Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So: Người lính thời bình và giấc mộng tỷ USD

Từng bên bờ vực phá sản, ông Nguyễn Như So đã chèo lái Dabaco trở thành một trong những doanh nghiệp lớn của ngành chăn nuôi với cơ cấu doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Hành trình từ bờ vực phá sản

Dù vẫn đối diện với nhiều khó khăn, năm 2024, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn ghi nhận những bước tiến đáng kể, được thúc đẩy bởi sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp này không chỉ góp phần nâng cao năng suất và giá trị sản xuất mà còn dẫn đầu trong việc đổi mới công nghệ, cải thiện chuỗi cung ứng và gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Một trong số đó chính là Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC).

Không chỉ được mệnh danh là "ông trùm" chăn nuôi miền Bắc, Dabaco còn gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn. Từ một doanh nghiệp nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản, ông So đã chèo lái Dabaco trong hành trình gần 30 năm.

Ông Nguyễn Như So sinh năm 1957 tại Bắc Ninh. Sau 15 năm phục vụ trong quân đội, ông xuất ngũ và hoàn thành chương trình cử nhân kinh tế. Năm 1988, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty Vật tư Hà Bắc.

Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So: Người lính thời bình và giấc mộng tỷ USD- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Dabaco.

Năm 1996, ông Nguyễn Như So được giao nhiệm vụ dẫn dắt Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc, một doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực giải thể. Theo chia sẻ của ông với truyền thông, vào những ngày đầu, tài sản của doanh nghiệp gần như bằng không, hoạt động sản xuất đình trệ.

Điều này đã thôi thúc cử nhân kinh tế với hơn 15 năm phục vụ trong quân ngũ quyết tâm tìm kiếm hướng đi mới, đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình xây dựng Tập đoàn Dabaco sau này.

Nhận thấy Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng phải nhập khẩu đến 80% thức ăn chăn nuôi, ông So đã mạnh dạn chuyển hướng công ty sang sản xuất thức ăn chăn nuôi và phát triển con giống. Đến cuối năm 1997, những mẻ thức ăn chăn nuôi đầu tiên của công ty ra đời.

Năm 2005, công ty bắt đầu chuyển đổi mô hình hoạt động theo hình thức công ty cổ phần và chính thức bước chân lên sàn HNX với giá tham chiếu là 24.200 đồng/cổ phiếu. Năm 2008, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Dabaco Việt Nam và niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Đến năm 2011, doanh nghiệp tiếp tục đổi tên thành Tập đoàn Dabaco Việt Nam, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng.

Sau khi niêm yết, Dabaco đã liên tiếp tăng vốn điều lệ, từ 254 tỷ đồng vào năm 2009 đến 627 tỷ đồng vào năm 2013.

Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So: Người lính thời bình và giấc mộng tỷ USD- Ảnh 2.

Diễn biến thị giá cổ phiếu DBC.

Từ đó đến nay, doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Như So đã 4 lần tăng vốn điều lệ, trong đó đáng chú ý nhất vào tháng 4/2022, Dabaco đã tăng quy mô vốn điều lệ gấp đôi, đạt 2.304 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, chỉ 3 tháng sau, Dabaco tiếp tục nâng vốn lên 2.420 tỷ đồng.

Năm 2024, Dabaco đã hoàn tất tăng vốn từ 2.400 tỷ đồng lên hơn 3.300 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tổng số tiền huy động là 1.330 tỷ đồng sẽ được công ty dùng toàn bộ để đầu tư vào dự án nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành thuộc Công ty TNHH Dầu thực vật Dabaco.

Cú sốc năm 2022 và lần "sử dụng hết võ"

Về tình hình kinh doanh của Dabaco, năm 2017, trước những khó khăn của ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi lợn do giá thực phẩm giảm sâu trong thời gian dài đã tác động đến tình hình kinh doanh của công ty. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty năm 2017 đạt 5.855 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 200 tỷ đồng, giảm sâu hơn 59% so với cùng kỳ.

Từ năm 2018 đến 2020, doanh nghiệp ghi nhận nhiều tín hiệu tăng trưởng đột biến trong kinh doanh với đỉnh doanh thu và lợi nhuận ghi nhận tại năm 2020 lần lượt đạt 10.021 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng.

Sang năm 2021, doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, điều này đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Cụ thể, doanh thu thuần Dabaco trong năm 2021 là 10.812 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 829 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So: Người lính thời bình và giấc mộng tỷ USD- Ảnh 3.

Năm 2022, dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chậm, giá bán thấp...

Tuy nhiên, sự sụt giảm trên mới chỉ là bắt đầu. Năm 2022, dù doanh thu lên tới 11.557 tỷ đồng nhưng ông trùm chăn nuôi miền Bắc chỉ thu về vỏn vẹn 5 tỷ đồng lợi nhuận.

Công ty cho biết, nguyên nhân là do ngành chăn nuôi chịu ảnh hưởng nặng nề do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng mạnh, dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chậm, giá bán thấp khiến người chăn nuôi thu hẹp hoặc dừng sản xuất, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các đơn vị trong công ty.

Dabaco vẫn mơ giấc mộng tỷ đô

Chia sẻ về những khó khăn trong năm 2022, ông Nguyễn Như So cho biết: "Chúng tôi đã sử dụng hết "võ", nhưng năm 2022 khó khăn quá. 27 năm làm lãnh đạo doanh nghiệp, chưa khi nào tôi phải họp ban lãnh đạo hàng ngày, thậm chí ngày 3 lần như hiện nay, vì thị trường diễn biến quá nhanh".

Sang năm 2023, dù tình hình kinh doanh cải thiện nhưng lợi nhuận của Dabaco vẫn chỉ dừng ở mức 25 tỷ đồng. Doanh thu trong năm của công ty đạt 11.110 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Tập đoàn Dabaco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 24.562 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 569 tỷ đồng. Như vậy, kết quả sản xuất cả năm 2023, công ty mới chỉ thực hiện 4,4% so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023.

9 tháng đầu năm 2024, "đại gia" chăn nuôi Bắc Ninh ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.962 tỷ đồng, tăng 17%. Sau thuế, Dabaco báo lãi tăng gấp hơn 28 lần lên 530 tỷ đồng.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Dabaco cho biết, quý III/2024, tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu tương đối ổn định; công ty cũng nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ về kỹ thuật, quản lý và phát triển thị trường..., do vậy, lợi nhuận các đơn vị chăn nuôi tăng cùng kỳ năm trước.

Quý III/2024, ngành chăn nuôi cả nước vẫn tiếp tục chịu áp lực dịch bệnh, tuy nhiên do áp dụng các giải pháp về phòng ngừa dịch bệnh, an toàn sinh học, tiêm phòng vắc-xin... nên các công ty chăn nuôi thuộc tập đoàn đã kiểm soát được dịch bệnh.

Mặt khác giá lợn hơi trên thị trường tăng giúp cho lợi nhuận của các công ty chăn nuôi tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các hoạt động khác cũng ghi nhận tăng trưởng.

Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So: Người lính thời bình và giấc mộng tỷ USD- Ảnh 4.

Từng bên bờ vực phá sản, ông Nguyễn Như So đã chèo lái Dabaco trở thành một trong những doanh nghiệp lớn của ngành chăn nuôi với cơ cấu doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2024, Dabaco lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 25.380 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế mục tiêu 730 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Dabaco đã thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và 73% mục tiêu lợi nhuận.

Điều đáng nói là, trong nhiều năm qua, Dabaco của ông Nguyễn Như So vẫn ôm giấc mộng doanh thu tỷ USD. Nhưng thực tế, trong 3 năm gần nhất là 2021, 2022, 2023, công ty đều không thể hoàn thành mục tiêu doanh thu đề ra. Đến năm 2024, theo báo cáo tài chính quý III/2024, tức là sau 9 tháng đầu, công ty mới thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu- khá xa so với đích đến.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chu-tich-dabaco-nguyen-nhu-so-nguoi-linh-thoi-binh-va-giac-mong-ty-usd-a178961.html