Chuyên gia điểm danh 3 nhóm ngành dẫn sóng chứng khoán cuối năm

Chuyên gia chứng khoán đánh giá xu hướng chung của thị trường chứng khoán vẫn là phục hồi khi các yếu tố rủi ro như tỉ giá, căng thẳng thanh khoản ngắn hạn dần hạ nhiệt.

Nối tiếp đà phục hồi cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng điểm tích cực và VN-Index đã lấy lại được mốc 1.250 điểm khi kết tháng 11. Dù thanh khoản chưa quá sôi nổi nhưng áp lực bán đã giảm rõ rệt, thể hiện tâm lý nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại.

Kết tuần, VN-Index tăng 22,36 điểm so với tuần trước, tương ứng 1,82% lên mức 1.250,46 điểm, HNX-Index tăng 1,51% lên 224,64 điểm.

Khối ngoại cũng ngưng đà bán và đảo chiều sang mua ròng nhẹ suốt tuần qua cũng là tín hiệu tích cực đáng chú ý. Nhà đầu tư mua ròng 1.140 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó mua ròng 1.026 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 90 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 299 tỷ đồng trên UPCoM.

Trong đó, nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM với giá trị 868 tỷ đồng, mã FPT cũng bị khối ngoại "xả" bán ròng 40 tỷ đồng. Ông lớn ngành công nghệ FPT được mua ròng mạnh nhất với 1.272 tỷ đồng, trong bối cảnh mã này phá đỉnh lần thứ 36 chỉ tính riêng trong năm nay.

Chuyên gia điểm danh 3 nhóm ngành dẫn sóng chứng khoán cuối năm- Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số VN-Index trong 5 phiên gần đây (Nguồn: TradingView).

Đà hồi phục của thị trường được hỗ trợ bởi những thông tin vĩ mô tích cực trong nước và quốc tế. Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường CTCK VNDirect, diễn biến tích cực được hỗ trợ bởi áp lực tỉ giá phần nào hạ nhiệt trong tuần qua, khi chỉ số DXY điều chỉnh về quanh mức 106 sau khi đồng Yên tăng mạnh do kỳ vọng Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản sẽ tiến hành tăng lãi suất trong các cuộc họp tới sau thông tin lạm phát nước này vượt mốc 2%.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cũng giảm xuống dưới 5% sau những động thái hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Thông tin về tăng trưởng tín dụng đạt 11,12% tính đến ngày 22/11, củng cố cho triển vọng tăng trưởng tín dụng năm nay đạt mức 14-15%, qua đó hỗ trợ cho triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong quý cuối năm.

Thông tin tích cực khác bao gồm việc Quốc hội đưa phân bón quay lại chịu thuế giá trị gia tăng 5% và khối ngoại quay trở lại mua ròng đã thúc đẩy xu hướng phục hồi trên diện rộng của nhiều nhóm ngành.

Bước sang tháng 12, ông Hinh kỳ vọng xu hướng chung của thị trường vẫn là phục hồi khi các yếu tố rủi ro như tỉ giá, căng thẳng thanh khoản ngắn hạn dần hạ nhiệt.

Chuyên gia dự báo thời điểm vàng kết thúc chu kỳ tăng giá

Điều này đến từ kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 12 tới và nguồn cung USD trong nước cải thiện đáng kể dịp cuối năm. Thông thường, các doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại vào dịp cuối năm để phục vụ mua sắm hàng hóa trong nước, trả lương thưởng cho người lao động,…

Điều này cùng với giải ngân vốn FDI duy trì xu hướng tích cực và lượng kiều hối chảy về nước dịp cuối năm sẽ giúp hạ nhiệt áp lực tỉ giá.

Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể chuyển hướng sang các mục tiêu khác là hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng tín dụng nhằm tiến tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng tham vọng trong năm nay là 15%.

Nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu và dòng tiền chảy vào nền kinh tế thực chất sẽ là cú huých lớn cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn tháng 12 và đầu năm tới.

Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu, xây dựng danh mục đầu tư cho năm tới, ưu tiên các nhóm ngành được kỳ vọng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV như công nghệ, logistic, xuất khẩu như dệt may, thủy sản và ngân hàng.

Chuyên gia điểm danh 3 nhóm ngành dẫn sóng chứng khoán cuối năm- Ảnh 2.

Diễn biến giao dịch của khối ngoại.

Còn ông Bùi Văn Huy - Giám đốc điều hành CTCK DSC chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, thông thường tháng 12 là tháng có tỉ suất lợi nhuận tốt trong 10 năm gần đây, chỉ có năm 2014 và 2018 là thị trường giảm điểm trong tháng 12.

"Tuy nhiên cần lưu ý, tháng 11 thông thường cũng là tháng thị trường khá khỏe, nhưng năm nay tháng 11 lại giảm điểm. Nhìn chung quanh năm mới là thời điểm thị trường có sóng", chuyên gia DSC nhận định.

Về các chủ đề đầu tư đón sóng năm mới, ông Huy đưa ra 5 lựa chọn: đà phục hồi của nền kinh tế, câu chuyện đầu tư công, kỳ vọng nâng hạng thị trường và kỳ vọng từ thay đổi về Luật, hành chính.

Do đó ba nhóm ngành Ngân hàng, Thép, Chứng khoán và một số doanh nghiệp sản xuất có đà phục hồi lợi nhuận bền vững được khuyến nghị ưu tiên trong danh mục 2025.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chuyen-gia-diem-danh-3-nhom-nganh-dan-song-chung-khoan-cuoi-nam-a176527.html