Các ý kiến tại hội nghị tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính: chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp hội nông dân.
Tại đối thoại, nhiều ý kiến thể hiện sự băn khoăn đối với chính sách hỗ trợ cho các trường hợp di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ nhân rộng các mô hình nông nghiệp an toàn hữu cơ gắn với nông nghiệp sinh thái; hỗ trợ chuyển đổi số cấp mã số vùng trồng; truy xuất nguồn gốc, quảng bá và xây dựng sản phẩm; tăng hỗ trợ đầu tư nhà màng, nhà lưới.
Một số nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm đề xuất, như: sửa chữa, khắc phục hệ thống đê điều, công trình thủy lợi; quan tâm xử lý nhà máy rác thải tập trung để giải quyết tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp rác thải ở các địa phương; tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho hội viên hội Nông dân vay; đề nghị chính sách khuyến khích mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn; nâng mức phụ cấp cho cán bộ hội Nông dân, kinh phí hoạt động cho các cấp hội Nông dân…
Từng nhóm vấn đề đã được lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ; Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hải Dương giải đáp.
Biểu dương tỉnh Hải Dương đã có những chính sách kịp thời, thiết thực với nhu cầu của nông dân, giúp khơi thông nguồn lực cho nông dân trong tỉnh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đề nghị các cấp hội, hội viên phát huy lợi thế, tiềm năng, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đề nghị, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong nông dân, nêu cao ý chí tự lực tự cường của nông dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Cùng đó, các cấp Hội Nông dân giúp hội viên thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị; xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm hiệu quả và bền vững…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế chính sách tỉnh đã ban hành như: hỗ trợ liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép; bảo dưỡng, xử lý cấp bách sự cố đê điều...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất tỉnh ban hành các chính sách mới phù hợp với điều kiện của tỉnh. Trong đó tập trung vào: giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp an toàn; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tiêu thụ nông sản... Khẩn trương trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng lúa năng suất, chất lượng cao; trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa; Nghị quyết về mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư trong lâm nghiệp.
Với các sở, ngành liên quan, ông Lê Ngọc Châu đề nghị các ngành căn cứ chức năng, kịp thời giải quyết các vấn đề nông dân đề xuất, kiến nghị tại hội nghị. Ủy ban nhân dân cấp huyện đối thoại với nông dân để hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền và tổng hợp, báo cáo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền.
Theo thông tin tại hội nghị, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2024 ước đạt 205,6 triệu đồng (tăng 38,4 triệu đồng so với năm 2020); thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2024 ước đạt 53,7 triệu đồng (tăng 4,8 triệu đồng so với năm 2020).
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/khoi-thong-nguon-luc-trong-nong-dan-a175883.html