Tháo gỡ nhiều khó khăn trong mua sắm, đấu thầu
Trước phản ánh tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn diễn ra ở một số bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu là một bài toán không phải giải quyết trong ngày một ngày hai.
Trong 2 năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sửa, ban hành nhiều nghị định, thông tư, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong mua sắm, đấu thầu.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, về mặt cơ sở pháp lý để đảm bảo công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra.
"Nhiều bệnh viện đảm bảo được thuốc, vật tư y tế cơ bản cho người dân", Bộ trưởng nói và nêu dẫn chứng như Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội) đã giải quyết được 95% vấn đề cung ứng thuốc cho người bệnh, còn lại 5% là vấn đề quay vòng gói thầu chưa đến thời hạn. Hoặc nguồn cung chưa có, nhưng bệnh viện vẫn giải quyết được vì vẫn có nguồn thuốc khác thay thế, đảm bảo cho người bệnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngoài cơ chế chính sách thì điều quan trọng chính là việc tổ chức thực hiện ở các bệnh viện. Các bệnh viện thực hiện đúng luật nhưng cũng cần linh hoạt và chủ động.
Bộ trưởng lấy ví dụ như Bệnh viện Y dược Tp.HCM, một năm mua mấy trăm gói thầu trị giá mấy nghìn tỷ đồng nhưng bệnh viện đã thành lập một bộ phận chuyên về đấu thầu, có người có kinh nghiệm về tài chính, kế hoạch, hỗ trợ trực tiếp cho các khoa phòng, rất chuyên nghiệp nên không có chuyện thiếu thuốc xảy ra.
Hay Bệnh viện Nhi Trung ương đã rất chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, khi thấy không có thuốc là chuyển phương án khác.
"Luật đã có quy định trong trường hợp cấp bách, ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân thì được chỉ định mua sắm khẩn cấp. Pháp luật đã đầy đủ, quan trọng là cách thức thực hiện chủ động và linh hoạt của bệnh viện", Bộ trưởng Lan cho hay.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế luôn bám sát để nắm tình hình nhưng đến thời điểm này không có bệnh viện nào báo cáo về việc thiếu nghiêm trọng thuốc và vật tư y tế.
Trước thông tin tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, chưa nhận được báo cáo của 2 bệnh viện về vấn đề này.
"Hiện nay, Bộ Y tế chưa nhận được báo cáo của bệnh viện nào về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Riêng việc thiếu thuốc ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chúng tôi sẽ yêu cầu Giám đốc các bệnh viện báo cáo sớm, nắm rõ xem nguyên nhân thiếu thuốc ở đâu, giải quyết vấn đề này thế nào", Bộ trưởng cho hay.
Người đứng đầu ngành y tế cũng cho biết, mục tiêu của Bộ là lắng nghe ý kiến phản ánh để giải quyết một cách căn cơ vấn đề thiếu thuốc, giúp người dân không phải khó khăn, vất vả khi đi khám chữa bệnh mà thiếu thuốc.
Trong Luật BHYT sửa đổi vừa được thông qua, có quy định cho phép điều chuyển thuốc, vật tư y tế giữa đơn vị này với đơn vị khác, được BHYT thanh toán. Đây là cơ chế tạo điều kiện cho các bệnh viện, cho ngành y tế từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo khi cần thuốc, vật tư y tế cho người bệnh đáp ứng được ngay.
"Luật BHYT cũng đã có quy định thanh toán cho những trường hợp người dân phải mua thuốc hiếm bên ngoài. Tuy cơ chế có nhưng các bệnh viện vẫn cần đảm bảo thuốc, vật tư y tế, tránh cho việc người dân phải ra ngoài mua thuốc, đảm bảo chất lượng điều trị", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.
Xây dựng sổ tay hướng dẫn công tác đấu thầu
Ông Nguyễn Tường Sơn- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cũng thừa nhận, trong thời gian qua, ngành y tế có tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở một số bệnh viện.
Ngoài nguyên nhân khách quan như biến động thị trường giá cả, còn có những khó khăn trong công tác áp dụng các quy định pháp luật đấu thầu trong mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Luật Đấu thầu sửa đổi, cũng như Nghị định 24 và có các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong việc xây dựng các quy định về mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Trong đó, chú ý đến quy định giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Ông Sơn cho biết, hiện nay, cơ bản khó khăn đã được tháo gỡ, tuy nhiên vẫn còn một số tình trạng thiếu hụt thuốc cục bộ ở một số bệnh viện.
"Với những quy định pháp luật đấu thầu tuy đã tháo gỡ được nhiều vấn đề nhưng Luật Đấu thầu sửa đổi có nhiều điểm mới, nên các cơ sở y tế chưa hiểu hết để vận dụng vào mua sắm", ông Tường Sơn cho hay.
Trước việc này, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội thảo, văn bản hướng dẫn cho các bệnh viện để hướng dẫn, giải quyết kịp thời để các bệnh viện vận dụng các quy định mới vào công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, vẫn còn có đơn vị e dè, quan ngại. Bộ Y tế đã có văn bản quy định các đơn vị y tế phải chịu trách nhiệm về việc thiếu thuốc, đặc biệt là người đứng đầu bệnh viện.
Ngoài ra, có một số đơn vị báo cáo khi thực hiện đấu thầu nhưng không có nhà thầu tham gia, do giá cả biến động hoặc do khan hiếm thuốc.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế tiếp tục phổ biến, hướng dẫn, tập huấn về công tác đầu thầu cho các bệnh viện.
"Đặc biệt, Bộ Y tế đang xây dựng sổ tay hướng dẫn công tác đấu thầu có tính chất thực hành hơn để đảm bảo các bệnh viện dễ áp dụng, dễ ứng dụng khi mua sắm, đấu thầu thuốc. Chúng tôi cố gắng đầu năm 2025 sẽ ban hành để các đơn vị áp dụng", ông Sơn thông tin thêm.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/bo-truong-y-te-khong-co-benh-vien-nao-bao-cao-thieu-thuoc-nghiem-trong-a178882.html