Tôi vừa có chuyến đi một vệt biên giới của tỉnh Kon Tum, trong đó ghé thăm một làng người Rơ Măm, là làng Le, xã Mô Rai, một ngôi làng của một tộc người nổi tiếng vì ít dân, từng suýt bị quên lãng vì cả làng ở trong rừng sâu. Làng tựa lưng vào dãy Chư Mo Ray, là một trong những nơi được gọi là "ốc đảo"
Tháng 6/1998, thực hiện chủ trương của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Quân khu 5 về phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh khu vực biên giới tỉnh Kon Tum, tạo vành đai khép kín từ huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đến huyện Đức Cơ, Chư Prông (Gia Lai), Binh đoàn 15 lập dự án "Xây dựng khu kinh tế-quốc phòng trên địa bàn vành đai biên giới tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum", và Bộ Quốc phòng phê duyệt theo Quyết định số 1307/QĐQP, ngày 06/10/1998.
Và tôi mới hiểu vai trò của "đoàn kinh tế quốc phòng" trong việc bảo vệ và cả bảo tồn vùng đặc biệt khó khăn này, nơi có tới gần 50 km đường biên, là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, có trên 80% là người dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Rơ Măm (dân số dưới 1.000 người đang được Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi để bảo tồn và phát triển).
Có mấy việc tôi lưu trong trí nhớ.
Một là gặp anh chàng 30 tuổi A Thái, người Rơ Măm xịn. Nói xịn là bởi, theo anh thì cả làng còn đâu chừng ba chục hộ nguyên gốc. Theo thống kê chính thức, làng này hiện có 178 hộ, với 536 nhân khẩu, nhưng A Thái bảo là phần lớn đã lai, còn nguyên gốc là rất ít.
A Thái, hiện là trưởng thôn Làng Le, là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum, là người sau khi đi bộ đội, xuất ngũ, đã học và tốt nghiệp đại học Luật, một thanh niên hết sức năng động.
Hai là, vì làng từng cô lập rất lâu trong rừng nên có hiện tượng hôn nhân cận huyết, một số người rất nhỏ, thấp và nhẹ cân.
Khi đoàn kinh tế quốc phòng 78 xuất hiện để quản lý khu kinh tế quốc phòng, một trong những việc đầu tiên của họ là ổn định đời sống bà con, ưu tiên bà con dân tộc Rơ Măm làng Le.
Và xuất hiện mô hình gắn kết hộ.
Tại một cuộc sinh hoạt gắn kết hộ, tôi chụp được ảnh một cháu gái con của một gia đình lai, bố người Rơ Măm, mẹ người Jrai. Cháu bé đang học mẫu giáo, rất xinh đã đành, nhưng việc này của cháu mới khiến tôi nể phục: Được cho một gói bánh, cháu bóc bánh và lon ton đi tìm giỏ rác để bỏ, dù nơi ấy không phải nhà cháu, mà ở hội trường thôn, vừa lạ vừa đông người, nhưng cháu tìm bằng được giỏ rác để bỏ, không chỉ một lần, mà 3 lần, 2 lần bỏ 2 vỏ bánh của mình và một lần bỏ cho em trai.
Lại nói chuyện cháu đang học mẫu giáo. Tôi cũng đến và chứng kiến lớp học lúc... 0 giờ. Đừng nghĩ là tôi phịa. Đấy là "lớp học", thực ra là đón các cháu đến... ngủ, một mô hình lớp ban đêm đặc trưng của các "làng" công nhân cao su.
Theo kinh nghiệm và cả tính toán khoa học, thì mủ cao su được cạo ban đêm, lúc chưa có ánh sáng mặt trời, sẽ nhiều và chất lượng tốt hơn. Trừ các gia đình có ông bà hoặc con lớn giữ con nhỏ, còn đa phần các gia đình trẻ đều phải gửi con thì mới đi cạo mủ ban đêm được. Và thế là các "lớp học 0 giờ" ra đời. Thực chất là các cháu được đưa đến lúc khoảng 9- 10 giờ đêm, đa phần là đã ngủ, tới lớp... ngủ tiếp, và tất nhiên các cô sẽ phải chập chờn suốt đêm để "canh" giấc ngủ cho các cháu. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng viết một bài thơ có những câu ám ảnh về việc "học đêm" của các con và làm đêm của mẹ: "Tối nay học ngoan con ơi à ơi/ Mẹ ru thiêm thiếp từ xa giấc ngủ/ Mẹ ru mẹ chờ con nắng đỏ/ Sữa chảy thân cây dìu dịu trắng mờ".
Trong số các cháu "học đêm" ấy có cô bé bố Rơ Măm mẹ Jrai mà tôi chụp ảnh.
Một việc nữa cũng khiến tôi thích thú là được mời ăn một bữa sáng đại đoàn kết.
Là mỗi tháng một lần, cái đội sản xuất của đoàn kinh tế quốc phòng 78 ấy tổ chức một bữa ăn sáng đại đoàn kết. Tới nơi, nó chả khác gì cỗ làng, rất thú vị, rất vui và đầm ấm.
Đại tá Nguyễn Trường Vinh, đoàn trưởng đoàn kinh tế quốc phòng 78 giải thích, đây là cách tốt nhất để gắn kết bà con trong thôn/ đội sản xuất. Có tới 19 dân tộc trong khu vực quản lý của đoàn kinh tế quốc phòng 78, mỗi dân tộc một phong tục, một cách sống, một thói quen, những bữa ăn thế này giúp bà con hiểu nhau hơn.
Có hẳn một đội chuyên chăn nuôi trồng lương thực cung cấp cho bà con, kiểu khi nào có lương mới phải trả, theo giá nội bộ. Và những con lợn được nuôi ấy sẽ được cung cấp cho những bữa ăn sáng như thế này.
Tôi gặp một bà giáo già người Thanh Hóa, về hưu vào đây giữ cháu, định ở một thời gian rồi ra, nhưng rồi lại ở lâu dài, coi đây như quê thứ 2. Hỏi có nhớ quê không? nhớ chứ. Nhưng giờ con cháu ở đâu thì... quê ở đấy. Một cụ ông nữa người Mường Thanh Hóa, hơn 80 tuổi nhưng vẫn rất khỏe. Bảo tôi vẫn đi rừng hàng ngày, hỏi cụ đi rừng làm gì, bảo đi tìm những thứ cây ngoài quê hay dùng, ví dụ hồi đầu không có lá gói bánh chưng, phải gói bằng lá chuối, không ngon. Lặn lội tìm mãi không có, nói gửi giống ngoài quê vào, tôi trồng dọc ven suối, giờ có cả rừng lá dong bạt ngàn, và bà con tới xin hay mua tôi đều đồng ý hết, nhưng đa phần xin xong thì họ... trả tiền cho tôi, cũng đủ sống dư dả, không cần con cung cấp. Đoàn 78 cũng có "ngày hội bánh chưng xanh" và tôi là người cung cấp lá dong...
Tôi nhớ trên mâm ăn sáng hôm ấy có món bánh răng bừa Thanh Hóa, gói lá dong đúng chuẩn nên mới hỏi nguồn gốc. Té ra ở đội sản xuất này có khá đông người Thanh Hóa.
Hôm ấy những người Kinh, Mường, Thổ, Rơ Măm, Jrai, Jẻ, Triêng... cùng làm nên một cuộc cỗ làng đậm phong vị miền Bắc.
Họ, té ra, tới bây giờ, lại là những người có mức sống khá so với mặt bằng xã hội, thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/ người một tháng.
Gặp A Thái, và cả cô gái Y Vác, cũng người Rơ Măm xịn, họ đều có ý thức rất cao về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Nếu A Thái tốt nghiệp đại học luật, thì Y Vắc tốt nghiệp cao đẳng Nông Lâm. Đi xa để trở về, học chữ để phục vụ chính bà con của mình, họ là những thanh niên tiêu biểu của một thế hệ người Rơ Măm mới. Cứ nhìn cái nhà rông truyền thống dân tộc Rơ Măm của làng Le thì biết, nó không bê tông, không tôn hóa, điều khá hiếm ở Tây Nguyên hiện nay.
Chia tay, tôi chụp ảnh A Thái và Y Vác cùng các sĩ quan của đoàn 78 trước cái nhà rông Rơ Măm nguyên bản ấy và mừng cho dân tộc Rơ Măm từ ốc đảo bước ra hội nhập hôm nay (Theo thống kê,ba dân tộc ít người nhất Việt Nam là Ơ Đu, Brâu và Rơ Măm".
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ve-lang-ro-mam-a175664.html