Xây dựng sức mạnh mềm văn hóa trong kỷ nguyên mới

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định vai trò tiên phong trong việc xây dựng sức mạnh mềm văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước.

Nhìn lại để tiến xa hơn

Sáng 18/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) với chủ đề: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết năm 2024 là năm mang ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, ngành VHTT&DL đã triển khai phương châm hành động: “Chủ động - Tăng tốc - Về đích”, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.

Kết quả là nhiều lĩnh vực đạt được những bước tiến nổi bật, góp phần khẳng định sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Đối với văn hóa, ngành đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 84 về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đồng thời, Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa và phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Ngành VHTT&DL:

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Kim Thoa).

Về thể thao, Việt Nam giành tổng cộng 1.214 huy chương quốc tế, trong đó có 482 huy chương vàng. Còn với du lịch, đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với năm 2023; khách nội địa đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8%.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Sức mạnh mềm văn hóa không chỉ là nền tảng mà còn là động lực để kiến tạo tương lai, đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới”.

Nhiều hoạt động văn hóa đối ngoại được triển khai thành công, với 11 văn bản hợp tác quốc tế được ký kết, 14 kế hoạch và 9 đề án về giao lưu, hợp tác quốc tế. Các sự kiện này góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Kết quả tích cực đạt được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương, cùng tinh thần đoàn kết, sáng tạo của toàn ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định không tự mãn trước thành quả, không lơ là trước thách thức, toàn ngành sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo để thực hiện các mục tiêu năm 2025 với tinh thần: Tận tụy - Chuyên nghiệp - Tinh thông - Hiện đại - Đoàn kết - Kỷ cương - Tăng tốc về đích.

"Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, là hồn cốt của dân tộc. Nhiệm vụ của toàn ngành là phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để tự tin bước vào kỷ nguyên mới", Bộ trưởng bày tỏ.

7 nhiệm vụ trọng tâm

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ VHTT&DL sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tập trung vào một số nội dung.

Thứ nhất, tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, ổn định hoạt động của Bộ VHTT&DL sau khi phương án sắp xếp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không làm gián đoạn công việc và các hoạt động bình thường khác. Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành VHTT&DL.

Xây dựng sức mạnh mềm văn hóa trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: VGP).

Thứ hai, tập trung hoàn thành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết Luật Di sản văn hóa năm 2024, bảo đảm đúng thời hạn được giao và các Nghị định về một số chế độ, chính sách, đào tạo đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, thể thao…

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo khả thi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Thứ ba, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị cốt lõi, bản sắc riêng biệt của dân tộc Việt Nam; phát huy giá trị của các di sản văn hóa.

Thứ tư, kiên trì kiến tạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, là tiền đề vững chắc để xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc".

Thứ năm, triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa, phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam có tiềm năng, có dư địa phát triển.

Khai mạc Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024Tuần lễ Du lịch Tp.HCM 2024: Chinh phục du khách bằng sự kết hợp giữa văn hóa, lịch sử và công nghệ

Thứ sáu, hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.

Tập trung chuẩn bị lực lượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan, Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 4 tại Ba-ranh, Đại hội Thể thao thế giới tại Trung Quốc và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2025.

Thứ bảy, triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng, thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch tại các thị trường nguồn trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Phấn đấu năm 2025, ngành Du lịch đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120 -130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 980.000 tỷ đồng - 1 triệu tỷ đồng.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/xay-dung-suc-manh-mem-van-hoa-trong-ky-nguyen-moi-a178444.html