Mặc dù, việc áp dụng luật mới trong quý III vẫn còn gặp một số thách thức, nhất là vướng mắc liên quan đến bảng giá đất ở một số địa phương, nhưng những nỗ lực trong việc tháo gỡ vướng mắc cho thị trường trong thời gian vừa qua là không thể phủ nhận. Nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Bình Dương đã có những bước tiến đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý.
Đơn cử, TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất gỡ vướng pháp lý cho 8 dự án bất động sản như The Metropole Thủ Thiêm, Celadon City, Metro Star, Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm... Đây đều là những dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng với quy mô lớn và nguồn cung đa dạng. Từ đó, tạo niềm tin cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong những tháng cuối năm 2024 và lấy đà cho năm 2025.
Về nguồn cung, giao dịch và giá bán, thị trường bất động sản ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap, thị trường bất động sản tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong 3 quý vừa qua ghi nhận 23.900 căn hộ sơ cấp được giao dịch, tăng 28% so với tổng số giao dịch của cả năm 2023. Nguồn cung mới cũng có sự tăng trưởng 11%, đạt 20.900 căn. Hà Nội hiện đang chiếm ưu thế với 85% tổng số giao dịch và 91% nguồn cung mới tại hai thị trường lớn này.
Cùng với đó, giá bất động sản vẫn duy trì đà tăng, đặc biệt ở phân khúc căn hộ và có dấu hiệu lan tỏa sang các phân khúc khác. Tại Hà Nội, căn hộ hạng A ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất, từ 20 - 35% so với cùng kỳ năm 2023; trong khi tại TP Hồ Chí Minh mức tăng giá dao động từ 15 - 20%.
Giá bán thứ cấp đã không còn tình trạng giảm giá sâu mà thay vào đó là sự chênh lệch giá từ 10-20%. Giá thuê nhà ở cũng tăng trong khoảng từ 10 - 20%. Những con số này phản ánh nhu cầu mạnh mẽ và khả năng duy trì giá ổn định của thị trường. Đồng thời, xu hướng này cũng giúp củng cố niềm tin cho thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển tích cực. Từ đó, tạo cơ sở để doanh nghiệp kỳ vọng vào sự hấp thụ tốt cho các dự án dự kiến mở bán trong năm 2025.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo: Năm 2025 sẽ là năm sẽ đánh dấu mốc quan trọng khi nguồn cung thị trường bắt đầu được tháo gỡ, song không phải là tháo gỡ toàn bộ. Các dự án đáp ứng đầy đủ yêu cầu về pháp lý và năng lực của chủ đầu tư sẽ được ưu tiên, giúp cân bằng cung cầu trên thị trường.
Chủ tịch VARS cũng nhận định: Đây sẽ là một năm đầy triển vọng với sự tăng trưởng ổn định của phân khúc bất động sản công nghiệp và thương mại. Dù trải qua nhiều biến động, hai phân khúc này vẫn duy trì được sự ổn định đáng kể, đặc biệt trong bất động sản công nghiệp, khi nhu cầu đối với các khu sản xuất, nhà xưởng và logistics vẫn ở mức cao. Cùng đó, thị trường bất động sản thương mại đã có những tín hiệu tích cực trong hai quý gần đây.
Tuy nhiên, theo ông Đính, bất động sản nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư vẫn sẽ là động lực chính dẫn dắt thị trường năm 2025, nhất là trong bối cảnh nhu cầu căn hộ bình dân hiện nay rất cao, trong khi nguồn cung lại đang khan hiếm trầm trọng. Phân khúc này không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế của các hộ gia đình có thu nhập trung bình mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tìm kiếm sản phẩm bất động sản có tính thanh khoản cao.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV phân tích: Thị trường bất động sản hiện nay đã có nhiều điểm thay đổi tích cực hơn so với trước đây. Cụ thể, nền kinh tế vĩ mô đã dần ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý, lãi suất tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp. Các chỉ số như thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đều trong phạm vi cho phép của Quốc hội.
Các vấn đề pháp lý cũng đã được xử lý dần dần và việc hoàn thiện thể chế đã được chú trọng với nhiều luật quan trọng đã được thông qua, có hiệu lực cùng với các Nghị định và chính sách mới được ban hành. Quy hoạch các cấp cũng đang được cải thiện… Đây là những yếu tố "trợ lực" quan trọng, tạo nền tảng vững chắc giúp thị trường bất động sản bước vào giai đoạn mới và phục hồi bền vững hơn trong thời gian tới.
Theo ông Lực, bối cảnh hiện nay cả trong và ngoài nước vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức đối với việc phục hồi thị trường bất động sản. Cụ thể như: kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm và thiếu đột phá, chưa đồng đều. Doanh nghiệp bất động sản cũng đối mặt với nhiều khó khăn; giá bất động sản vẫn ở mức cao và tăng nhanh tại một số phân khúc… Do đó, doanh nghiệp bất động sản cần quyết tâm cơ cấu lại, tập trung vào các lĩnh vực mạnh, đồng thời kiểm soát rủi ro liên quan đến dòng tiền, lãi suất và nợ đáo hạn để vượt qua giai đoạn khó khăn tài chính hiện tại.
Ở góc độ vĩ mô, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định: Vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã rất quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và dự án. Hơn nữa, nền kinh tế vĩ mô cũng có những chuyển biến tích cực, tạo động lực cho thị trường bất động sản. Lịch sử các chu kỳ bất động sản cho thấy, khi nền kinh tế chuyển từ giai đoạn phục hồi sang tăng trưởng, thị trường bất động sản thường sẽ sôi động trở lại với giá cả và giao dịch tăng lên.
“Với những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng trong quý cuối 2024 và nửa đầu năm 2025 thị trường bất động sản nói chung tiếp tục xu hướng phục hồi trên các nền tảng bền vững", chuyên gia này chia sẻ.
Cùng với việc Chính phủ vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công thì quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh cũng góp phần tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở, kinh doanh và đầu tư bất động sản. Nhìn chung, thị trường bất động sản đang có những tín hiệu lạc quan và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2025.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tin-hieu-phuc-hoi-manh-cua-thi-truong-bat-dong-san-a178973.html