Tại Hội nghị BĐS Việt Nam 2024 sáng 3/12, ông Bạch Dương - Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá sau 30 năm hình thành và phát triển, thị trường BĐS Việt Nam đã trở thành động lực quan trọng cho nền kinh tế.
Theo đó, thị trường BĐS Việt Nam 30 năm qua có thể chia thành năm giai đoạn chính gồm Khởi đầu (trước 2009), Định hình (2009 – 2012), Tăng trưởng (2013 – 2019), Biến động (2020 – 2021) và Thách thức (2022 – 2024).
Ông Bạch Dương nhận định biến động vĩ mô luôn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành các chu kỳ của thị trường BĐS Việt Nam.
"Thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua hành trình đi từ lượng đến chất, từ sơ khai đến "tuổi 30" trưởng thành, vững chãi hơn nhưng vẫn cần vượt qua các thách thức hiện hữu để hoàn thiện và ổn định", ông Dương chia sẻ.
BĐS là kênh đầu tư ưa thích hàng đầu
Năm 2024 ghi nhận mức quan tâm lớn đến các vấn đề về giá bán và khó khăn khi sở hữu BĐS. Số liệu từ Global Property Guide cho thấy giá bán BĐS Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng so với thế giới.
Cụ thể, tăng trưởng giá 5 năm của Việt Nam đạt mức 59%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ (54%), Úc (49%), Nhật Bản (41%), Singapore (37%)…
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, kinh tế, quản lý thuế và xã hội là 3 yếu tố chính tác động đến giá BĐS.
Ông Quốc Anh đánh giá: "Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế đầu người, lạm phát mạnh mẽ. Đồng thời, môi trường lãi suất và hiệu quả đầu tư các kênh trong nước đều củng cố nhu cầu mua BĐS của người tiêu dùng".
Cụ thể, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện ở mức 34,8%, cao hơn trung bình thế giới (20,8%) và các nước đang phát triển (22%). Mặt khác, lạm phát tại Việt Nam cũng ở mức cao hơn so với trung bình các nước.
Với lượng tiền tích trữ, người Việt Nam có một số kênh đầu tư chính như thị trường tài chính, BĐS, vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm.
Trong khi kênh đầu tư vàng nhiều biến động, rủi ro và có chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới; Kênh ngoại tệ và gửi tiết kiệm có lợi suất ở mức khá thấp, chỉ trong khoảng 9 – 13%/2 năm.
Do đó, BĐS được đánh giá là kênh đầu tư có lợi suất tốt nhất tại Việt Nam trong 10 năm qua với tỉ suất lợi nhuận của loại hình chung cư đạt 197% và đất nền đạt 137% vào quý IV/2024 so với quý I/2015.
Yếu tố thứ hai mà ông Quốc Anh nêu ra là quản lý với thuế vừa là nguồn thu, vừa là công cụ quản lý thị trường.
Dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy tỉ trọng thuế BĐS trong GDP theo quốc gia của Việt Nam đang ở mức (0,03%) thấp hơn hẳn so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Singapore (1,5%), Nhật Bản (2,6%), Hàn Quốc (4%).
Theo ông Quốc Anh, tham khảo từ một số quốc gia nổi bật trên thế giới, có thể thấy thuế BĐS được sử dụng làm chính sách quản lý thị trường và tối ưu nguồn thu.
Tuy nhiên, trước khi áp dụng, nhiều thách thức về lý thuyết và vận hành cần được cân nhắc. Điểm nhìn cho Việt Nam nằm ở việc tồn tại nhiều thách thức từ lý thuyết đến áp dụng thuế BĐS phù hợp.
Người trẻ Việt thời nào cũng khó mua nhà
Theo lãnh đạo của Batdongsan.com.vn, yếu tố xã hội cũng là động lực chính khiến giá BĐS tăng cao. Nguyễn do bởi dân số và tốc độ đô thị hóa của Việt Nam cho thấy nhiều cơ hội cho tăng trưởng nhu cầu BĐS.
"Xu hướng gia đình nhỏ hơn cũng thúc đẩy nhu cầu mua BĐS cho thế hệ sau thừa kế và hành trình tự sở hữu nhà của người trẻ. Ngoài ra, về mặt văn hóa, người Việt Nam có nguyện vọng lớn với việc sở hữu BĐS trong đời", ông Quốc Anh nêu.
Dẫn dữ liệu của Batdongsan.com.vn, so sánh lương trung bình và giá nhà của thời xưa – nay, có thể thấy không riêng Gen Z hiện nay mà người trẻ Việt, dù ở thời buổi nào cùng gặp không ít khó khăn trong việc tự mua nhà.
"Một cá nhân thuộc thế hệ 7x mất khoảng 31,3 năm thu nhập để mua được một căn chung cư, số năm thu nhập để một cá nhân thuộc thế hệ 8x mua được căn hộ như trên là 22,7 năm và một cá nhân 9x cần 25,8 năm thu nhập để mua căn hộ trên.
Tuy số năm thu nhập và lãi suất đã giảm dần theo thời gian nhưng nhìn chung, người trẻ thuộc các thế hệ vẫn cần nỗ lực trong thời gian dài mới có thể tự sở hữu nhà", vị chuyên gia nhận xét.
Dù vậy, theo lãnh đạo của Batdongsan.com.vn, người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung vẫn kỳ vọng cao về việc sở hữu BĐS trong đời, với các lý do phổ biến gồm lợi suất cao và ổn định, thị trường tài chính chưa phát triển, sự công nhận từ xã hội và tài sản – nơi sinh sống cho gia đình.
Đáng chú ý, Việt Nam lọt top quốc gia có tỉ lệ sở hữu BĐS cao nhất thế giới với 90%, cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore (88%), Indonesia (84%) và cao hơn Mỹ (66%), Úc (66%)...
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/gia-bds-viet-nam-tang-truong-than-toc-vuot-qua-my-uc-nhat-singapore-ve-toc-do-a176694.html