'Bầu trời - Trường đại học của tôi': Hồi ức của một phi công

(Chinhphu.vn) - Ngày 14/12, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), chương trình ra mắt sách "Bầu trời - Trường đại học của tôi" và giao lưu cùng Anh hùng Phi công, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã diễn ra tại Hội trường Bảo tàng Phòng không - Không quân, 173C Trường Chinh, Hà Nội.

'Bầu trời - Trường đại học của tôi': Hồi ức của một phi công - Ảnh 1.

Cuốn sách "Bầu trời - Trường đại học của tôi" do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành

Cách đây 4 năm, vào dịp 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã quyết định xuất bản cuốn sách "Nhật ký phi công tiêm kích". Tháng 12/2024, ông tiếp tục cho ra mắt bạn đọc Hồi ức "Bầu trời - Trường đại học của tôi". Cuốn sách đi sâu vào câu chuyện "đời bay" một của phi công chiến đấu huyền thoại của Không quân Nhân dân Việt Nam, cùng với những mảnh ký ức sâu đậm, tràn đầy tình cảm về quê hương - gia đình - bạn bè.

Thông qua cuộc đời lao động và chiến đấu của phi công Nguyễn Đức Soát, bạn đọc không chỉ đồng hành với ông trong những trận không chiến đã trở thành mốc son trong lịch sử quân sự Việt Nam, mà còn được biết thêm những câu chuyện đầy tinh thần nhân văn về giai đoạn hậu chiến - hòa giải giữa các phi công Mỹ - Việt Nam- những người từng là cừu địch. Đồng thời, trong sách còn có những câu chuyện nghề nghiệp mang tính "kỹ thuật" trong thời bình, như ông vẫn quan niệm và ví von bầu trời như trường đại học lớn của cuộc đời mà ông không ngừng học tập và không thể tách mình ra khỏi.

Những dòng hồi ức về chuyện đời, chuyện nghề của anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát tràn đầy cảm hứng, say mê, luôn được dung dưỡng trong một tình cảm lớn với Tổ quốc, song vẫn đậm đà tình nghĩa quê hương son sắt thủy chung, thực sự khơi gợi động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng lao động, sáng tạo trong thời kỳ hòa bình, ổn định của đất nước.

'Bầu trời - Trường đại học của tôi': Hồi ức của một phi công - Ảnh 2.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (giữa) giao lưu tại sự kiện. Ảnh: VGP/Minh Thúy

"Nhiều người cho rằng nghề nghiệp chỉ là một phần cuộc đời của chúng ta. Từ đáy lòng, tôi không quan niệm như vậy. Bởi, từ khi đã trở thành phi công, tôi không thể tách mình khỏi bầu trời, tưởng như bầu trời đã là môi trường sống thứ hai của mình vậy" - Trung tướng, Anh hùng Phi công Nguyễn Đức Soát nói.

Tại sự kiện, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói ông đến đây để chúc mừng tác giả, đồng thời để được chạm vào da thịt một thần tượng và mang theo một lời mời ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

"Sau chiến tranh, tất cả những người Mỹ luôn tìm hiểu lý do gì mà họ thất bại trong cuộc chiến tranh, khi họ đến Việt Nam, đến bảo tàng, họ muốn tìm hiểu bí ẩn nào, ẩn khuất nào làm nên chiến thắng đó… Cuốn sách này đã hé lộ một phần, điều làm nên sức mạnh không quân Việt Nam"- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Thi tìm hiểu 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày truyền thống Tổng cục Chính trịTái bản sách về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng chia sẻ: "Thay mặt thế giới chúng tôi đang sống, tôi muốn bày tỏ sự biết ơn với những người anh hùng, những người lính, những người còn sống, những người đang hiện diện tại đây, những người đã khuất, những người đã bay lên mây trắng trời xanh".

Tại sự kiện, Đại tá, cựu phi công anh hùng Lê Thanh Đạo, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao chia sẻ: "Tôi có 9 năm cùng học bay và cùng chiến đấu trong một trung đoàn không quân với Nguyễn Đức Soát, từ năm 1965 đến 1974. Khi là học viên bay, chúng tôi bay cùng trong một tổ bay và có chung thầy giáo dạy bay trên cả máy bay L-29 và MIG-21. Nguyễn Đức Soát là một học viên bay tốt. Anh thường được bay đơn rất sớm. Trong chiến đấu, anh là một phi công xuất sắc, không chỉ bắn rơi 6 máy bay Mỹ mà còn chỉ huy biên đội bắn rơi 3 chiếc khác. Tôi rất nể phục khả năng xạ kích của anh. Nhờ dày công tập luyện nên khi xung trận, không thể nói anh bắn "bách phát bách trúng", song trong nhiều trận không chiến, khi anh đã phóng tên lửa hầu như tên lửa đều trúng mục tiêu là các máy bay Mỹ".

Minh Thúy


Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/bau-troi-truong-dai-hoc-cua-toi-hoi-uc-cua-mot-phi-cong-a178227.html