Xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc có diện tích nhà màng, nhà lưới nhiều nhất tỉnh. Sản xuất trong nhà màng, nhà lưới đều ứng dụng công nghệ cao công nghệ số nên mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên số kinh phí để đầu tư xây dựng cũng cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống.
Tại huyện Gia Lộc, số hộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới tập trung nhiều nhất tại Hợp tác xã Tân Minh Đức với 189 thành viên, trong đó 110 hộ sản xuất ứng dụng công nghệ cao có tổng diện tích là 45ha. Được biết các hộ gia đình ở đây bắt đầu sản xuất ứng dụng công nghệ cao từ năm 2018, phát triển mạnh nhất vào năm 2021. Các sản phẩm chủ yếu là dưa chuột, dưa lưới, ớt chuông và cà chua. Trung bình mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ dưa lưới, 1 vụ dưa chuột và các sản phẩm khác. Mỗi sào cho người dân thu hoạch khoảng 60 đến 100 triệu đồng/năm. Trong các nhà màng sản xuất đều được ứng dụng tưới nhỏ giọt tự động bằng điện thoại và kiểm tra qua camera. Các kỹ thuật pha phân bón, tạo ngọt, kiểm tra cây, kích cỡ quả, các kỹ thuật đều ứng dụng số và tự động hóa. Chính vì vậy sản phẩm luôn đảm bảo về chất lượng khi tiêu thụ và xuất khẩu.
Cơn bão số 3 đã làm toàn bộ nhà màng, nhà lưới của Hợp tác xã bị sập hoàn toàn 30ha, còn lại đều bị hư hỏng, ước thiệt hại 180 tỷ đồng. Các hộ gia đình không chỉ bị thiệt hại về cơ sở vật chất mà toàn bộ cây trồng trong nhà màng cũng phải phá bỏ để trồng lại. Nhiều gia đình bị thiệt hại đến 20 tỷ đồng.
Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức cho biết, ngay sau bão hợp tác xã đã huy động các thành viên tập trung khắc phục hậu quả để ổn định sản xuất. Đến nay toàn bộ diện tích nhà màng, nhà lưới đã được phục hồi và đang sản xuất. Nhiều gia đình bắt đầu cho thu hoạch như gia đình anh Phùng Danh Út đã thu hoạch được 60% diện tích đạt trên 20 tấn với giá bán 35.000 đồng/kg dưa lưới, ngoài ra các sản phẩm trong nhà màng, nhà lưới cũng đang phát triển tốt. Ông Hoàng Anh Thư cũng cho biết để sớm phục hồi sản xuất Hợp tác xã đã phải huy động nhiều tốp thợ ở nhiều tỉnh thành đến xây dựng mới sớm đưa vào sản xuất như hiện nay.
Ông Bùi Đức Tòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đoàn Thương cho biết, toàn xã đã khôi phục được 90% diện tích nhà màng, nhà lưới và đang đưa vào sản xuất. Chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực cũng như phối hợp với các gia đình tìm thợ để sửa chữa nhà màng nhà lưới tại xã. Toàn xã đã có 3 hộ gia đình thu nhập lại được, 3 hộ đề nghị hoãn trả nợ, nhiều hộ gia đình không những phục hồi mà còn mở rộng diện tích sản xuất. Với những hộ gia đình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới cho thu nhập cao hơn sản xuất truyền thống 5 đến 6 lần.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, toàn tỉnh có trên 91 ha nhà màng, nhà lưới, tập trung ở các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Cây trồng trong nhà màng, nhà lưới chủ yếu là dưa lưới, dưa Kim, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột, rau, hoa và các vườn ươm cây giống. Sản xuất trong nhà màng, nhà lưới né tránh được bất thuận của thời tiết, hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm sản xuất an toàn. Trong nhà màng, nhà lưới đều áp dụng trồng cây trong bầu bằng các giá thể, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, cung cấp phân bón qua hệ thống tưới, sử dụng quạt thông gió để điều hòa nhiệt độ,…Hiện nay, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới đã cho nhiều gia đình thu nhập từ 300-700 triệu đồng/năm, vì vậy Hải Dương trở thành tỉnh dẫn đầu toàn vùng Đồng bằng sông Hồng về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Để có được kết quả như vậy, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã ban hành Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với nhiều chính sách hỗ trợ nhà màng nhà lưới sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Năm 2020 toàn tỉnh có 21,5 ha diện tích nhà màng, nhà lưới. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục ban hành Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030" và có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Thống kê cho thấy, diện tích nhà màng tỉnh Hải Dương tăng đột biến từ 21,5 ha năm 2020 lên 91 ha năm 2024. Dự kiến còn tăng nhanh do hiệu quả kinh tế cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đánh giá sản xuất trong nhà màng trong các năm tới sẽ mang lại cho người nông dân trong tỉnh 120 – 200 tỷ đồng, tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động làm nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, phần lớn nhà màng, nhà lưới của tỉnh đã cơ bản phục hồi và đưa vào sản xuất sau ảnh hưởng của bão dự kiến cho thu nhập cao với nhiều hộ gia đình.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nha-mang-nha-luoi-o-hai-duong-phuc-hoi-san-xuat-sau-bao-a177724.html