Tỉnh hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển, cảng sông nhằm thúc đẩy nhanh lĩnh vực logistics kết nối liên vùng Đông - Tây Nam bộ. Cảng Quốc tế Long An sẽ giữ vai trò trung tâm phát triển mạng lưới logistics của tỉnh.
Tạo đòn bẩy để tiến nhanh
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng khá cao trong khu vực phía Nam. Song song với phát triển công nghiệp, tỉnh đang hướng phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng, với khát vọng sớm trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa với trọng tâm tại Cảng Quốc tế Long An.
Long An có 18 cảng do tư nhân quản lý, khai thác trên hệ thống sông Vàm Cỏ, sông Soài Rạp; trong đó, Cảng Quốc tế Long An có vai trò chiến lược và quan trọng không chỉ của Long An mà còn đối với toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tỉnh Long An xem đây là điểm nhấn để phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị.
Hiện Cảng Quốc tế Long An đã hoàn thành và đưa vào khai thác 7 cầu cảng với tổng chiều dài 1.670m và 1 triệu m² kho bãi, đáp ứng khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 70.000 DWT. Thực hiện hoàn chỉnh theo quy hoạch, Cảng sẽ đạt quy mô 9 cầu cảng, với khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 100.000 - 200.000 DWT đáp ứng nhu cầu đa dạng, quy mô lớn của hoạt động xuất nhập khẩu cũng như hoạt động logistics và du lịch quốc tế.
Với vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng to lớn, hệ thống giao thông đang được đầu tư đồng bộ, tỉnh Long An hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm, năng động và hiện đại của vùng ĐBSCL. Việc phát triển hệ thống cảng biển, thu hút dòng hàng container không chỉ là một mục tiêu mà còn là một đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.
Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều cho biết: Với định hướng phát triển có tính chiến lược, nỗ lực đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, chất lượng, có tính liên vùng và nỗ lực đồng hành cùng nhà đầu tư bằng cơ chế, chính sách ưu đãi sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh trở thành đầu mối, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi, kết nối các tỉnh thuộc Vùng ĐBSCLvới TP Hồ Chí Minh, Vùng Đông Nam Bộ.
Mặc dù hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh Long An đã được hình thành với hệ thống cảng đa dạng; trong đó, một số cảng đã được đầu tư hệ thống kho bãi hiện đại, điển hình như Cảng quốc tế Long An. Tuy nhiên, việc thu hút các hãng tàu vận tải lớn cập cảng xếp dỡ hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn nên cần có một cơ chế, chính sách để thu hút container vào cảng.
Theo kết quả công bố của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics về báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022, được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 11/2023, chỉ số năng lực cạnh tranh logistics của tỉnh Long An xếp hạng 9/26 tỉnh thành được lựa chọn khảo sát dựa trên GRDP, khối lượng luân chuyển hàng hóa và số lượng doanh nghiệp logistics tại địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều cho biết: Từ năm 2023, lãnh đạo tỉnh Long An đã nhận thấy cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút container vào cảng. Thường trực HĐND tỉnh Long An đã tìm hiểu và tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại một số địa phương đi trước thực hiện hiệu quả chính sách này như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế. Kinh nghiệm từ các địa phương đã thực hiện làm cơ sở để tỉnh bắt tay vào xây dựng cơ chế khuyến khích của Long An.
Trong xây dựng cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng, Long An sẽ xác định rõ về cơ sở pháp lý và thực tiễn ban hành chính sách. Về đối tượng được hỗ trợ như các hãng tàu; doanh nghiệp vận chuyển nội địa. Về mức hỗ trợ vừa phù hợp với khả năng ngân sách của tỉnh; vừa phải khuyến khích thu hút được vận chuyển container qua Cảng; vừa hài hòa lợi ích với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL.
Về thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ hợp lý, chẳng hạn giai đoạn 3 năm hoặc 5 năm, hay tại thời điểm chi phí tăng thêm của chủ tàu đến cảng bằng không. Về trình tự, thủ tục thanh toán, quyết toán chi phí hỗ trợ, cấp phát ngân sách nhà nước, phương thức thanh toán, quyết toán. Về nguồn kinh phí thực hiện khoản chi trong ngân sách Nhà nước, phương thức phân bổ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm khẳng định: Việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng trên địa bàn tỉnh là việc cấp thiết hiện nay, để có thể khai thác phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt và nổi trội, lợi thế về địa hình kinh tế để tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Giải pháp ba nhà
Để thu hút hàng hóa vào cảng Long An, ngoài việc cải thiện kết nối giao thông đường bộ và đường thủy, tăng cường hợp tác với các khu công nghiệp lớn trong khu vực Tây Nam Bộ - nơi có nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn, Long An đang tính đến “Giải pháp ba nhà”. Đó là sự hợp tác trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm giữa “quản lý cảng - chủ hàng (doanh nghiệp xuất nhập khẩu nội vùng) - hãng tàu vận chuyển quốc tế”.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Anh Tâm, Trường Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh, giải pháp “Ba nhà” chính là sự hợp tác hiệu quả trên cơ sở “win – win”. Giai đoạn đầu của các cảng biển đều gặp khó khăn do thiếu các nguồn hàng container đi và về, nên hầu như không có tàu container vào cảng, do khối lượng hàng hoá container ít, chi phí tàu ra, vào cao, lưu các cảng khác nên khó được các hãng tàu lựa chọn làm điểm đến trong hành trình. Từ đó gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư cảng biển, thường vốn đầu tư ban đầu rất lớn.
Cho nên sự hỗ trợ ban đầu từ chính quyền bằng cơ chế, chính sách để khuyến khích vận chuyển container qua cảng là cần thiết (có container thì mới có tàu vận chuyển container đến cảng, là trách nhiệm của chính quyền tỉnh như đã cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ cùng nhà đầu tư vì sự phát triển chung.
Do đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút hàng hóa container qua cảng phải được xây dựng trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và các doanh nghiệp, gồm quản lý cảng - chủ hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nội vùng - hãng tàu vận chuyển quốc tế.
Vì vậy, để đảm bảo hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, chính sách sẽ nhằm tác động trực tiếp đến chủ hàng và chủ tàu - người ra quyết định về phương thức vận chuyển bằng container và cảng đến; về phạm vi hỗ trợ chủ yếu là bù khoản chi phí tăng thêm so với các cảng trong khu vực; về phương thức hỗ trợ, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ theo tỷ lệ nhất định, phần còn lại là quản lý cảng, chủ tàu, chủ hàng hóa cùng chia sẻ.
“Chính sách này lấy doanh nghiệp làm trung tâm, doanh nghiệp là đối tượng hỗ trợ, tham gia và thụ hưởng. Ý nghĩa của chính sách ở chỗ Nhà nước và doanh nghiệp cùng thực hiện để cùng hưởng và cùng xây dựng hình ảnh điểm đến đầu tư tỉnh Long An thân thiện, hiệu quả, an toàn”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều nói.
Nếu thành công thu hút hàng container đến Cảng Quốc tế Long An thì hiệu quả đạt được sẽ rất lớn, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho riêng Cảng Quốc tế Long An mà còn phát triển được ngành logistics trên địa bàn Long An và cả khu vực ĐBSCL, phát huy tiềm năng khác biệt, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững để tiến nhanh vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/xay-dung-co-che-thu-hut-dau-tu-phat-trien-he-thong-cang-bien-a175604.html