Tràn lan hàng giả, hàng lậu
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, hoạt động TMĐT ở Việt Nam có tốc độ phát triển khá nhanh, trung bình từ 25-30%/năm, với doanh thu năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng trưởng 25%/năm, dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt hơn 56 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, top 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh chóng của các sàn TMĐT cũng mang lại nhiều rủi ro về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Với hình thức mua sắm thuận tiện, chỉ bằng các thao tác đơn giản tại nhà, người tiêu dùng có thể mua sắm mọi sản phẩm từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm đến đồ dùng, nội thất, đồ điện tử… Tuy nhiên, việc mua hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không còn là chuyện lạ.
Vốn là một người thường xuyên sử dụng sàn TMĐT và có nhiều kinh nghiệm mua hàng, tuy nhiên chị Thu Hà (23 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết vẫn gặp phải việc mua hàng nhái.
“Việc mua hàng trên các sàn TMĐT cũng khá rủi ro vì không có nhiều khâu quản lý, kiểm tra sản phẩm. Với mức giá rẻ và thuận lợi, bản thân mình coi đây là việc không thể tránh khỏi được. Tuy nhiên những sản phẩm như mỹ phẩm, hàng cao cấp thì mình sẽ lựa chọn mua tại cửa hàng cho yên tâm”, chị Hà chia sẻ.
Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), lĩnh vực TMĐT 9 tháng năm 2024 lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 2.207 vụ, phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự. Đồng thời xử phạt vi phạm hành chính gần 35,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 29,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương cho biết với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, phần lớn các đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng.
Nhiều đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian, đăng sản phẩm trên website nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời. Đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước.
“Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên khó phát hiện”, ông Linh cho biết.
Trong số các mặt hàng vi phạm, không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tội phạm trực tuyến - những hệ lụy nguy hiểm
Bên cạnh vấn nạn hàng giả, hàng nhập lậu, các sàn TMĐT hiện đang trở thành “vùng đất” để các đối tượng tội phạm mạng ở Việt Nam lợi dụng và thực hiện nhiều hành vi lừa đảo khác nhau.
Tiến sĩ Joshua Dwight, giảng viên Đại học RMIT và nghiên cứu viên chuyên về gian lận kỹ thuật số, cảnh báo rằng tội phạm mạng sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau để lợi dụng các nền tảng thương mại điện tử.
"Chúng có thể tạo trang web giả mạo có giao diện giống hệt và vẫn kết nối bạn tới trang thương mại điện tử thật. Trang web giả vừa chuyển tiếp thông tin của bạn đến nền tảng mua sắm thật để hoàn tất các giao dịch hợp pháp, vừa ngầm thu thập dữ liệu của bạn để thực hiện các hành vi lừa đảo trong tương lai", ông Dwight giải thích.
Ngoài cách dùng giao diện lừa đảo như trên, kẻ xấu có thể tấn công trực tiếp vào các nền tảng thương mại điện tử. Chúng có thể phát động các cuộc tấn công từ chối dịch vụ để “đánh sập” trang web hoặc chèn mã độc hại để khai thác lỗ hổng bảo mật của nền tảng mua sắm.
Tiến sĩ Dwight bổ sung rằng ngay cả các hệ thống quảng cáo cũng có thể bị xâm phạm. Theo đó, các nền tảng đôi khi vô tình chứa chấp các quảng cáo độc hại thoạt nhìn có vẻ an toàn nhưng lại dẫn người dùng tới các trang web lừa đảo.
Nhiều tổ chức, chẳng hạn như các nền tảng mạng xã hội, không tiến hành thẩm định đối với các “đơn vị tiếp thị" để xác minh xem họ có phải là công ty thật hay không, mà chỉ tập trung vào bán quảng cáo.
Tại Việt Nam, cảnh báo an toàn thông tin hàng tuần của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho thấy thực tế đáng báo động: phần lớn các trang web lừa đảo được phát hiện hàng tuần là các nền tảng ngân hàng hoặc thương mại điện tử giả mạo.
Ông Dwight cho rằng đây có thể không phải là những sự vụ riêng lẻ mà là hành động của các tổ chức tội phạm có hệ thống, được công nghệ hỗ trợ.
Đáng chú ý trong thời gian qua, lợi dụng nhu cầu tìm việc của người lao động tăng cao, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tuyển dụng gắn mác xuất khẩu lao động sang Campuchia với chiêu bài "việc nhẹ lương cao".
Các bài tuyển dụng lao động sang làm việc tại Campuchia.
Điển hình như, hoạt động bóc lột sức lao động, cưỡng đoạt tài sản thậm chí bị đe dọa đến tính mạng và buộc gia đình nạn nhân phải nộp số tiền chuộc rất lớn mới được thả về nước. Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng loại hình tội phạm này vẫn đang tiếp diễn hàng ngày.
Hiện tượng ép nạn nhân buôn người làm việc cho các tổ chức lừa đảo là một vấn đề liên quan mà ông Dwight đang nghiên cứu cùng một tổ chức phi lợi nhuận.
Đây là loại tội phạm đang gia tăng ở Đông Nam Á, khi nhiều kẻ xấu sử dụng các trang web việc làm và mạng xã hội để thu hút và tuyển dụng người lao động bằng các công việc giả mạo.
Sau đó, nạn nhân bị buôn người đến các địa điểm ở Myanmar và Campuchia, và bị ép thực hiện các hành vi tội phạm mạng, bao gồm lừa đảo thương mại điện tử và những hành vi khác.
Điều khiến những tội ác này đặc biệt nghiêm trọng là tác động leo thang mà chúng gây ra. Tiến sĩ Dwight giải thích rằng có thể có thiệt hại thứ cấp đáng kể, khi mà một vụ lừa đảo trực tuyến đơn thuần có thể nhanh chóng chuyển thành tội ác nghiêm trọng hơn như buôn người, lao động cưỡng bức, rửa tiền và thậm chí là bạo hành thể xác.
Nan giải "bài toán" quản lý
Việc ngăn chặn lừa đảo cũng chính là một thách thức lớn cho các nền tảng TMĐT. Theo đó, ông Dwight cho biết các sàn TMĐT đang đứng giữa lựa chọn chấp nhận tổn thất tiềm ẩn do lừa đảo, hay chịu nguy cơ mất khách hàng bằng cách triển khai các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa các trang web thương mại điện tử, bất kỳ rào cản nào trong hành trình mua hàng đều có thể ngăn khách hàng hoàn tất giao dịch.
Ông Dwight đề xuất cách tiếp cận với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Các đơn vị bán hàng cần tăng cường năng lực xác định và giảm thiểu rủi ro. Quy trình xác minh danh tính đặc biệt quan trọng, mặc dù điều này vẫn còn là thách thức ở các thị trường nơi tốc độ áp dụng công nghệ số đang vượt xa năng lực của cơ sở hạ tầng bảo mật.
"Một số trang web bán hàng cho phép khách thanh toán mà không cần đăng nhập, còn một số khác thì yêu cầu tạo tài khoản.
Nhưng ngay cả khi có yêu cầu tạo tài khoản, kẻ gian vẫn có thể sử dụng thẻ SIM và thông tin đánh cắp để tạo tài khoản giả mà các nền tảng không đoái hoài hoặc không có khả năng xác minh với chính chủ”, ông nhận xét.
Đối với người dùng, Tiến sĩ Dwight nhấn mạnh họ phải thật cảnh giác, đặc biệt ở các thị trường Đông Nam Á nơi chưa có khuôn khổ bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu thực sự chặt chẽ.
"Kẻ xấu chỉ cần có địa chỉ, họ tên đầy đủ và số điện thoại của bạn là đã có thể gây ra khá nhiều tổn hại. Hãy cố gắng không chia sẻ thông tin của bạn nếu không cần thiết và luôn xác minh các đường link trước khi nhấp vào", ông cảnh báo.
Các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật trong khu vực cũng đang phải đối mặt với những thách thức riêng.
"Rất khó để các cơ quan thực thi pháp luật ở Đông Nam Á xử lý những loại tội phạm trên vì có nhiều hành vi diễn ra ở quy mô nhỏ và xuyên biên giới", ông Dwight nói và cho biết, điều này đặt ra yêu cầu tăng cường hợp tác khu vực và chuẩn hóa các giao thức để ứng phó với tội phạm mạng.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/mat-toi-cua-bung-no-thuong-mai-dien-tu-tai-viet-nam-a177293.html