Không để dịch sởi bùng phát trong cộng đồng

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, nhằm chủ động phòng, chống dịch sởi kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, Sở đang yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với địa phương điều tra và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát trong cộng đồng.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, đến ngày 20/10/2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 12 ca bệnh sởi xác định (9 ca tại thành phố Quy Nhơn và 3 ca rải rác ở các huyện Hoài Ân, Tây Sơn và thị xã An Nhơn); trong đó, có 11 ca xác định trong phòng xét nghiệm có kết quả dương tính và 1 ca xác định dịch tễ.

Cùng với đó, ngành chức năng còn phát hiện 1 ổ dịch sởi tại địa chỉ khu phố 5, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn với 2 ca cùng nhà và 1 ca dương tính học cùng lớp mầm non tại phường Thị Nại, TP Quy Nhơn. Đa số các trường hợp mắc chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi.

Trước tình hình trên, nhằm chủ động phòng, chống dịch sởi kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh căn cứ tình hình dịch bệnh sởi tại địa phương, tỷ lệ tiêm chủng… thực hiện đánh giá nguy cơ thường xuyên, xác định vùng nguy cơ theo quy mô huyện/thị xã/thành phố, xã/phường/thị trấn; rà soát đối tượng, đề xuất địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, thực hiện rà soát đối tượng và tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ; tăng cường công tác giám sát ca bệnh tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm kịp thời; phối hợp với địa phương điều tra và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát trong cộng đồng. Chủ động báo cáo, tham mưu Sở Y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch…

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tăng cường hoạt động điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi/sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sớm, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức triển khai tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vaccine sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vaccine phòng bệnh. Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường tiểu học, mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị để tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân. Báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh, ổ dịch qua Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế…

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/khong-de-dich-soi-bung-phat-trong-cong-dong-a175703.html