Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 16/12 đã đến Cung điện Bellevue ở Berlin để đề xuất với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier giải thể Quốc hội Liên bang (Bundestag).
Tổng thống, Nguyên thủ Quốc gia Đức, sau đó sẽ có 21 ngày để quyết định có đồng ý giải tán quốc hội hay không và triệu tập một cuộc bầu cử lập pháp mới trong vòng 60 ngày.
Việc ông Steinmeier chấp thuận giải tán quốc hội được coi là chắc chắn, và ông đã chỉ ra rằng ông đồng ý với ngày bầu cử được đề xuất là ngày 23/2 năm sau.
Tuy nhiên, dự kiến Tổng thống Đức sẽ đợi đến sau kỳ nghỉ Giáng sinh mới đưa ra quyết định, đặc biệt là vì trước tiên ông muốn đàm phán với tất cả các nhóm nghị viện trong Bundestag.
"Nhịp độ hối hả của chính trị hàng ngày và nhịp điệu của phương tiện truyền thông hiện không quyết định thủ tục, nhưng Hiến pháp và các quy tắc trong đó thì có", Tổng thống Đức nói với đài ARD tuần trước.
Trước đó, hôm 16/12, Thủ tướng Scholz và chính phủ liên minh thiểu số của ông đã thua trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Bundestag.
Khoảng 394 nhà lập pháp đã bỏ phiếu chống lại chính phủ, với 207 phiếu thuận. 116 người khác bỏ phiếu trắng. Điều này khiến ông Scholz không đạt được đa số 367 phiếu cần thiết để giành chiến thắng.
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra sau khi Đảng Dân chủ Tự do (FDP) rời khỏi chính phủ liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) của ông Scholz và Đảng Xanh (Greens) sau những tranh cãi về ngân sách.
Đây là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ đầu tiên ở Đức sau gần 2 thập kỷ, và trước khi phiếu được bỏ, ông Scholz đã được dự đoán rộng rãi là sẽ không vượt qua cuộc bỏ phiếu, mở đường cho cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn ở nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Ông Scholz đã yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần trước, viện dẫn Điều 68 của Luật cơ bản, như là cách khả thi duy nhất hiện tại để kích hoạt các cuộc bầu cử sớm. Các đảng đối lập lớn từ lâu đã kêu gọi điều này.
Mặc dù về mặt lý thuyết, ông Scholz có thể tiếp tục điều hành chính phủ Đức mà không cần đa số, nhưng điều đó sẽ không thể duy trì về mặt chính trị vì Bundestag sẽ không thể thông qua luật.
Ngay cả sau khi Bundestag giải thể, quốc hội vẫn hoạt động. Thủ tướng Liên bang, chính phủ và các Bộ trưởng cũng sẽ vẫn tại vị cho đến khi Bundestag mới bầu ra Thủ tướng mới vào năm tới.
Trước đây, đã có 5 lần trong lịch sử nước Đức diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Minh Đức (Theo DW, Xinhua)
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/thu-tuong-duc-de-xuat-giai-tan-quoc-hoi-chuan-bi-bau-cu-som-a178284.html