Những ngày cận Black Friday, tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội hay trên các tuyến phố mua sắm sầm uất như Cầu Giấy, Chùa Bộc, Trần Duy Hưng,... các cửa hàng kinh doanh thời trang, giày dép, mỹ phẩm đều đã treo bảng giảm giá "sập sàn".
Hàng loạt những biển quảng cáo, băng rôn với những chương trình ưu đãi "khủng" được các thương hiệu đầu tư như: "giảm 90%", "sale sốc 80%", "Black Friday từ 6K", "mua 1 tặng 1",...
Song lượt khách thực tế tại các cửa hàng này lại không được như kỳ vọng, các cửa hàng, trung tâm thương mại đều khá vắng khách và không nhận được nhiều sự quan tâm.
Hàng loạt những biển quảng cáo, băng rôn giảm giá dịp Black Friday (Ảnh: Thanh Loan)
Tại trung tâm thương mại Vincom, anh Hồng Quân - quản lý tại một cửa hàng thời trang nam cho biết dù đã giảm giá lên đến 50%, áp dụng chương trình đồng giá, quà tặng, combo khác nhau nhưng vẫn không thu hút được quá nhiều khách hàng.
"Bên mình chạy chương trình được 1 tuần nhưng đánh giá chung thì lượng khách không có quá nhiều thay đổi và vẫn tập trung mua vào sắm buổi tối. Điều này có thể đến từ việc khách hàng đã chuyển đổi thói quen mua sắm sang hình thức trực tuyến", anh Quân giải thích thêm.
Là một người thường xuyên mua sắm và thường chi khoảng 40% thu nhập cho việc này nhưng chị Phạm Xuân (22 tuổi, Hai Bà Trưng) cho biết cũng không quá quân tâm đến Black Friday.
"Thực chất các mặt hàng dịp Black Friday so với ngày thường cũng không được giảm quá nhiều, mẫu mã cũng không được đẹp, vốn là hàng tồn kho từ các mùa trước. Thay vào đó, tôi sẽ lựa chọn hình thức mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, vừa tiện lợi lại có nhiều mẫu mã và sự so sánh về mức giá:", chị Xuân chia sẻ.
Black Friday vốn là một dịp để khách hàng có thể "săn" được những sản phẩm yêu thích với mức giá rẻ hơn ngày thường. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu cũng tận dụng ngày này để "xài chiêu" như: tăng giá rồi giảm giá; đẩy hàng tồn kho, hàng lỗi mốt; chỉ giảm một số mặt hàng nhất định... Vì vậy, nhiều khách hàng bày tỏ không còn tin vào những con số giảm giá trên quảng cáo.
Chị Tâm (nội trợ, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ mấy năm nay đã không còn "săn sale" ngày Black Friday do cảm thấy không thiết thực. Chị cho biết lý do chính đến từ việc kinh tế khó khăn, gia đình phải thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, chị chỉ sử dụng tiền cho những gì thật sự cần thiết.
Vốn không quan tâm tới Black Friday từ trước đến nay, anh Hà Nam Dương (quận Nam Từ Liêm) cho biết: "Gọi là tiết kiệm nhưng thực chất là lãng phí, việc đổ xô đi mua những sản phẩm giá rẻ theo đám đông sẽ dẫn đến việc mua sắm vô tội vạ. Đôi khi chỉ mua vì nghĩ là hời nhưng thực tế lại chẳng dùng đến".
Nói về nguyên nhân cho tình trạng này, TS. Nguyễn Ngọc Dương - Phó Trưởng Bộ môn Quản trị tác nghiệp kinh doanh, Đại học Thương Mại giải thích do quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Vì vậy, các cửa hàng truyền thống hay trung tâm thương mại không còn là sự lựa chọn hàng đầu của người mua.
"Ngoài ra, kinh tế đang còn khó khăn bất ổn cũng là nguyên nhân khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, sức mua cũng sẽ giảm theo. Đặc biệt là do thói quen tiêu dùng, người dân vẫn có quan niệm rằng hàng giảm giá là hàng mẫu mã xấu, kích cỡ không phù hợp hay sự nghi ngờ về chất lượng sản phẩm...", ông Dương giải thích thêm.
Do đó, TS. Nguyễn Ngọc Dương cũng đề xuất doanh nghiệp thay vì chỉ "mạnh tay" chi cho các ưu đãi giảm giá thì nên có các chương trình marketing có trọng tâm hơn, tập trung vào từng phân khúc khách hàng mục tiêu để có thể tạo được sự quan và kết quả kinh doanh như kỳ vọng.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/khach-hang-tho-o-voi-chieu-soc-black-friday-a176289.html