Sự kiện đã giúp "đánh thức" các làng nghề sản xuất gạch gốm ở kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít phát huy tiềm năng theo hướng đi mới, nhằm tôn vinh thành quả của người dân, từng bước đưa nơi đây trở thành khu du lịch trọng điểm, điểm đến xanh thu hút du khách.
Ký ức bên dòng kênh Thầy Cai
Dòng kênh Thầy Cai vốn gắn liền với hoạt động sản xuất gạch gốm của người dân địa phương từng một thời nhộn nhịp. Thời hoàng kim là những năm 1980, các lò gạch san sát thi nhau đỏ lửa, tiếng tàu ghe, tiếng máy lò gạch, tiếng nói cười của người lao động đã tạo nên không khí sôi động của làng nghề. Từ những năm 2010 trở đi, làng nghề gặp khó khăn, thách thức khi chi phí sản xuất cao, giá sản phẩm lại thấp… Theo thời gian, hoạt động sản xuất cũng bị thu hẹp dần, những chiếc lò nung từng một thời đỏ lửa đã mọc rêu, dòng kênh Thầy Cai đìu hiu, trầm lắng.
Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh lần đầu tiên với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú tại làng nghề chính là hành động thiết thực nhất nhằm bảo tồn và phát triển nghề làng nghề sản xuất gạch gốm truyền thống hướng kết hợp với phát triển du lịch, đưa làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Trong những ngày diễn ra Festival, trên những chuyến tàu du lịch xuôi dòng kênh Thầy Cai, du khách bị thu hút ánh nhìn bởi những dãy lò gạch san sát ven bờ. Những chiếc lò bỏ hoang, phủ màu rêu phong nhưng lại khiến du khách thích thú. Nhìn dưới sông tấp nập các ghe chở nguyên liệu làm gạch gốm, nông sản, hàng nhu yếu phẩm; tiếng rao mời gọi du khách đến tham quan hoạt động trải nghiệm đậm chất miền Tây làm cho du khách nôn nao muốn được bước xuống ghe để quay về miền ký ức. Trên bờ, người dân nô nức mua sắm, tham quan, thưởng thực nghệ thuật múa rối nước, đờn ca tài tử.
Không gian truyền thống pha lẫn nét hiện đại vừa gợi nhớ ký ức về dòng kênh Thầy Cai tấp nập vừa gợi mở không gian du lịch làng nghề trong tương lai. Đặc biệt, lễ khai mạc Festival với màn sân khấu hóa hiện đại đã tái hiện nét đẹp vùng đất và con người Vĩnh Long, di sản làng nghề gạch, gốm trên con đường phát triển du lịch, bảo tồn làng nghề trên 100 năm tuổi... Tất cả các hoạt động đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, thể hiện quyết tâm của tỉnh với việc bảo tồn và phát triển làng nghề.
Nhà văn hóa Nhâm Hùng, người xây dựng ý tưởng cho không gian trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai cho biết: Không gian được xây dựng dựa trên câu chuyện về lịch sử làng nghề trăm năm tuổi của địa phương. Khi xóm lò gạch nơi đây còn phát triển cũng kéo theo hoạt động thương hồ phát triển. Bên cạnh việc tái hiện không gian dưới sông đặc sắc, ê kíp cũng xây dựng không gian trên bến với nhiều hoạt động mua sắm, tham quan, triển lãm giới thiệu sản phẩm gạch gốm, mỹ nghệ nhằm tạo sự liên kết, tác động giữa trên bến và dưới thuyền, tạo nên không gian liên hoàn, quy mô để thu hút du khách.
Là người dân địa phương, từng chứng kiến thăng trầm của làng nghề, ông Nguyễn Văn Hoàng (huyện Mang Thít) phấn khởi chia sẻ: Festival lần này đã mang đến niềm phấn khởi và hy vọng cho người dân làng nghề.
Định hướng phát triển không gian du lịch trong tương lai
Huyện Mang Thít còn lưu giữ được khối di sản kiến trúc cùng nghề sản xuất gạch, gốm truyền thống với những lò gạch mái vòm còn nguyên vẹn hoặc một phần, nằm dọc các bờ sông. Năm 2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, phát huy các giá trị di sản văn hóa, hệ sinh thái địa phương. Festival Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long là sự thể hiện quyết tâm của tỉnh trong nhằm hướng đến các mục tiêu này.
Trong khuôn khổ Festival, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố Đề án quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa Đề án Di sản đương đại Mang Thít với mục tiêu đến năm 2045, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia. Với hướng đi này, người dân làng nghề không chỉ phát triển kinh tế bằng nghề sản xuất gạch gốm mà còn là những chủ thể tham gia phát triển du lịch tại địa phương.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng chia sẻ, điều cần thiết là phải kịp thời bảo tồn và phát huy các giá trị này ngay khi chúng còn tồn tại. Một giải pháp hữu ích là định kỳ 1 hoặc 2 năm tổ chức Festival, tổ chức thường xuyên các sự kiện, hoạt động gắn với du lịch để dần hình thành không gian du lịch. Điều đặc biệt là phải tạo nên những sản phẩm du lịch cộng đồng, huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương cùng chung tay để góp phần giữ gìn và đưa làng nghề vươn xa, phát triển hơn.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu đánh giá: Qua Festival, chúng ta nhìn thấy được bức tranh về tiềm năng, lợi thế và nét riêng có của Vĩnh Long trong mối liên kết với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long có những giá trị văn hóa đặc sắc với làng nghề làm gạch gốm Mang Thít mà không nơi nào có được. Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một quần thể, một điểm đến đặc biệt có giá trị nổi bật về văn hóa làng nghề được thể hiện bằng lối sống và sinh kế làng nghề từ nhiều đời nay, từ giá trị đặc sắc trong những câu chuyện của các nghệ nhân làm gạch gốm ở một vùng đất này.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, thông qua Festival, tỉnh mong muốn mang đến thông điệp mạnh mẽ về cam kết xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đồng thời xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch. Tỉnh tập trung phát triển làng nghề gắn với phát huy các giá trị văn hóa của vùng sông nước đặc sắc, bảo vệ môi trường, nhằm tạo ra không gian và động lực phát triển mới cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-ben-vung-o-lang-nghe-tram-tuoi-a175613.html