Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, một sản phẩm quan trọng của việc kết nối vùng trong lĩnh vực y tế năm 2024 chính là sự đồng thuận về các giải pháp giúp xây dựng mạng lưới phòng, chống ung thư quy mô vùng, từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở.
Lãnh đạo các Sở Y tế khẳng định, việc xây dựng một mạng lưới phòng, chống ung thư theo quy mô vùng là vô cùng quan trọng và cấp thiết nhằm triển khai kế hoạch phòng, chống ung thư từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mạng lưới này có ý nghĩa lớn trong việc chăm sóc người bệnh từ giai đoạn tầm soát sớm, khi chưa có triệu chứng, phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ ung thư, chẩn đoán chính xác và kịp thời, áp dụng điều trị đa mô thức… cho đến việc chăm sóc người bệnh ở giai đoạn cuối và cung cấp dịch vụ điều trị giảm nhẹ tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới phòng, chống ung thư theo ba cấp chuyên môn kỹ thuật, cụ thể:
Cấp ban đầu: Tập trung nâng cao nhận thức về phòng ngừa ung thư trong cộng đồng, nhận diện các dấu hiệu phát hiện sớm bệnh ung thư, đồng thời đảm nhận công tác chăm sóc bệnh nhân ung thư sau điều trị và cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ở giai đoạn cuối.
Lực lượng y tế tham gia bao gồm bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có điều trị nội trú, trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực có giường bệnh, và mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.
Cấp cơ bản: Thực hiện tầm soát, phát hiện sớm, khám, chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý ung thư cơ bản cho người dân tại địa phương; đào tạo thực hành ung thư tổng quát và đào tạo liên tục chuyên ngành ung bướu.
Lực lượng y tế tham gia bao gồm bác sĩ chuyên khoa (nội khoa, ngoại khoa, ung bướu, chăm sóc giảm nhẹ, dinh dưỡng…), điều dưỡng, kỹ thuật viên tại các bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế có giường bệnh.
Cấp chuyên sâu: Điều trị bệnh lý ung thư bằng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị cho người bệnh, đồng thời rút ngắn khoảng cách về các kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị ung thư với các nước trong khu vực; thực hiện công tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật khám, chữa bệnh ung thư; hợp tác quốc tế, thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu phát triển các kỹ thuật điều trị mới về ung thư.
Lực lượng y tế tham gia bao gồm bác sĩ chuyên khoa ung bướu, điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên khoa ung bướu tại bệnh viện ung bướu tỉnh, thành và các bệnh viện thuộc Bộ, ngành.
Theo thỏa thuận, Sở Y tế của mỗi tỉnh, thành sẽ căn cứ vào mô hình bệnh tật và tình hình thực tế tại địa phương để chủ động xác định cấp chuyên môn kỹ thuật cần củng cố và phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Các tỉnh, thành sẽ xây dựng kế hoạch và các hoạt động triển khai cụ thể cho từng cấp chuyên môn kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực điều trị ung thư của cơ sở khám, chữa bệnh, bao gồm củng cố và hoàn thiện năng lực của các cơ sở khám, chữa bệnh; đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên khoa ung thư.
Các nội dung hợp tác sẽ phát huy nguồn lực sẵn có của từng địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng của từng địa phương, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định chuyên môn và phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh của Bộ Y tế.
Các bệnh viện thuộc Bộ, ngành, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối và các chuyên gia ung thư của TP Hồ Chí Minh sẽ tham gia hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật theo nhu cầu của các địa phương. Sở Y tế các tỉnh, thành sẽ phối hợp để đề xuất và kiến nghị Bộ Y tế cho phép hình thành mạng lưới phòng, chống ung thư vùng, đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho mạng lưới này.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/31-tinh-thanh-dong-thuan-xay-dung-mang-luoi-phong-chong-ung-thu-quy-mo-vung-a177237.html