Ngày 27/11, VW thông báo nhà máy và đường chạy thử xe ở khu vực này đã được bán lại cho Công ty Chứng nhận Kiểm định Phương tiện Cơ giới Thượng Hải (SMVIC), một công ty con của Tập đoàn Phát triển Lingang Thượng Hải thuộc sở hữu nhà nước, chấm dứt sự hiện diện của VW trong khu vực. Công ty không bình luận về mức giá bán.
Nhà máy này của VW vốn nằm trong khu vực của người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, từ lâu đã gây nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề nhân quyền trong khu vực. VW đã vận hành nhà máy này thông qua một liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải (SAIC) của nhà nước. Thương vụ mua bán nhà máy đã được đàm phán trong nhiều tháng, trong bối cảnh VW đã ngừng sản xuất xe tại đây từ năm 2019.
VW đã thành lập liên doanh với SAIC vào những năm 1980, đặt nền móng cho việc mở rộng của công ty sang thị trường Trung Quốc.
Theo VW, hãng và SAIC hiện đã mở rộng quan hệ đối tác thêm một thập kỷ nữa cho đến năm 2040. Là một phần của liên doanh, các đối tác có kế hoạch đưa tổng cộng 18 mẫu xe mới ra thị trường vào năm 2030, bao gồm 8 mẫu xe điện và xe lai hybrid. Trong số này, 15 mẫu sẽ được phát triển dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Đến năm 2030, tập đoàn VW mong muốn bán được 4 triệu xe mỗi năm và giành được thị phần 15% tại Trung Quốc. Năng lực sản xuất động cơ đốt trong hiện tại sẽ giảm dần và các nhà máy sẽ chuyển đổi sang xe điện.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tap-doan-o-to-volkswagen-ban-nha-may-o-tan-cuong-a178296.html