Chứng khoán APG thua lỗ, đóng cửa toàn bộ chi nhánh, lãnh đạo đua nhau bán cổ phiếu

Đặt cược vào GKM, Chứng khoán APG lỗ khủng trong quý III. Nhiều lãnh đạo công ty đã bán hàng triệu cổ phiếu trong thời gian gần đây.

Đóng cửa toàn bộ chi nhánh, lãnh đạo thi nhau bán cổ phiếu

Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã: APG) công bố Nghị quyết HĐQT đóng cửa chi nhánh TP. HCM và phòng giao dịch 132 Mai Hắc Đế. Lý do là thực hiện tái cấu trúc công ty, chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch.

Chứng khoán APG có 3 cơ sở kinh doanh gồm trụ sở chính ở Hà Nội, chi nhánh tại TP.HCM và phòng giao dịch 132 Mai Hắc Đế (Hà Nội). Như vậy, sau quyết định trên, công ty chỉ còn hoạt động ở trụ sở chính tại tầng 5, tòa nhà Grand Builing, 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Trước khi doanh nghiệp công bố việc thu hẹp hoạt động, hàng loạt lãnh đạo đã thoát ra hàng triệu cổ phiếu. Cụ thể, ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch HĐQT đã bán 5 triệu cổ phiếu APG giảm sở hữu xuống 6,78 triệu đơn vị, tỷ lệ 3,03%, không còn cổ đông lớn kể từ 4/10.

Ông Trần Thiên Hà, Tổng Giám đốc bán 673.010 cổ phiếu giảm sở hữu xuống 340.000 cổ phiếu từ ngày 21/8 đến 17/9. Thành viên HĐQT Võ Quý Lâm bán thành công 243.874 cổ phiếu APG trên 321.874 cổ phiếu đăng ký bán từ 23/9 đến 22/10. Nguyên nhân không hoàn tất giao dịch là do diễn bị thị trường chưa thuận lợi.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Người Phụ trách Quản trị công ty/ Thư ký HĐQT bán được 226.090 cổ phiếu trong 236.090 cổ phiếu đăng ký bán từ 12/9 đến 1/10. Nguyên nhân không hoàn tất giao dịch là chưa đạt giá kỳ vọng. Bà Nguyễn Thị Phương, cựu Trưởng ban Kiểm toán nội bộ trước khi xin từ nhiệm đã bán toàn bộ 351.135 cổ phiếu từ ngày 29/8 đến 30/8.

Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Thanh Nghị, Kế toán trưởng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu từ ngày 4/9 đến 16/9 nhưng thực tế chỉ mua 41.300 cổ phiếu. Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng trước khi bán 5 triệu cổ phiếu APG cũng có đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu từ 25/7 đến 23/8, song kết quả là không mua cổ phiếu nào do không đạt được giá kỳ vọng.

Kể từ tháng 3, cổ phiếu APG liên tục giảm giá từ vùng 15.600 đồng/cp xuống 8.900 đồng/cp, giảm 43% trong 9 tháng.

Lỗ khủng, thoái bớt vốn tại Ladophar và GKM Holdings

CTCP Chứng khoán APG (HoSE: APG) mới đây đã bán 2 triệu cp CTCP GKM Holdings (HNX: GKM) từ ngày 25/12/2024-23/01/2025 nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Nếu giao dịch thành công, APG sẽ giảm sở hữu từ 16,076% xuống 9,71% tương đương 3,05 triệu cp) và vẫn là cổ đông lớn của GKM Holdings.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu GKM vừa có đợt lao dốc mạnh từ vùng 40.000 đồng/cp xuống 6.000 đồng/cp, bốc hơi 85% trong hơn 4 tháng qua. Tạm tính theo giá phiên chiều 20/12 là 5.800 đồng/cp, ước tính APG có thể thu về 11,6 tỷ đồng.

Trước đó, vào giữa tháng 6, APG đã mua hơn 1,9 triệu cp GKM để nâng sở hữu lên mức như hiện tại, khi mã này neo ở vùng giá 35.000 đồng/cp. Như vậy, APG có thể lỗ tới hàng chục tỷ đồng với khoản đầu tư này trong nửa năm qua.

Theo BCTC quý 3/2024, APG còn có khoản đầu tư trái phiếu GKM 44.15 tỷ đồng nằm trong khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM).

Tiếp tục cơ cấu danh mục đầu tư, APG cũng đăng ký bán 1 triệu cp CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar, HNX: LDP) từ ngày 25/12/2024-23/01/2025, nhằm giảm sở hữu từ 18,875% về 11% (1,4 triệu cp) và tiếp tục là cổ đông lớn.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu LDP liên tục giảm sau khi chạm đỉnh 2 năm ở mức 24.500 đồng/cp vào giữa tháng 4. Phiên chiều 20/12, thị giá LDP giao dịch ở mức 10.000 đồng/cp, giảm 60% qua 8 tháng.

Công ty cổ phần chứng khoán APG, tiền thân là Công ty cổ phần Chứng khoán An Phát, thành lập năm 2007. APG có vốn điều lệ hiện hơn 2.230 tỷ đồng; hoạt động trong lĩnh vực môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán...

Năm 2023, Công ty đạt doanh thu từ kinh doanh chứng khoán hơn 264,67 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 140,23 tỷ đồng (năm 2022, lỗ sau thuế hơn 190 tỷ đồng).

Trong quý 3/2024, APG gây bất ngờ với khoản lỗ ròng 148 tỷ đồng, gần bằng mức lỗ kỷ lục thiết lập ở quý 4/2022. Chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng vọt lên 160 tỷ đồng được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh tiêu cực.

Khoản lỗ quý 3 đã xóa sạch thành quả tích lũy trong nửa đầu năm. Được biết lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của APG đạt hơn 95 tỷ đồng và lãi ròng gần 54 tỷ đồng, tương ứng giảm 49% và 50% so với cùng kỳ.

Quý 3, APG lỗ lũy kế hơn 98 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, trong khi cùng kỳ năm trước Công ty lãi ròng 102 tỷ đồng. Như vậy với kế hoạch lãi ròng 239 tỷ đồng cho cả năm 2024, cơ hội hoàn thành mục tiêu này gần như không còn.

Trong kỳ, công ty chỉ ghi nhận doanh thu hoạt động 26 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm từ 14,8 tỷ về 5,5 tỷ đồng, không có lãi từ lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Song, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng từ 2,4 tỷ lên 6 tỷ, doanh thu nghiệp vụ môi giới tăng từ 1,3 tỷ lệ 9,5 tỷ đồng, có thêm nguồn thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán…

Ngược lại, công bị lỗ FVTPL đến 160 tỷ đồng do chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính.Tại cuối quý III, danh mục FVTPL của công ty là cổ phiếu niêm yết có giá gốc 646,6 tỷ đồng nhưng giá hợp lý 503 tỷ đồng, tức tạm lỗ 144 tỷ đồng. Chứng khoán APG chủ yếu đầu tư vào các cổ phiếu gồm GKM, KOS, LDP.

Vào trung tuần tháng 11, UBCKNN đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 cá nhân cho mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu GKM. Các cá nhân cho ông Nguyễn Việt Hà mượn tài khoản hoặc đứng tên sở hữu chứng khoán hộ để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng giá cổ phiếu GKM trong giai đoạn từ ngày 2/8/2021 đến ngày 28/1/2022.

Nhìn lại, trong khoảng thời gian cổ phiếu GKM bị thao túng đã tăng giá mạnh từ vùng 7.200 đồng/cp lên trên 40.000 đồng/cp. Đây cũng giai đoạn mà giao dịch nội bộ công ty sôi động, Chủ tịch HĐQT Đặng Việt Lê, cựu Thành viên HĐQT Nguyễn Việt Hà và người thân thi nhau bán cổ phiếu. Ngược lại, Chứng khoán APG gom cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn.

Đồng thời, đây cũng là thời điểm GKM thực hiện phương án chào bán 7,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Sau đó, GKM Holdings còn tiếp tục huy động 100 tỷ đồng trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu GKM.

Báo cáo của Chứng khoán APG còn ghi nhận khoản đầu tư trái phiếu Khang Minh Group 44,1 tỷ đồng ở khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM). Mặt khác, khoản phải thu của công ty cũng phình to lên 410 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 67,2 tỷ đầu năm và chiếm 15% tổng tài sản. Đa số là phải thu bán tài sản tài chính với các cá nhân như Phạm Thị Minh, Mai Huy Tùng, Nguyễn Văn Hoàng, Mã Thị Hoàng Anh, Đào Thị Hòa, Nguyễn Tuyết Mai, Đoàn Minh Tâm.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chung-khoan-apg-thua-lo-dong-cua-toan-bo-chi-nhanh-lanh-dao-dua-nhau-ban-co-phieu-a179054.html