai-huong-toi-cong-dong-an-toan-truoc-tham-hoa-tu-nhien-a179079.html