Việc áp dụng thuế đối với các giao dịch trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một chủ đề quan trọng trong chính sách thuế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TMĐT, việc quản lý thu thuế đối với các giao dịch trực tuyến trở nên cấp thiết để đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công từ việc áp thuế lên các sàn TMĐT, thì còn tồn tại không ít thách thức.
Điều này đặt ra nhu cầu cần thiết điều chỉnh chính sách thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường TMĐT.
Mặc dù việc áp thuế đã đạt được những kết quả khả quan về mặt thuế thu hồi, nhưng tỉ lệ tuân thủ thuế từ các doanh nghiệp và các sàn TMĐT vẫn còn gặp một số khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỉ lệ doanh nghiệp TMĐT tuân thủ nghĩa vụ thuế vẫn còn khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 60-70%.
Nên bóc tách dòng tiền thương mại và phi thương mại
Là đại diện đơn vị trung gian thanh toán và cung cấp các nền tảng thanh toán số, ông Trần Mạnh Nam - Giám đốc Khối Doanh nghiệp CTCP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) cho sẻ với Người Đưa Tin rằng, việc phát triển của thanh toán điện tử luôn đi song hành với phát triển TMĐT.
Theo ông Trần Mạnh Nam, nên bóc tách đâu là dòng tiền thương mại và dòng tiền phi thương mại của các chủ sở hữu, để từ đó cơ quan thuế có thể xác định được đâu là trách nhiệm thuế, đâu là nghĩa vụ thuế của các đơn vị tham gia bán hàng.
Đại diện VNPay đề xuất, có thể chia công việc thành các giai đoạn khác nhau. Trong giai đoạn đầu tiên, có thể lựa chọn những thông tin cơ bản, thông tin đơn giản để có thể hình thành thông tin của một doanh nghiệp.
Ví dụ như mã số thuế, tài khoản thụ hưởng, các thông tin liên quan. Từ đó, có các căn cứ cho cơ quan quản lý thuế có thể quản lý, nắm bắt được thông tin.
Tiếp theo, đại diện VNPay cũng mong muốn có sự chia sẻ liên ngành, đứng trên vai trò quản lý, Chính phủ cũng sẽ nhìn nhận được những xu hướng của thị trường, sẽ thấy rằng nền kinh tế đang dịch chuyển từ những sản phẩm giá trị lớn sang những sản phẩm giá trị nhỏ, hoặc từ ngành hàng FMCG (ngành cung cấp toàn bộ các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày) sang một ngành hàng khác. Từ đó, có những thông tin, những chia sẻ, những định hướng ngược lại cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, việc xuất hoá đơn điện tử tại đúng thời điểm bán hàng hoặc xuất hoá đơn trong ngày cần phải được khuyến khích vì sẽ giúp cho cơ quan thuế nắm được tình hình giao dịch của các doanh nghiệp bán hàng, từ đó đưa ra các phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như có phương án quản lý thuế phù hợp.
Đồng quan điểm bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, việc xuất hóa đơn đầy đủ sẽ hỗ trợ quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không, giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa.
Từ đó, hàng hóa trong thị trường Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh, chống hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trên thị trường, đặc biệt là sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Hướng đến giảm đầu mối kê khai thuế
Nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế nói chung và người nộp thuế kinh doanh TMĐT nói riêng, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, Tổng cục Thuế đã mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử bao gồm: khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đảm bảo cấp độ 4.0, hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế.
Đồng thời, ngành Thuế cũng đang nghiên cứu xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, qua đó cung cấp thêm cho hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT một kênh thuận tiện, dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.
Hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức là nhà quản lý các sàn TMĐT có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) phải khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Nội dung này được hiểu là khi sàn TMĐT có chức năng thanh toán khấu trừ, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh trên sàn thì thực hiện khai với cơ quan thuế thông tin số thuế của hộ, cá nhân kinh doanh mà sàn đã khấu trừ, nộp thuế thay. Thông tin mà sàn TMĐT đã khai với cơ quan thuế là căn cứ, cơ sở dữ liệu để cơ quan thuế quản lý nghĩa vụ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh.
Quy định này góp phần giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội do chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch TMĐT khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho hàng chục, hàng trăm nghìn cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn.
Để triển khai quy định này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ, phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa cơ quan Thuế và các tổ chức quản lý sàn TMĐT, nền tảng số, thống nhất về phạm vi trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức quản lý sàn, nền tảng khi thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay và khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT trên cơ sở tổ chức làm việc, trao đổi trực tiếp với một số sàn TMĐT.
Đề xuất xây dựng kho dữ liệu
Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco cho rằng, để quản lý thuế cũng như chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử được hiệu quả, thì cần có sự tham gia và phối hợp giữa ngành thuế và các cơ quan Nhà nước khác, trong đó có các ngân hàng.
Về phía PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, nếu các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên mạng không kê khai nộp thuế thì cần có cơ chế phạt, thậm chí phạt thật nặng như cấm kinh doanh hoặc phạt tiền với mức cao để buộc họ phải thực thi đúng quy định của pháp luật.
Trước những thách thức trong vấn đề thu đủ thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, kho dữ liệu, kho này không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội.
Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu về thương mại điện tử là việc làm cần thiết và cấp bách.
Tiếp theo là việc ứng dụng công nghệ, cần phải dùng chính công nghệ mới và công nghệ số để quản lý hoạt động thương mại điện tử thì mới quản lý phù hợp và chặt chẽ.
"Tôi cho rằng kết hợp giữa các Bộ, ban, ngành, kết hợp giữa tuyên truyền và ý thức của người dân đối với hoạt động quản lý và thu thuế từ thương mại điện tử sẽ là cơ sở chúng ta có thể quản lý thương mại điện tử một cách phù hợp và sâu sát hơn", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Theo Bộ Tài chính, hiện Bộ đang phối hợp với Bộ Công An để đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế. Ngoài ra, Bộ cũng hợp tác với Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác để triển khai các quy định về phối hợp giữa 2 cơ quan đã được quy định trong Luật Quản lý thuế.
Hướng đến một môi trường kinh doanh minh bạch
Với tốc độ phát triển chóng mặt của TMĐT, vấn đề quản lý Nhà nước càng trở nên cấp bách. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý linh hoạt, kịp thời để kiểm soát các hoạt động TMĐT một cách hiệu quả.
Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng cho tất cả các cá nhân và doanh nghiệp.
Ông Mai Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, đối với lĩnh vực quản lý Nhà nước về các khoản thu nội địa, trong đó có khoản thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên cơ sở các quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021, các nhà quản lý sàn thương mại điện tử có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế.
Đối với người bán là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nói chung, ông Sơn cho biết Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế.
Trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức là nhà quản lý các sàn thương mại điện tử (bao gồm cả sàn trong nước và nước ngoài) có chức năng thanh toán phải khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Luật này dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 29/11/2024, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Khi Luật được thông qua, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ, phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa cơ quan thuế và các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử, nền tảng số.
Theo đó, thống nhất về phạm vi trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức quản lý sàn, nền tảng khi thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay và khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đảm bảo phù hợp với các quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân.
Bên cạnh đó, nhằm chống thất thu thuế và đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trong thực hiện nghĩa vụ về thuế, Tổng Cục thuế đang nghiên cứu đề xuất tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Cụ thể, Tổng Cục thuế đề xuất thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với các giao dịch thương mại điện tử: tách trừ trực tiếp thuế giá trị gia tăng trên dòng tiền thanh toán và chuyển về tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế mở tại kho bạc, phần còn lại chuyển cho người bán.
Tổng Cục thuế cho biết sẽ tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ban-hang-tren-san-tmdt-bai-2-thu-dung-thu-du-chong-that-thu-thue-nho-luat-quan-ly-thue-a176081.html